PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

“Liệt sĩ trở về” ở Thanh Hóa: Bao giờ mới được là... thương binh?

“Liệt sĩ trở về” ở Thanh Hóa: Bao giờ mới được là... thương binh?

Ở tuổi 73, sau 3 năm kể từ ngày Lao Động đăng phóng sự “Liệt sĩ về bản” (tháng 10.2010), ông Lò Văn Cân - ở bản Chinh, xã Xuân Chinh (Thường Xuân, Thanh Hóa), người trở về sau nhiều năm được cho là liệt sĩ, với một chân bị cụt và nhiều vết thương đau đớn trên cơ thể - vẫn chưa được công nhận là thương binh.


Nỗi nhức nhối của “liệt sĩ trở về”

Theo hồ sơ tại Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa, “liệt sĩ Lò Văn Cân, sinh năm 1940 ở xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, nhập ngũ tháng 5.1962, đơn vị P2; chức vụ thiếu úy, C trưởng (tiểu đội trưởng), mất tin tháng 5.1969 tại chiến trường miền Nam, được xác nhận là liệt sĩ theo giấy báo tử số 71 ngày 1.4.1992 của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa”. Anh Lò Văn Thành - con trai ông Cân - đã được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng từ đó.


Theo lời kể của ông Cân, năm 1969, ông cùng đồng đội ở Tiểu đoàn 923 chiến đấu bên nước bạn Lào. Trong trận đánh ác liệt vào cuối năm 1969 ở chiến trường Sầm Nưa, ông bị mảnh đạn cưa đứt nửa chân phải và bị nhiều vết thương khác trên đầu. Ông bị lạc đơn vị, nằm thoi thóp ở rừng sâu chờ chết. May có cô gái Lào tên là Lít (ở bản Bạc Nhỏ, huyện Lào Am, tỉnh Salavăn) đi rừng cứu.


Cuộc sống khó khăn, ông không thể về quê sau 40 năm thất lạc. Mãi đến năm 2010, qua một người Nghệ An buôn bán ở Lào, ông mới tìm được đường về quê mẹ. Vào tháng 6.2010, anh Thành hết sức ngạc nhiên khi người bố mà anh đang thờ bỗng dưng xuất hiện.


Ngày 25.8.2010, UBND huyện Thường Xuân đã báo cáo các cấp về sự trở về của ông Cân. Chỉ 5 ngày sau, Sở LĐTBXH đã có quyết định thu hồi hồ sơ liệt sĩ, bằng tổ quốc ghi công… đồng nghĩa với việc cắt mọi chế độ trợ cấp liệt sĩ. Thế nhưng, việc công nhận ông Cân là thương binh thì ỳ ạch cho đến bây giờ vẫn… chờ trên giải quyết.


Đã làm hết trách nhiệm chưa?


Ngày 1.8.2013, UBND huyện Thường Xuân đã có văn bản gửi Sở LĐTBXH về trường hợp của ông Cân đề nghị hỗ trợ, giải quyết chế độ cho ông. Ngày 9.8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công văn số 6171 chỉ đạo giải quyết chế độ chính sách cho liệt sĩ còn sống trở về.


Đặc biệt, ngày 15.8, ông Mai Văn Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa - đã đến thăm hỏi, động viên ông Lò Văn Cân và trao 50 triệu đồng trích từ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho ông Cân. Những nghĩa cử cao đẹp của các cấp chính quyền đã phần nào xoa dịu nỗi đau của “liệt sĩ trở về”.


Tuy nhiên, điều nhức nhối với ông Cân và gia đình là cho đến cái tuổi “gần đất xa trời”, với đôi chân cụt và nhiều vết thương trong cơ thể, ông vẫn chưa được công nhận là thương binh.


Ông Cầm Bá Xuân - Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân - cho hay: “Chúng tôi đã gửi hồ sơ thương binh của ông Cân đi các nơi, nhưng chưa có kết quả. Hoàn cảnh của ông Cân bây giờ vất vả lắm, mà thẩm quyền của huyện thì không thể giải quyết được, chỉ hỗ trợ cho ông phần nào”.


Thiếu tá Vũ Kiên Cường - Trưởng phòng Chính sách, Bộ Chỉ huy quân sự Thanh Hóa - khẳng định: “Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm”. Ông Cường cho hay đã cử cán bộ sang Lào xác minh và chứng thực những gì ông Cân kể.

“Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã làm hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh cho ông Cân từ năm 2011, mấy lần hỏi thì quân khu trả lời là đã chuyển lên Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng” - ông Cường cho hay.


Theo thiếu tá Cường, vướng mắc trong việc công nhận thương binh cho ông Cân là ông không còn giấy tờ gì, trước có ông Lang Thanh Ấn - Chỉ huy trưởng huyện đội Thường Xuân, người chiến đấu cùng ông Cân - thì giờ cũng đã mất. Dù vậy, trước khi mất, ông Ấn cũng đã viết giấy xác nhận trường hợp của đồng đội, thế nhưng chừng đó vẫn chưa đủ chứng lý để các cấp thẩm quyền giải quyết chế độ cho ông Cân.


Ông Đỗ Văn Mười - Trưởng phòng Người có công, Sở LĐTBXH - cũng đề nghị: “Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị sớm quan tâm giải quyết chế độ cho ông Cân cho ông đỡ khổ, khỏi thiệt thòi”.


Các cấp cơ sở đều khẳng định “đã làm hết trách nhiệm” trong việc giải quyết chế độ thương binh cho “liệt sĩ trở về” Lò Văn Cân. Nhưng thực tế, ông Cân vẫn nhức nhối với cái chân cụt và nhiều vết thương trên cơ thể mà chưa được công nhận thương binh, thì thực sự các cấp, ngành đã “làm hết trách nhiệm” với người đã hy sinh một phần cơ thể trong chiến đấu hay chưa? Câu hỏi này rất mong Ban Chính sách, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan sớm trả lời.








Tương tự trường hợp ông Lò Văn Cân, “liệt sĩ trở về” sau 40 năm Phan Hữu Được ở Tiên Lãng - Hải Phòng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau đó, ông Được nhanh chóng được công nhận thương binh. X.H







via Xã hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét