PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Sáu, 30 tháng 8, 2013

Người thả giấc mơ diều Việt

Người thả giấc mơ diều Việt
Người thả giấc mơ diều ViệtNghệ nhân Nguyễn Thanh Vân và con diều sáo do ông chế tạo.

“Thả diều, chơi diều không chỉ là một trò chơi dân gian, mà thực sự là một bộ môn thể thao mang tính nghệ thuật rất cao, có sức cuốn hút kỳ lạ. Khi thả diều, không những người ta phải vận động toàn thân mà tinh thần cũng thư thái lạ kỳ. Mọi khát khao, nỗi niềm như được bay lên cùng cánh diều no gió”- nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân đã nói về cái nghề và cũng là thú chơi ông đã gắn bó gần trọn cuộc đời mình.


Từ cánh diều tuổi thơ…


Hơn 50 năm theo nghề làm diều, nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân đã trở thành người đầu tiên trong cả nước được phong tặng Nghệ nhân dân gian ở bộ môn diều nghệ thuật. Ông cũng đã ghi tên mình vào danh sách những kỷ lục gia Việt Nam.


Bước sang tuổi 63, dù đã lên chức ông nội, ông ngoại, tóc lốm đốm bạc, ông vẫn giữ cho mình thói quen vào mỗi buổi chiều là cưỡi “ngựa sắt” ra bãi đất trống ở khu vực quận 8 hoặc huyện Bình Chánh để thả diều. Ông bảo nếu một ngày mà không đi thả diều thì trong lòng lại bồn chồn, đứng ngồi không yên.


Sinh ra và lớn lên tại TPHCM, tuổi thơ ông gắn liền với những buổi chiều cùng lũ bạn lúp xúp chạy theo những con diều từ cánh đồng này đến cánh đồng khác.


Ông kể: “Lên 5 tuổi tôi đã theo các anh trong nhà đi thả diều. Có lần con diều của tôi bị mất, tôi nhờ người anh họ làm cho một con khác nhưng chờ mãi vẫn không có diều. Tức quá, tôi đi nhặt mấy cây nhang người ta thắp ngoài đường, cắt giấy làm diều. Thấy tôi làm không được, anh họ đã chỉ cho tôi cách thức làm một con diều là như thế nào. Phải mất 2 năm sau tôi mới làm được một con diều rô bé xíu từ giấy tập học trò. Lớn lên xíu nữa, vì mê diều mà tôi đã tháo cả vành nón lá của mẹ để làm diều. Mẹ biết được đánh đòn đau mà vẫn không chừa” - nghệ nhân vừa kể vừa tức cười.


Cậu bé Vân thủơ ấy làm diều, thả diều xong thì đem về cất ở đầu giường như lưu giữ lại một phần ước mơ, ký ức tuổi thơ mình. Trong suốt những năm tháng làm thợ điện tại Chợ Lớn, chàng thanh niên Nguyễn Thanh Vân vẫn không ngừng học hỏi, sáng tạo để làm ra những con diều với kích thước, hình dáng khác nhau. Năm 2000, ông Vân tập hợp những người cùng sở thích với mình thành lập CLB Diều Phượng Hoàng ở quận 8 - CLB diều đầu tiên ở TPHCM và các tỉnh phía nam.











Nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân ngắm nhìn con diều mặt nạ tuồng dài 17m.



…đến những con diều độc nhất thế giới

Sau những năm tháng miệt mài với diều, gia tài đáng giá nhất của nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân là những bằng khen, giấy chứng nhận giải thưởng trong và ngoài nước như: Festival Diều nghệ thuật quốc tế tại Trung Quốc năm 2009, con diều sáo sải cánh 4m, dài 3m đã mang về giải bạc. Festival diều 2010 tổ chức tại Ấn Độ, con diều hình chim phượng hoàng (sải cánh 6m, dài 12m) đoạt giải nhất… Cùng với đó là bộ sưu tập diều khoảng 300 con khác nhau từ diều sáo, diều hình chim, cá, rồng, phụng, đại bàng đến diều hình cờ tổ quốc, hoa lá, rùa… có những con diều xếp vào hàng độc nhất vô nhị.


Mẫu diều mang hình lá cờ tổ quốc đã tạo ấn tượng đặc biệt với hàng vạn du khách và khán giả xem truyền hình cả nước tại Liên hoan “Những cánh bay Việt Nam” trong khuôn khổ Festival Huế năm 2006 và Festival Biển Vũng Tàu - 2006. Ông bảo cái khó của mẫu diều này là phải tính toán các yếu tố về kích thước, sức nâng của gió, độ chao liệng của diều…. Khi bay trên bầu trời, con diều vừa phải giữ nguyên hình dáng lá cờ tổ quốc, vừa có những làn sóng trên thân để tạo hình ảnh đẹp, thiêng liêng và sống động.


Con diều lớn nhất Việt Nam do nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân thực hiện có hình con rồng dài 100m, chiều ngang 1,70m, đầu rồng dài hơn 1m. Ông phải mất hơn một năm để hoàn thành con diều này và mất cả tháng bay thử nghiệm thì mới bay thành công. Ông chia sẻ: “Việc chế tác mẫu diều hình con rồng xuất phát từ ý tưởng tôn vinh giá trị văn hóa nòi giống con rồng cháu tiên, khẳng định niềm tự hào dân tộc lớn lao. Nó thực sự là yếu tố nâng tầm những cánh bay Việt Nam tại các liên hoan diều có khách quốc tế tham dự”.


Nhưng ông bảo, con diều sáo truyền thống mới là con diều mà ông tâm đắc nhất. Nét độc đáo của nó chỉ có ở diều Việt Nam mà không con diều nước nào có được. Gọi là diều sáo vì sáo được gắn trên thân diều, khi diều bay lên tạo ra những âm thanh trầm bổng nghe rất vui tai.


Nghệ nhân có tuyệt chiêu diều liên hoàn này cũng đã góp vào đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội màn biểu diễn con diều liên hoàn dài 1.000m, kết nối từ 320 con diều rô với đủ 7 sắc cầu vồng, có tên gọi “Việt Nam bay cao”.


Vẫn chưa thỏa mãn, ông nhận thấy diều dù đẹp đến mấy cũng chỉ chơi được ban ngày. Từ đó ý tưởng làm con diều có thể chơi vào ban đêm nảy sinh trong đầu ông. Sau một thời gian mày mò và sáng tạo, ông cho ra đời con diều đèn với sải cánh 5m. Đó là con diều đầu tiên và duy nhất Việt Nam. Ông đã gắn hàng trăm đèn led và bảng điều khiển chạy chữ và màu sắc lên thân diều. Con diều đèn này đã được ông mang đi trình diễn và đoạt giải nhất tại Festival Diều nghệ thuật quốc tế năm 2013 tổ chức tại Thái Lan.


Niềm đam mê diều của nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân được “chắp cánh” bởi vợ ông - bà Trần Thị Thu Thủy. Bà là bạn thả diều của ông từ thủơ thơ ấu. Mối tình lãng mạn của hai người cũng được hình thành từ… những cánh diều. Bà Thủy luôn bên ông giúp ông nối từng sợi dây, khâu từng mảnh vải… và cũng là người thẩm định diều.











“Nghề chơi” cũng lắm… công phu

Trong ngôi nhà của mình ở đường Trần Đình Xu, quận 1, người nghệ nhân với vóc người nhỏ nhắn, làn da nâu rám nắng cùng đôi bàn tay thoăn thoắt vẫn ngày ngày thổi hồn cho những cánh diều. Theo nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân, làm diều cũng lắm công phu, trong đó có công đoạn chọn tre. Tre phải già, vót, chuốt sao cho đều để cánh diều không bị nghiêng khi được thả. Áo diều phải may bằng vải dù vì đặc tính bền, kín gió. Công đoạn vẽ, tô điểm các màu sắc cho con diều phải hết sức tỉ mỉ và khéo léo sao cho giống ý tưởng ban đầu.


Ông Vân bảo làm được diều rồi, mang diều đi bay thử nghiệm cũng phải nhẫn nại, không được nóng tính. Dù đạt tới trình độ điêu luyện nhưng không phải con diều nào ông làm là bay được ngay, lúc đó ông buồn tới mức bỏ ăn, tối nằm trằn trọc, thức tới sáng chỉ để tìm ra nguyên nhân. Lúc khắc phục được ông vui như trẻ thơ.


Mỗi nghề đều có cái giá của sự thành công, ông “khoe” những vết sẹo trên bàn tay phải. “Vót tre làm diều bị dao cứa vào tay là bình thường. Hồi bé, có lần ông bị dao cứa dài 5cm, sâu hoắm phải vào viện khâu” - ông nói. Cách đây một tuần khi ông đang thả diều thì cơn dông ập tới, sợ diều bay mất, ông vội vàng kéo diều xuống. Diều gần tới nơi thì tay ông cũng mỏi, dây diều ông đang nắm chặt trong tay ghì mạnh, cứa các ngón tay ông chảy máu.


Ông trăn trở rằng làm diều đòi hỏi nhiều thời gian, tỉ mỉ đến từng chi tiết, thu nhập không ổn định. Người làm diều bây giờ có chăng chỉ là để chơi chứ không vì mục đích kinh doanh. Làm được một con diều như chuẩn, đẹp, bay được phải mất mươi ngày công. Chỉ một bộ ba ống sáo cho diều sáo cũng mất cả tuần, làm hoàn chỉnh mất cả tháng. Công thợ một ngày đã 200.000 đồng tính ra một con diều chi phí tới vài triệu.


Với mong muốn gìn giữ thú vui tao nhã và lo sợ một mai lớp trẻ đô thị không còn biết tới những con diều, nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân đã lập kế hoạch kết hợp với các trường để dạy học sinh làm diều trong môn kỹ thuật. Ông luôn ước ao có một sân chơi diều gần thành phố cho các em sinh hoạt. Ông bật mí đang thực hiện một cuốn giáo trình chuyên về diều, dày gần 200 trang, đó là kinh nghiệm và niềm đam mê của ông, như một thứ cẩm nang dành cho lớp trẻ.








via Xã hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét