Phát biểu tại cuộc họp an toàn hồ chứa nước ngày 29.8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh các sự cố liên quan đến hồ chứa vừa qua là “hồi chuông cảnh báo”.
Nguy cơ chủ yếu từ các hồ chứa nhỏ
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trên cả nước có gần 7.000 công trình hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi. Những sự cố xảy ra trong quá trình thi công xây dựng hoặc trong giai đoạn vận hành thử thường tập trung ở các công trình có quy mô nhỏ, do doanh nghiệp tư nhân làm chủ đầu tư. Điển hình là thuỷ điện Đăk Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ tường chắn bêtông, thuỷ điện Đăm Bol-Đạ Tẻl (Lâm Đồng) vỡ đường ống áp lực, thuỷ điện Đăk Mêk 3 (Kon Tum) vỡ đập khi thi công, thuỷ điện Ia Krel 2 (Gia Lai) vỡ đập khi bắt đầu tích nước, thuỷ điện Ea Súp 3 (Đắc Lắc) bị vỡ bể áp lực trong quá trình chạy thử.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, một số chủ đập thủy điện nhỏ chưa thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn. Có đến 114/166 đập đã đến hoặc quá kỳ kiểm định tính toán lại dòng chảy lũ, nhưng hiện mới có 45 đập đã thực hiện xong trong lúc có 76 thủy điện chưa xây dựng phương án bảo vệ đập. Trong khi đó, hiện cả nước có 317 hồ bị hư hỏng công trình đầu mối, gồm 120 hồ trọng điểm cần quan tâm bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ, tập trung các nhóm hồ có dung tích dưới 3 triệu mét khối.
Bộ trưởng NNPTNN Cao Đức Phát khuyến cáo cái thiếu trước tiên của nhiều địa phương là “sự quan tâm đúng mức” đến các hồ thủy điện. Ông thừa nhận thực trạng nhiều nơi thiếu kinh phí để sửa chữa, nhưng “nếu quản lý không tốt thì vừa sửa chữa xong hồ chứa lại xuống cấp và tiếp tục có vấn đề”.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, cần tránh xảy ra tình trạng hồ chứa đã thẩm thấu hàng năm trời, nhưng chẳng ai ngó ngàng và để khi có vấn đề nghiêm trọng mới đổ tiền của ra để sửa chữa. “Tôi ở trong Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, nên cứ mỗi cơn bão đến là lại phải ký công điện đề nghị các địa phương quan tâm đảm bảo an toàn hồ chứa để không gây ra khó khăn cho chính mình. Không cẩn thận là chính chúng ta lại tạo thêm lũ” – ông nói.
“Bom trên đầu”
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu trong thời gian tới phải tập trung xử lý công tác quy hoạch hồ chứa vốn còn nhiều điểm bất hợp lý, đặc biệt là các hồ công suất nhỏ. Bên cạnh đó, phải xử lý nghiêm trách nhiệm chủ đầu tư vi phạm. “Đây là vấn đề đe dọa đến sự an toàn của xã hội nên không thể châm chước” – Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Khẳng định xây dựng hồ đập là nhiệm vụ phải làm do VN đang đối mặt nguy cơ thiếu nước, song Phó Thủ tướng chỉ đạo đã làm là phải an toàn, vì các hồ chứa thường được đặt trên cao nên nó giống như phải “đội bom trên đầu”. “Quản lý nhà nước trong thời gian qua vẫn còn dễ dãi, nên để lọt các trường hợp đáng tiếc xảy ra. Nếu không xử lý mạnh mẽ, các thảm họa từ hồ chứa nước sẽ rất lớn. Nguy cơ đã đến sau lưng chúng ta” – Phó Thủ tướng cảnh báo.
Tại cuộc họp, đại diện tỉnh Gia Lai cho biết hiện nhà đầu tư thủy điện Ia Krêl 2 đã tiến hành hỗ trợ bước đầu cho những hộ và gia đình thiệt hại nặng và cam kết đến 30.9 sẽ đền bù hỗ trợ cho dân ở vùng hạ du. Tổng giá trị thiệt hại do đập bị vỡ là khoảng 3,5 tỉ đồng.
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét