Trại giam Thanh Lâm (Như Thanh, Thanh Hóa) ngày cuối tháng 8.2013. Trước mặt tôi là 2 phạm nhân sắp được bước chân ra khỏi cổng trại trong đợt đặc xá 2.9 này. Cả 2 đều là những chàng trai vừa bước qua tuổi 20. Cả 2 đều náo nức quay trở lại cuộc sống đời thường.
Trước tôi, rất nhiều phạm nhân khác ai cũng ân hận và cũng khóc vì thương cha mẹ, người thân quá!
Khi hiểu được thì cha đã không còn
Đẹp trai, ăn nói có duyên và… hơi ngố! Đó là cảm nhận ban đầu về Bùi Văn Tuấn - phạm nhân 21 tuổi quê ở Đông Xuân, Quốc Oai, Hà Nội. Khó có thể tưởng tượng đây lại là “ông trùm” một thời. 17 tuổi, học 2 năm không qua nổi lớp 8, Tuấn bỏ học… đi bụi theo “các anh chị ngoài xã hội”. Ham chơi và liều nên chẳng mấy chốc, cậu trở thành thủ lĩnh của một nhóm chuyên tiêu thụ xe gian của các tay trộm xe máy.
Một lần do đối tác là một tên chuyên bẻ khóa trộm xe “không đảm bảo uy tín trong làm ăn”, Tuấn đã cho đàn em túm cổ tên này đánh đập và tống tiền. Thế là cậu bị bắt. Bị kết án 4 năm tù. Vào tù, suốt 4 năm, ngày cậu chăm chỉ rửa bát, lau nhà ăn, quét khu trại…. Đêm thì khóc! “Em cũng không nghĩ mình lại khóc nhiều đến như thế!” - Tuấn nói. Vào tù được 2 năm thì bố mất. “Ngày bố mất, em có linh tính rất lạ. Cả đêm không ngủ được, chỉ thấy nhớ bố. Mẹ cố giấu em nhưng ngày mẹ lên thăm, chưa nói được câu nào cả hai mẹ con đều ôm nhau khóc”.
Trong suy nghĩ của chàng trai từng “coi trời bằng vung” này, chính cậu đã làm cho bệnh của bố nặng thêm. “Điều em ân hận nhất là không được chăm sóc bố những ngày cuối. Giờ bố không còn, em không biết sẽ làm thế nào để làm trụ cột gia đình trong những ngày sắp tới?” - Tuấn băn khoăn. Trở về nhà, Tuấn sẽ là trụ cột gia đình vì bố đã mất, chỉ còn bà nội 83 tuổi, mẹ thường xuyên đau ốm và cô em gái học lớp 11. Tuấn dự định sẽ đi học lái xe để đi làm taxi hoặc lái xe thuê kiếm tiền nuôi gia đình.
Trước kia cậu đã từng kiếm hàng trăm triệu/tháng rồi theo các tay anh chị nướng vào cờ bạc và “bay trên sàn” thâu đêm, nhưng giờ thì “em chỉ mong kiếm được những đồng tiền lương thiện từ công sức của mình để nuôi bà, nuôi mẹ. Và mong làng xóm tha thứ, đừng ghét em”. Chỉ chừng chục giờ đồng hồ nữa thôi cậu sẽ được trả lại tự do. 4 năm “bóc lịch” đã khiến cậu chín chắn hơn rất nhiều. Ở 21 tuổi, Tuấn còn nhiều thời gian và cơ hội để đứng lên sống cho đúng nghĩa một con người.
“Em bảo mẹ không cần lên đón đâu, mẹ đã quá mệt mỏi rồi. Em muốn tự đi về với mẹ. Ra khỏi trại, em sẽ tìm cách đi thật nhanh về nhà với mẹ!” - vừa nói, cậu vừa cố nén dòng nước mắt đang ầng ậng nơi khóe mắt.
Em sẽ đi học và thi đại học
“Tại sao em lại vào tù? - tôi hỏi. Câu trả lời của phạm nhân Vũ Thế Hoàn làm tôi rợn tóc gáy: “Dạ, em giết người!”. Hoàn sinh 1993, quê ở Nga Thiện, Nga Sơn - Thanh Hóa. Tối 21.5.2010, hôm đó cúp C1 châu Âu có Inter gặp Barca lại là thứ bảy, được đi chơi, hơn chục thanh niên choai choai trong xóm đi lên thị trấn huyện xem vì ở đó có cái tivi to.
Vừa lên đến nơi gặp nhóm thanh niên xóm 6 cùng xã. Đây là nhóm đã có nhiều mâu thuẫn với nhóm của Hoàn. Thế là hai bên chửi nhau, sau đó là xông vào nhau “chiến đấu”. Nhóm thôn 6 bỏ chạy. Cả bọn của Hoàn lùa theo. Đến đầu làng, thấy một đôi nam nữ đang cầm tay nhau đi ven đường. Nhận ra đây là “thanh niên làng nó” thế là cả bọn phi vào dùng gậy đập tới tấp. Nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn tử vong tại chỗ. Trận bóng không được xem.
Ngày 22.5, Hoàn cùng đồng bọn ra đầu thú. Hoàn vào trại khi đang học dang dở lớp 11 Trường THPT Trần Phú - Nga Sơn. “Hôm xử án, cho em nói lời cuối cùng, em chỉ dặn bố mẹ và các anh chị cất kỹ sách vở để nếu còn cơ hội trở về em sẽ đi học tiếp” - Hoàn kể. Tuy nhiên, Hoàn cho hay lúc đó cậu cũng không chắc có được trở lại hay không, nhưng được đi học vẫn là hạnh phúc nhất.
Gia đình Hoàn có tới 5 anh chị em. Hoàn là con út. 4 người trên cậu đều học hành đỗ đạt. Chị đầu học ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, khởi sự kinh doanh hàng may mặc, giờ đã lấy chồng và định cư ở TP, anh thứ hai học cao đẳng thủy lợi giờ đang học tiếp đại học, hai chị kế một học ĐH dân lập Văn Lang đã ra trường đang làm ở ngân hàng, một chị học xong cao đẳng đang làm kế toán ở Bình Dương.
Ngày ở nhà, gia đình tuy nghèo nhưng được bà con và chính quyền quý trọng lắm vì ai học cũng được. Thế nhưng sau ngày Hoàn phạm tội mọi thứ đã thay đổi. Cả gia đình Hoàn đã phải vào Nam bươn chải kiếm sống vì không chịu nổi áp lực của những người xung quanh.
“Từ ngày em vào tù, bố em hay uống rượu. Bố không nghiện nhưng ông quá buồn mà uống. Những ngày mưa bão hay lạnh giá là ông lại xuống nền nhà để nằm. Các chị em hỏi sao bố không nằm trên giường, ông vừa khóc vừa bảo thằng Hoàn đang nằm trên đất lạnh thì bố nằm giường sao nổi!, mỗi lúc như vậy, cả nhà em, mỗi người một xó lại khóc. Khi nhận được thư của chị kể lại, em đã khóc rất nhiều”.
Câu chuyện của Hoàn đầy nước mắt và cậu vừa kể, nước mắt vừa chảy. Một nhà văn nào đó đã nói nước mắt có thể làm biến hình vũ trụ, nhưng lúc này, tôi tin, nước mắt đang gột rửa những tội lỗi và làm cho tâm hồn phạm nhân 20 tuổi này trở về với thánh thiện. Trong trại, Hoàn luôn là người chăm chỉ và ngoan ngoãn. “Cậu ấy hiền lành, ngoan ngoãn và chăm chỉ làm lắm” - Trung tá Bùi Đình Từ cho hay. Mấy năm nay Hoàn luôn là người khâu vỏ bóng đá nhanh nhất xưởng. “Em phải cố gắng mỗi ngày một tí như tích cóp điểm để sớm được trở lại làm người” - Hoàn nói như một triết gia.
“Ngày mai ra khỏi trại, em sẽ làm gì?”, Hoàn im lặng rất lâu trước khi tâm sự với tôi: “Em cũng đã suy nghĩ nhiều, em rất mong được đi học tiếp, em vẫn rất nhớ sách vở, với lại chỉ có đi học mới có thể đền đáp lại công ơn của bố mẹ. Có thể em sẽ vào Nam với bố mẹ, dù vất vả, phải đi ở nhà thuê nhưng có bố, có mẹ, có các anh chị. Em sẽ học tiếp lớp 12 rồi thi đại học” - đôi mắt đầy nước ban nãy sáng lên khi nói về dự định tương lai. “Nhưng em vẫn lo không biết thầy cô, bạn bè có đón nhận em không?” - Hoàn bỗng băn khoăn, chùng xuống. Nhưng tôi tin em sẽ làm được.
Bố mẹ đã khóc rất nhiều rồi…
“Hoàn ơi về nhé!”, “em mà còn quay vào đây là anh không tha đâu!”; “bữa mô lấy vợ thì gửi ảnh vô cho chú coi Tuấn nhé”… đó là những lời các phạm nhân đi qua dặn Tuấn, Hoàn khi hai em đang trao đổi với tôi. Có vào trong trại giam này mới thấy, chính tình người mới là “phương pháp” cảm hóa phạm nhân hữu hiệu. Ở đây, phạm nhân và phạm nhân, phạm nhân và cán bộ quản giáo có thể cùng làm việc, cùng đánh cờ và cùng tâm sự đủ chuyện trên đời.
“Khoảng cách, quy định và sự nghiêm minh thì vẫn được tuân thủ chặt chẽ, nhưng tình người thì làm gì có khoảng cách đâu nhà báo!” - Trung tá Bùi Đình Từ - cán bộ giáo dục Trại giam Thanh Lâm - chia sẻ.
Bắt tay chân tình hai phạm nhân Tuấn và Hoàn, tôi chúc hai em sớm thành công trong cuộc đời. Bố mẹ đã khóc rất nhiều rồi, đừng để cha mẹ phải buồn nữa, hai em nhé!
Đại tá Phan Ngọc Việt - Giám thị Trại giam Thanh Lâm - cho biết, trong đợt đặc xá tha tù trước thời hạn vào dịp 2.9 này, phía đơn vị có 170 trường hợp được Hội đồng đặc xá Trung ương xem xét, giảm án và tha tù. Đơn vị đã phối hợp với một số doanh nghiệp, trung tâm giới thiệu việc làm trong tỉnh tiếp nhận những phạm nhân được tha tù trở về hòa nhập cộng đồng. |
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét