PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Hãy cứu lấy cây dã hương lớn nhất thế giới tại Việt Nam

Hãy cứu lấy cây dã hương lớn nhất thế giới tại Việt Nam

Cũng trường thọ như “quốc chúa đô mộc dã đại vương” (sắc phong của Vua Lê Cảnh Hưng) cho cây dã hương ở Bắc Giang, thế nhưng “cụ” dã hương ở xã Yên Nhân (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) chưa một lần được vua biết mặt, chúa biết tên còn bề thế hơn cây dã hương ở Bắc Giang về mặt kích thước.


Thậm chí, 7 năm trở lại đây, người Yên Nhân mới biết cây đại thụ quê mình thuộc hàng quý hiếm trên toàn thế giới và đang phải đối mặt với cái án tử đang rình rập từng ngày.

“Phật từ bi, nhưng thánh thì một ly cũng chấp”


Nhiều năm qua, người Yên Nhân vẫn thường kể về những người bị “cụ” dã hương nằm ở thôn Dương Phạm trừng phạt ra sao.


Bà Nguyễn Thị Kim Lân - thủ nhang miếu Vua Bà (tên thật là Ngô Thị Nữ Hoằng - thứ phi của Vua Lê Thánh Tông, lăng mộ và miếu thờ Vua Bà nằm gần cây dã hương đại thụ) - vẫn nhớ năm 1985 có trận bão, những cành cây dã hương to bị gãy, người dân trong làng đến lấy về đóng bàn ghế, đồ dùng trong nhà. Nhưng sau đó không rõ là vì lý do gì mà người dân kinh sợ quá mang hết cả bàn, ghế, giường tủ ra trả lại.


Trong tâm thức dân gian, không chỉ có “thần cây đa, ma cây gạo” mà mỗi cây cổ thụ đều có một vị thần trú ngụ. Có lẽ đó là một cách nói để thể hiện vị trí của cây cối trong đời sống người Việt - cây cũng có tâm linh, trực giác như người.


Tín ngưỡng thờ thần cây ở nước ta cũng đã có từ lâu. Trong “Lĩnh Nam chích quái”, những người ghi lại đã nói về việc người dân Vĩnh Phú phải lập đền thờ cây Chiên đàn (khoảng cuối đời Trần). “Dân phải lập đền thờ, hằng năm tới ngày 30 tháng chạp, theo lệ phải mang người sống tới nộp, dân mới được yên ổn” (Truyện Mộc Tinh)”.


Rồi không biết từ bao giờ, quan niệm “Phật từ bi, nhưng thánh thì một ly cũng chấp” đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân với vô vàn những câu chuyện kỳ lạ của những người sống xung quanh đã vô tình mạo phạm tới cây dã hương đại thụ này. Các cụ nhà ta có câu “thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề” cho nên những chuyện ly kỳ, huyền bí tồn tại quanh cây đại dã hương sống tới 5 thế kỷ này cũng là điều dễ hiểu.


“Cụ” dã hương lớn nhất thế giới


Ông Nguyễn Trung Kiên từng học sư phạm tiếng Nga, rồi sang Liên Xô học tập. Sau khi nghỉ công tác ở Bộ Y tế, ông về quê Yên Nhân làm thủ nhang quần thể di tích miếu Vua Bà và cây dã hương (ông còn tham gia hội sinh vật cảnh của cả hai huyện Vụ Bản và Ý Yên của tỉnh nhà).











Nhiều cành chết khô vì sâu bệnh, mối mọt.



Hơn 500 năm, người Dương Phạm chỉ biết giữa làng mình có cây xoan dã (tên gọi khác của cây dã hương). Đến năm 2007, ông Nguyễn Trung Kiên đọc tạp chí của hội sinh vật cảnh, thấy có bài viết về “quốc chúa đô mộc dã đại vương” ở Tiên Lục - Bắc Giang. Ông thấy người ta viết rằng đó là một trong hai cây dã hương đại thụ quý hiếm còn sót lại trên thế giới (cây kia ở mãi tận Châu Phi).

Nhìn ảnh chụp, ông thấy giống cây xoan dã làng mình quá! Thế là ông mang đủ các bộ phận của cây xoan dã (cành, lá, hoa, quả, rễ), dò đường đi xe máy lên tận Bắc Giang để so sánh và khẳng định.


Thế là sau bao tâm huyết, bài báo đầu tiên về “cụ” dã hương ở Yên Nhân do ông Kiên viết đã được in trên báo An ninh Thế giới. Người dân và các nhà khoa học đều rất bất ngờ và vui mừng vì ai cũng nghĩ rằng, sau khi cây dã hương ở Châu Phi đã chết vì sâu mối thì trên thế giới chỉ còn lại duy nhất “cụ” dã hương ở Bắc Giang mà thôi.


“Cụ” dã hương ở Nam Định kém “cụ” ở Bắc Giang mấy chục tuổi, thế nhưng về hình dáng, kích thước, “cụ” lại có phần bề thế hơn. Tháng 8 năm 2012, tổ chức Guinness Việt Nam về thăm và đo được đường kính gốc (phần lớn nhất) của “cụ” là 16m (“cụ” ở Bắc Giang là 12,5m). Thế nhưng “cụ” dã hương ở làng Dương Phạm đang có nguy cơ giống “cụ” dã hương Châu Phi vì “cụ” bị sâu bệnh hoành hành suốt nhiều năm qua.


Tính mạng bị đe dọa


Năm 2008, Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định đề xuất thực hiện đề tài “Nghiên cứu bảo tồn bền vững cây gỗ đại thụ thôn Dương Phạm, Yên Nhân, Ý Yên” và Trung tâm Đa dạng sinh học (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) được giao trọng trách nghiên cứu để bảo vệ “cụ”. Thế nhưng chẳng hiểu vì sao mà việc nghiên cứu để bảo tồn “cụ” vẫn chỉ nằm trên giấy.











Bộ rễ đẹp đẽ này đã bị mục ruỗng nhiều.



Luôn đau đáu trước số phận “cụ”, mỗi lúc nhìn lại những gì đẹp đẽ nhất của bộ rễ đã mất đi, ông Kiên lại có phần… trách móc: Người ta về đổ vào gốc ít phân lợn, thả ít giun để cày xới đất, rồi thả cả mấy con tắc kè nữa. Thả xong thì người ta đi. Trước khi đi, họ còn dặn “dân không được đổ bất cứ cái gì vào gốc, kể cả là đất. Muốn đổ đất vào thì cũng phải nghiên cứu sao cho đất ấy phù hợp sinh thái, từ con sâu, con bọ cho đến tỉ lệ… Chả hiểu họ nghiên cứu thế nào mà bấy đến giờ vẫn không quay lại.

Dân không được tự ý cứu hay chữa bệnh cho cây, trong khi những năm qua, cây vẫn đang bị rệp, mối, sâu bệnh hoành hành. Tháng 4.2012, cả xã Yên Nhân nháo nhác tưởng “cụ” sắp đi đến nơi, vì rệp làm đen hết lá, lá cứ héo và trút xuống như mưa.


Rồi sau mỗi trận mưa to, gió lớn, những cành mục ruỗng vì bệnh tật lại gãy lìa, rơi xuống tả tơi. Đến mức cành gãy được những người trông coi gom lại, chất kín cả một góc miếu thờ. Sang tháng 8, thấy “cụ” dã hương nguy kịch đến nơi, cả xã Yên Nhân họp lại, từ cán bộ đến dân đề nghị ông Kiên chấp bút viết đơn tường trình bệnh tật của “cụ” để kêu cứu khắp nơi.


Thấy tình hình cấp bách quá, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử Trung tâm Nghiên cứu phòng trừ mối của bộ (nay là Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình) về. Cũng thời gian ấy, trung tâm Đa dạng sinh học bỗng dưng trở lại Yên Nhân và nói rằng dự án đó vẫn thuộc trung tâm. Thế là, vì trung tâm là những người đầu tiên tham gia vào việc bảo vệ cây dã hương nên tỉnh ưu tiên cho trung tâm tiếp tục được… bảo vệ “cụ”.


Ông Vũ Dũng - Trưởng phòng Quản lý công nghệ, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định - cho biết: “Hiện nay, sở đã tổ chức Hội đồng nghiệm thu đề tài, song chưa có kết luận nghiệm thu vì đang yêu cầu Trung tâm Đa dạng sinh học bổ sung thêm một số nội dung còn thiếu, hoặc chưa cụ thể như tổng kinh phí thực hiện đề tài, giải pháp bảo tồn…”.


Sở Khoa học và Công nghệ Nam Định đã thanh toán 420 triệu đồng cho Trung tâm Đa dạng sinh học (dù chưa có kết luận nghiệm thu), thế nhưng đến tận giữa năm 2013 này, khi “cụ” đã được vinh danh là cây di sản mà trung tâm vẫn chưa có động thái gì.


Thế là, từ năm 2007 đến nay, trong khi những nghiên cứu để bảo tồn “cụ” vẫn “bị” các nhà khoa học… để đấy thì người Yên Nhân chỉ biết kêu giời.








*Từ sáng kiến của Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) vào năm 2010, danh hiệu “Cây di sản Việt Nam” ra đời. Đây là những cây sống trong tự nhiên có tuổi từ 200 năm và cây trồng từ 100 năm, nằm trong “Danh mục cổ thụ” gắn liền với lịch sử và mang giá trị văn hóa, có tính chất giáo dục, xã hội… Hiện nay cả nước có hàng trăm cây cổ thụ được vinh danh là “Cây di sản văn hóa Việt Nam”, trong đó có những cá thể đặc biệt quý hiếm với cả thế giới. Ngày 25.4 vừa qua, cây dã hương làng Dương Phạm đã được VACNE vinh danh là cây di sản.

*Về việc phát hiện và bảo tồn Cây di sản Việt Nam, GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội đồng Cây di sản Việt Nam - cho biết: “Ngoài bảo tồn sự đa dạng sinh học, bảo vệ màu xanh cho đất nước thì đây là một hành động mang đậm tính chất nhân văn, giúp tri ân những công lao to lớn của thế hệ đi trước trong việc tạo dựng môi trường sống cho chúng ta có thể tồn tại và phát triển. Đặc biệt, khi biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay, việc bảo vệ và giữ gìn cây xanh góp phần cải thiện tình hình hạn hán, thiên tai, lũ lụt.


Sâu xa hơn, cây còn có hồn của nó, bảo vệ cây gắn với bảo vệ giếng nước, chùa chiền thì làng xã tự nhiên sẽ cấu thành một thể thống nhất sum vầy, dân cư đoàn kết, chăm lo đời sống văn hóa. Việc bảo vệ cây di sản này có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc khơi dậy lòng yêu nước, yêu thiên nhiên, yêu làng xóm trong lòng mỗi con người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ”.








via Xã hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét