Nghe tiếng thầy lang Lượng có tài chữa bách bệnh, lại công đức “tùy tâm”, nên nhiều bệnh nhân trong và ngoài vùng tìm đến. Tuy nhiên, thực hư về khả năng chữa bệnh của “thần y” và bài thuốc gia truyền được kê giống nhau như đúc cho các bệnh nhân của thầy lang đã bị bóc trần.
Sự thật về những bài thuốc gia truyền
Trong vai một người bệnh đến chờ khám, chúng tôi đã có cơ hội “mục sở thị” quá trình chế thuốc và những nguyên liệu làm ra bài thuốc gia truyền “không giống ai” của vị “thần y” nức tiếng được người dân trong, ngoài vùng biết đến. Khi thầy lang Lượng đang bốc thuốc cho bệnh nhân bị chứng viêm khớp gối, một bệnh nhân nữ dáng vẻ ốm yếu, gầy gò lững đững bước vào. Đi liền sau là anh thanh niên với vẻ mặt kham khổ.
Lân la hỏi chuyện, tôi được biết, anh tên là Nguyễn Thanh Trà, đến từ xã Ngô Quyền, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên), còn người phụ nữ đi trước là mẹ anh - cô Trần Thị Hạnh. “Nửa tháng nay, mẹ tôi thấy suy nhược, yếu đuối và hai hàm răng đau buốt, ê ẩm. Đưa mẹ tới nhiều cơ sở khám bệnh rồi mà chẳng ăn thua gì”. Được mách nước tới “thần y” chữa bách bệnh, lại không đặt nặng tiền bạc, nên anh đánh liều đưa mẹ tới đây...
Lần này anh đưa mẹ tới tái khám, bởi sau nửa tháng dùng thuốc như chỉ định của lang Lượng mà thể trạng của bà vẫn không khởi sắc, thậm chí là càng héo mòn. “Hôm đến, ông Lượng chỉ hỏi qua loa rồi đưa cho tôi một túi lá thuốc bảo về pha nước uống, nửa tháng sau sẽ khỏi. Mẹ tôi đã dùng đúng liều lượng và chỉ dẫn của ông ấy rồi” - anh Trà phân trần.
Nhìn vẻ mặt thất thần của người đàn bà tên Hạnh, ông lang lớn tiếng: “Đã đến lượt chưa thế?”. Rồi, nhận ra người quen, ông Lượng liền dịu giọng: “Giờ bác vẫn thấy đau đầu hả, không sao, cứ mang thuốc này về sắc nước rồi uống ngày hai lần, chưa đầy hai tuần sau sẽ khỏi”. Vừa nói, ông Lượng vừa dốc thuốc bột vào tờ giấy nhỏ đưa cho người phụ nữ. Sự việc diễn ra trước mặt nhiều bệnh nhân và người nhà, song không ai hiểu đầu đuôi câu chuyện, nên cũng chỉ tặc lưỡi rằng ông thầy lang tận tình, chu đáo(!?).
Đang hỏi chuyện một vài người xung quanh, tôi giật mình vì ông lang bất chợt gọi đến tên mình. “Đau ở đâu, chàng trai?”. Viện lý do đau phía lưng và thường xuyên có cảm giác mỏi, nhức xương, vị lang này xoa xoa và bóp mạnh vào xương sống lưng khiến cơ thể tôi rung lên, đau nhói...
“Liệu pháp mới, đau đâu trị đấy, nhưng không phải đụng dao kéo đâu mà lo” - lang Lượng nói. Sau, tôi cũng không phải trường hợp ngoại lệ, khi lang Lượng đẩy tôi về phía người thanh niên - nghe đâu là đến học việc. Anh này dán lên người tôi một miếng cao trắng vào đúng chỗ lang Lượng bấm tay, rồi đưa cho tôi một bọc lá thuốc nam đã bó sẵn và dặn về pha lấy nước uống, nửa tháng sau sẽ lành lặn.
Sau quá trình dài theo dõi, chúng tôi đã rút ra được công thức của bài thuốc gia truyền mà lang Lượng quảng bá là có công dụng kỳ diệu, gồm: Một nắm lá cây thuốc nam (chưa xác định được) giã nát + một loại bột mà theo ông Lượng, phải lấy từ nơi rất xa về và chế biến phức tạp, kỳ công.
Ngay sau khi chứng kiến và trực tiếp thực nghiệm với bài thuốc của thầy Lượng, chúng tôi đã tìm gặp Chủ tịch UBND xã Văn Đức Nguyễn Đức Hùng. Theo ông Hùng, chính quyền địa phương đã biết đến sự việc và lưu tâm từ vài năm nay. Riêng về bài thuốc gia truyền của ông Chử Văn Lượng, trạm y tế xã đã thu thập mẫu và gửi tới Trung tâm y tế huyện Gia Lâm để phân tích. Kết quả thu được cho thấy những bài thuốc đó không có giá trị chữa bách bệnh như lời rao của ông Lượng. Thậm chí, trong bài thuốc nam đó, một số thành phần còn chưa rõ nguồn gốc.
Thực vậy, khi tôi vừa với tay bóc tấm cao dán sau lưng, thì nồng lên một mùi hăng, cay nồng của gừng và vài mùi lá lạ. Và công thức này được áp dụng chung cho tất cả bệnh nhân qua tay thầy Lượng.
“Thần y” từng bị... sờ gáy
Vừa ra khỏi ngõ nhà ông lang Lượng, chúng tôi được chị Nguyễn Thị Hải ở cùng thôn mách: “Các chú muốn chữa bệnh thì tới bệnh viện, chứ tới đây chỉ tổ mất thời gian thôi”. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, chị Hải liền nói thêm: “Thì chúng tôi ở đây, có gì mà không hiểu nhau. Ông Lượng có biết khám chữa gì đâu, chẳng qua ông ấy lấy tiếng là chữa bệnh miễn phí làm phúc, tiền góp thì tùy tâm, chỉ người phương xa mới đến, chứ ở làng có ai đến đâu”.
Bản "tự thú" của "thần y" Lượng về việc khám chữa bệnh trái phép, không được đào tạo nghề mà chỉ là "học mót". |
Rồi chị Hải kể tường tận cho chúng tôi nghe về thân thế ông Lượng. Nghe chuyện, một số người dân khác cũng chạy lại và bình luận. Theo kể lại, lang Lượng tên thật là Chử Văn Lượng, 53 tuổi. Từ nhỏ đến lớn, ông Lượng chỉ ở nhà làm nông nghiệp và rất ít ra ngoài xã. “Ông ấy tính cũng hiền hòa, nhưng không hiểu sao cách đây mấy năm rộ tin đồn ông ấy chữa bệnh giỏi như thần. Đến khi có một bác sĩ giả trang vào chữa bệnh, thì phát hiện cách chữa và bài thuốc ông đưa ra toàn vô căn cứ cả” - một người dân thêm lời.
Theo đại diện Trạm y tế xã Văn Đức, sau khi nhận được thông tin ông Lượng tổ chức khám chữa bệnh trái phép tại nhà vào năm 2006, một đoàn kiểm tra gồm y tế xã, công an và UBND xã đến nhà ông Lượng, trực tiếp gặp gia đình, nhắc nhở và lập biên bản đề nghị không được tái phạm.
Biên bản có ghi rõ: “Ông Chử Văn Lượng không có giấy phép hành nghề, không có bằng cấp chuyên môn, không có biển hiệu. Hình thức xử lý là nhắc nhở, lập biên bản đình chỉ hoạt động của cơ sở”. Sau khi ký vào biên bản, ông Lượng đã xin lỗi đoàn kiểm tra và hứa sẽ không tiếp tục việc khám chữa bệnh tại nhà nữa. Tuy nhiên, đến nay, cơ sở hành nghề trái phép của ông vẫn tự do tồn tại.
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Văn Đức cho biết thêm: “Ông này chẳng có bằng cấp gì đâu, hầu như năm nào chúng tôi cũng kiểm tra, lập biên bản về việc hành nghề không phép của ông Lượng, nhưng cũng chẳng thể xử lý được”. Theo ông Hùng, cái khó ở đây là chỉ có thể bắt lỗi ông Lượng ở việc không có biển hiệu, không có giấy phép hành nghề, còn ông này không gây mất trật tự hay xảy ra tai nạn gì khi khám chữa.
“Tài lắm, ông này lại núp dưới danh nghĩa không lấy tiền phí, mà người dân chỉ tùy tâm đóng góp, thành thử không thể quy tội kiếm lời bất chính được”. Theo ông Hùng, đại đa số người dân trong xã đều biết ông Lượng, nên không một ai tìm đến nhà ông chữa bệnh, mà chỉ có những người dân ở phương xa, không hiểu nghe tin thế nào mà cứ kéo đến đây. Sau khi nghe phản ánh của phóng viên, ông Hùng cho biết sẽ lập tức kiểm tra, lập biên bản nếu ông Lượng vẫn chưa có giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, về hướng xử lý, nếu có sai phạm như vậy, theo ông Hùng vẫn không đủ cơ sở để bắt.
Trong khi chính cơ quan chức năng địa phương cũng không có biện pháp bảo vệ hữu hiệu cho người dân, thì hơn bao giờ hết, mỗi người dân cần tỉnh táo để xem xét việc khám, chữa bệnh mập mờ, không rõ nguồn gốc của ông lang Chử Văn Lượng.
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét