- Người ta vừa công bố CPI tháng 9 này của TPHCM tăng 3%, Hà Nội cũng có tăng do mua sắm đầu năm cho học sinh nhập trường.
- Chuyện này năm nào cũng thế, có con đi học là cha mẹ vất vả cả đầu vào lẫn đầu ra, đầu năm lẫn cuối năm. Nhưng mua sắm gì cũng không bằng đóng góp cho trường.
- Sao bảo ngành giáo dục đã có quy định chặt chẽ lắm về đóng góp?
- Quy định có, nhưng bây giờ lại có chiêu trò mới: Nhà trường chỉ làm dự toán rồi đại diện cha mẹ học sinh thông qua. Một khi cha mẹ đã thông qua thì… “còn ai cao hơn Quốc hội”. Không nói các “đại đô thị” có nhiều “đại gia”, đơn cử một trường tiểu học ở thị trấn QX (TH), nhà trường đã hoàn tất khâu xin ý kiến phụ huynh, năm nay phải đóng cho mỗi em 415.000đ hỗ trợ học tập. Việc học thêm vì có quy định khá nghiêm nên chỉ “tạm thu” 500.000đ. Xây dựng khuôn viên 375.000đ. Đặc biệt các em còn phải đóng góp 50 triệu cho trường để thuê quét sân, quét lớp, dọn WC tự hoại, mua chổi và dụng cụ vệ sinh, chăm sóc cây cảnh trong sân trường và cả mục quét bên ngoài cổng trường. Nhà trường chỉ nêu các con số, không bàn, phụ huynh cứ thế phải theo.
- Các cụ xưa nói “qua sông lụy đò” sao mà đúng quá.
- Còn có câu đúng hơn “Muốn sang thì bắc phù kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Đóng góp cho trường năm chỉ một lần. Còn “đi thầy” thì nhiều dịp lắm. Ngày nọ, ngày kia, sinh nhật và mỗi lần kiểm tra, thi cử…
- Trường công có ngân sách nhà nước lo đủ rồi còn thế, trường tư còn phải từ A đến Z cha mẹ phải lo. Trường chuyên, trường điểm, trường chất lượng cao, trường quốc tế… úi giời!
- Có câu “không thầy đố mày làm nên”. Nhưng ngày nay có lẽ phải đổi lại là “không tiền…”.
- Giáo dục đã đụng đâu cũng tiền, có lẽ vì thế vai trò đồng tiền dần trở nên quyết định, thậm chí chả cần cố gắng học hành cũng mua được điểm, được bằng cấp.
- Và có bằng cấp thì cũng có thể mua được… chiếc ghế!
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét