Xinh đẹp và tuổi đời còn rất trẻ là những ấn tượng trong chúng tôi khi chứng kiến những nữ phạm nhân tại Trại giam số 1 Hà Nội được trao quyết định đặc xá của Chủ tịch Nước nhân dịp Quốc khánh 2.9.
Phạm nhân Hà Thị Út rạng rỡ trong ngày đặc xá. |
Trong số 25 nữ phạm nhân được hưởng khoan hồng của Nhà nước nhân dịp này, đa số đều là những người mang tội danh môi giới mại dâm. Các cô gái xinh đẹp và tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã rơi vào cạm bẫy của đồng tiền và sa vào con đường phạm tội.
Buông thả để rồi phải trả giá đắt
Bị kết án 40 tháng tù giam vì tội môi giới mại dâm, cô gái trẻ 22 tuổi không giấu nổi niềm vui khi được ra trước thời hạn 13 tháng nhưng cũng không che hết những nỗi phiền muộn trên gương mặt xinh xắn khi kể lại những tháng ngày lầm lỡ.
Hà Thị Út sinh ra trong một gia đình khá giả ở thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn. Cha mẹ làm kinh doanh, cuộc sống gia đình khá ổn định và êm ấm. Nhưng rồi nỗi đau mất đi người mẹ thân yêu, người cha đi bước nữa đã đưa đẩy cô bé Út khi ấy mới 10 tuổi dần dần lạc lối.
Đau buồn, chán nản, Út theo bạn bè sa vào những cuộc vui, không còn lý tưởng sống, không muốn tiếp tục học hành để có một công việc chân chính. Út đã tự mình rơi vào cạm bẫy cuộc đời và đi theo con đường môi giới mại dâm.
Với ngoại hình ưa nhìn và ăn nói có duyên, cô gái này đã thực hiện trót lọt nhiều vụ môi giới mại dâm. Có những ngày “làm việc năng suất”, số tiền hoa hồng vào túi lên đến 10, 15 triệu đồng.
Những khoản tiền kếch xù kiếm được không quá khó khăn lại giúp thỏa mãn những nhu cầu bất tận của tuổi trẻ đã khiến Út càng ngày càng nhấn sâu vào con đường tội lỗi.
Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng bị phát hiện. Bản án 40 tháng tù giam là quá đủ cho một cô gái trẻ xinh đẹp và cả con đường tương lai đang rộng mở phía trước.
Được hưởng sự khoan hồng của Nhà nước trong dịp 2.9 năm nay tại trại giam số 1 còn có Trần Thị Thu Hương. Nhìn cô gái nhỏ nhắn với gương mặt xinh xắn, hiền dịu này biểu diễn trong chương trình văn nghệ chào mừng lễ trao quyết định đặc xá năm 2013 của Chủ tịch nước, không ai nghĩ rằng cuộc đời cô đã mang vết sẹo là bản án 27 tháng tù giam vì tội môi giới mại dâm.
Trần Thị Thu Hương xinh xắn trong tà áo dài chuẩn bị cho tiết mục văn nghệ. |
Không giống như Út, gia đình Hương không khá giả gì lại có tới 4 anh chị em. Dù đã khôn lớn nhưng Hương lại không biết lo toan công việc cùng cha mẹ, không chịu khó học hành, chỉ ham mê với những thú vui cùng bạn bè rồi bị xô đẩy hành nghề môi giới mại dâm.
12 tháng “bóc lịch” là quãng thời gian cô gái 21 tuổi này đã bao lần rơi nước mắt vì nhớ người thân, vì tủi hổ bởi những phút ăn chơi sa đọa với những đồng tiền kiếm được không bằng sức lao động chân chính.
Những giọt nước mắt không muộn màng
Hà Thị Út đã trải qua 27 tháng cải tạo trại giam số 1 Hà Nội. Quãng thời gian đó là quá đủ để cô gái trẻ nhận ra sai lầm lớn nhất trong cuộc đời, đã sống buông thả để rồi phải trả cái giá quá đắt.
Cô Thu, quản giáo phạm nhân lao động nữ tại trại giam kể rằng, từ khi cô tiếp nhận các nữ phạm nhân lao động cải tạo, chưa khi nào cô thấy người nhà của Út đến thăm. Út vào tù, người bạn trai cũng rời bỏ cô. Đối mặt với những tháng ngày đầy khó khăn phía trước mà không có ai bên cạnh nhưng Út đã vượt qua được bằng tình thương, sự ân cần của các cán bộ quản giáo và tình cảm của những chị em cùng cảnh ngộ trong trại giam.
27 tháng qua, Út đã có nhiều cố gắng cải tạo tốt, tích cực tham gia các chương trình như chương trình "Những ước mơ xanh" của thanh niên tình nguyện đến thăm trại và các hoạt động khác được tổ chức cho các phạm nhân, đặc biệt là đóng góp các tiết mục văn nghệ.
Còn cô gái trẻ Trần Thị Thu Hương ngày ngày làm công việc chia nước, chia cơm cho các phạm nhân tại trại. Cô cũng là một thành viên tích cực của đội văn nghệ trại giam số 1. Hàng tuần, vào thứ 7 hoặc chủ nhật, Hương và các bạn còn tham gia lớp học về ma túy do cán bộ trại giam giảng dạy.
Sự ân cần, chu đáo và cảm thông của những cán bộ tại trại giam số 1 đã thực sự mang lại niềm tin, hi vọng cho các phạm nhân, đặc biệt là những phạm nhân trẻ nơi đây.
Cô Thu chia sẻ, các nữ phạm nhân cũng thường tâm sự với cô về quá khứ lầm lỡ, chuyện gia đình, chuyện tình cảm và cả những lo toan khi rời khỏi đây về hòa nhập với xã hội. Cô bảo, các phạm nhân đã khóc rất nhiều nhưng đó là những giọt nước mắt không muộn màng. Điều quan trọng là họ đã nhận ra lỗi lầm và có ý chí phấn đấu để sớm nhận được sự khoan hồng của Nhà nước và mong muốn được xã hội đón nhận.
Ngắm Út, Hương và các nữ phạm nhân xinh tươi trong tà áo dài dân tộc, không có nước mắt, chỉ còn những gương mặt rạng rỡ trình bày các ca khúc trong buổi lễ trao quyết định đặc xá, tôi cầu mong các bạn sẽ đẹp mãi như khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc được thoát khỏi chiếc áo sọc đen trắng đã khoác trên mình bao lâu nay để trở về làm người công dân chân chính, giúp ích cho xã hội.
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét