Gần tới lễ Quốc khánh (2.9), công việc của những người "lính gác" đền thờ Bác (trên đỉnh Vua, thuộc dãy núi Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội) càng bận rộn. Họ đang gấp rút dựng rạp, chuẩn bị ghế, tài liệu... để tiếp đón bà con mọi miền về thắp hương Bác Hồ.
Giữ hơi ấm đền thờ Bác
Không khí sáng tháng 8 trên đỉnh Vua - thuộc dãy núi Ba Vì, nơi đặt đền thờ Bác Hồ - trong lành, nhiệt độ khoảng 25oC, có gió và nắng nhẹ.
Những kiểm lâm viên - "lính gác" đền thờ Bác Hồ.
Để lên tới đền thờ Bác, du khách phải vượt 12km đường dốc quanh co, nhỏ hẹp từ chân núi Ba Vì. Tới trụ sở của trạm kiểm lâm cost 1.100m, du khách leo bộ thêm 779 bậc đá để tới đỉnh Vua có độ cao 1.296m so với mặt nước biển. Sóng di động mấy năm trước còn chập chờn, nay những cột tiếp sóng mọc lên đã giúp du khách thuận tiện trong việc liên lạc.
Đặc thù công việc khác với các trạm kiểm lâm ở các nơi trên đất nước, nhưng đó cũng là điều mà các chiến sĩ kiểm lâm nơi đây cảm thấy vinh dự, dù còn nhiều vất vả.
Anh Nghiêm cho biết: “Thời tiết đỉnh Vua có gần 9 tháng là mùa đông, nhiệt độ dao động từ 1 - 28oC. Thời điểm rét nhất vào tháng 11-12 âm lịch, độ ẩm lên tới 90%. Vào mùa mưa, sấm chớp là điều bình thường, rất may ở đây đã có hệ thống chống sét cấp 2 nên đã hạn chế ảnh hưởng”.
Do ở vùng cao và mây mù, thời tiết nơi đây có thể thay đổi nhanh tới... 4 mùa trong 1 ngày. Để gắn bó nơi đây, những cán bộ kiểm lâm phải có sức khỏe và lòng nhiệt tình cao, chịu được sương gió.
Theo anh Trần Ngọc Chính - SN 1972, quê gốc Ứng Hòa, Hà Nội, Trạm trưởng - do khoảng cách với chợ dân sinh xa, đi lại khó khăn nên những cán bộ kiểm lâm thuộc trạm cốt 1.100m chủ yếu “phòng thủ” bằng các đồ khô như: Lạc rang, cá khô, trứng và mì tôm; thỉnh thoảng mới có các đồ tươi để cải thiện.
Cũng bởi đi lại cách trở nên mỗi ca làm việc của nhóm kéo dài từ 1-2 ngày. Các cán bộ trực nơi đây đều còn trẻ, nhiệt tình và có chuyên môn về lâm nghiệp. Anh Chính kể: Cơn bão số 5, 6 đầu tháng 8 vừa qua làm nhiều cây đổ gây tắc đường lên đền thờ. Mặc dù mưa còn to và nguy cơ cây đổ, anh em kiểm lâm vẫn kịp thời cưa và bốc đi những cây đã đổ xuống đường nhằm tạo sự thông suốt cho tuyến đường.
Anh Chính vui vẻ nói: Một “kỷ lục” nho nhỏ giữa những cán bộ kiểm lâm nơi đây mới được phá. Trước đây anh Tô Văn Nam - SN 1982, quê gốc Thái Bình - là người trẻ nhất thì nay vị trí đó đã nhường cho kiểm lâm viên trẻ Nguyễn Thành Chung (SN 1991). Mới được điều động lên trực tại đây hơn 1 tuần, mọi thứ đều mới mẻ với Chung, duy chỉ có lòng nhiệt tình và sức trẻ thì luôn tràn trề trong người kỹ sư lâm nghiệp này.
Kiểm lâm Nguyễn Văn Thiện - người gốc Ba Vì, công tác tại đây được 5 năm - tâm sự: "Đặc thù công việc đòi hỏi chúng tôi làm việc 24/24h. Dù đêm mưa gió, lạnh giá hay những ngày thu mát lành..., chúng tôi luôn có mặt bên đền để duy trì hương khói ban thờ của Bác cũng như bảo đảm sự an toàn cho khu đền”.
Tấm lòng những người "lính gác"
Kể về những người "lính gác" đền thờ Bác mà không nhắc tới anh Đỗ Hữu Thế thì quả thực là chưa đủ. Sinh năm 1968 tại Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), anh Thế công tác tại vườn từ năm 1987, khi đó còn gọi là rừng cấm quốc gia Ba Vì. Gắn bó với quá trình xây dựng đền, anh Thế có vinh dự làm trạm trưởng đầu tiên nhận nhiệm vụ trông coi đền thờ.
Các kiểm lâm viên đang gấp rút dựng rạp để tiếp đón bà con mọi miền về thắp hương Bác Hồ.
Nhớ lại những ngày đầu, anh Thế kể: “Nhóm kiểm lâm đầu tiên trực trên đền chỉ có 3 người, gồm: Tôi, anh Trần Hoài Nam và anh Đào Quốc Huy. Ngày đầu, cơ sở vật chất không có gì, anh em ở tạm trong gian nhà cấp 4, điện và nước không có. Những đêm mưa to đi kèm với sấm chớt liên hồi khiến căn nhà tạm bị tốc mái nhiều lần, anh em phải chạy đi che đỡ ướt hết người, lạnh run cầm cập. Thời tiết mùa đông thì rét buốt...”.
Muốn lấy được nước, các anh phải đi bộ chừng 3km xuống tới điểm cost 800. Con đường 12km từ chân núi lên trạm kiểm lâm cốt 1.100m khi đó mới rải cấp phối. Xe máy chưa có, anh Thế và đồng đội thường phải đi bộ mất cả buổi sáng hoặc thỉnh thoảng đi nhờ ôtô tải. Tới nay, cuộc sống của các chiến sĩ kiểm lâm tại đây đã được cải thiện và nâng cao lên nhiều.
Anh Thế nhớ lại, cái khó nhất ban đầu là những kiểm lâm viên không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ hướng dẫn. “Chính vì vậy, chúng tôi phải tự lần mò, tham khảo để có thể phù hợp với từng loại du khách khác nhau, làm dần rồi cũng quen và tự điều chỉnh. Anh em giờ đã nắm vững các thông tin cũng như nghiệp vụ hướng dẫn viên cho khách du lịch” - anh Thế nói.
Thời gian đầu, đền thờ có khoảng 10.000 lượt người/năm tới tham quan và thắp hương. Tới nay, con số này đang tăng lên nhanh. Anh Thế ước tính, năm 2012 số lượng khách tới đền lên tới gần 100.000 lượt người, thời điểm đông nhất là những tháng đầu năm âm lịch.
Anh Thế giờ được chuyển lên làm Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Ba Vì. Lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Vì còn giao thêm cho anh Thế nhiệm vụ phát triển các hoạt động sinh thái và giáo dục môi trường tại đây. Dù làm ở vị trí nào, anh Thế cũng luôn khiêm tốn nhận mình chỉ là một chiến sĩ canh gác cho đền thờ Bác Hồ được bình yên. Đó cũng là tâm nguyện chung của những cán bộ kiểm lâm nơi đây.
Anh Thế kể: “Trông coi đền thờ Bác Hồ là một vinh dự lớn mà không phải người kiểm lâm viên nào cũng có được. Dù có phải chịu vất vả đến đâu, nhưng đảm bảo được không gian tĩnh mịch và linh thiêng tại đền thờ Bác là điều chúng tôi thấy vui lắm”.
Những kỷ niệm về nghề nghiệp có nhiều và là “tài sản” vô giá mà các kiểm lâm nơi đây luôn lưu giữ bên mình. Thời kỳ đầu công tác tại đền, còn khó khăn về nơi ở, song anh Thế và đồng đội vẫn luôn tận tâm làm tốt công việc nên nhiều du khách tới thăm đã động viên và xin số điện thoại để thỉnh thoảng hỏi thăm. “Có một anh Việt kiều tên là Thành còn gửi tặng chúng tôi chiếc chăn ấm để dùng trong những ngày đông giá rét” - anh Thế kể.
Anh Trần Ngọc Chính tâm sự: “Mấy năm trước, một nữ du khách tên là Nhu có cháu bé đi cùng do sức yếu nên bị mệt lả trên đường lên đây. Chúng tôi đã kịp thời sơ cứu và cho uống trà gừng, cháu bé đã dần tỉnh lại và tiếp tục hành trình”. Chị Nhu và chồng rất xúc động. Sau đó, chị còn gửi chăn và quà lên cho chúng tôi. Thỉnh thoảng, chị lại gọi điện thoại hỏi thăm công việc và sức khỏe anh em kiểm lâm.
Với anh Tô Văn Nam, kỷ niệm còn là sự chứng kiến những giây phút xúc động của đồng bào hành hương tới đền. “Giữa mây trời bồng bềnh, được giúp bà con làm lễ dâng hương trước ban thờ Bác, chứng kiến những giọt nước mắt và tình cảm chân thành của người dân mọi miền bên ban thờ Bác, chúng tôi không thể kìm được lòng mình. Nếu được chọn lại nghề nghiệp, tôi vẫn xin được chọn làm người "lính gác" đền thờ cho Người”. Anh Nam coi đó là một vinh dự mà không phải nghề nghiệp nào cũng có thể có được.
Đền thờ Bác Hồ được khởi công ngày 1.3.1999, hoàn thành ngày 31.8.1999. Đền có diện tích khoảng 150m2, đặt tại đỉnh núi Vua thuộc dãy núi Ba Vì (huyện Ba Vì, TP.Hà Nội). Ở độ cao 1.296m so với mặt nước biển, đền thờ Bác Hồ được thiết kế theo phong cách cổ, hai tầng tám mái đao cong, nhìn về hướng nam, kết cấu bêtông giả gỗ. Xung quanh đền thiết kế dãy ghế dài để mọi người đến thăm được ngồi quây quần. Tượng Bác được đúc bằng đồng, thờ chính giữa đền… Từ năm 1999 tới nay, đền đã tiếp đón hàng trăm ngàn lượt du khách trong và ngoài nước tới dâng hương và tham quan. |
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét