Cho đến nay, trong nhiều văn bản chính thức của ngành BHXH và các cơ quan chức năng, hành vi trốn đóng BHXH chỉ được gọi bằng một từ khá nhẹ nhàng: “nợ”. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia về pháp luật lao động, từ này không phản ánh đúng bản chất sự việc.
Theo chúng tôi, việc DN trốn đóng BHXH không thể gọi là “nợ BHXH” được. Bởi lẽ, nếu cho rằng “nợ BHXH” thì phải có người đồng ý cho “nợ”.
Trong khi NLĐ hàng tháng vẫn bị DN trừ tiền lương của họ để tham gia BHXH. Họ không có quyền từ chối hoặc không đồng ý để DN không tham gia BHXH. Còn quỹ BHXH, bản chất chỉ là nơi giữ giùm khoản tiền, để khi NLĐ đủ điều kiện thì được nhận chế độ và tất yếu không có quyền cho DN “nợ”. Nếu như cơ quan BHXH nào cho phép DN “nợ”, thì khi NLĐ đủ điều kiện hưởng, cơ quan này vẫn phải chi trả chế độ, rồi đòi DN sau. Nhưng BHXH hoạt động theo nguyên tắc có đóng - có hưởng, và thực tế, không một NLĐ nào được hưởng chế độ nếu DN không tham gia BHXH cho họ.
Đồng tình với quan điềm này, Luật gia Trần Phi Đại (Cty Luật Thiện Việt - TPHCM), phân tích thêm: “Pháp luật đã quy định DN phải trích từ quỹ tiền lương của DN và trích trừ tiền lương của NLĐ để tham gia BHXH. Việc DN không đóng BHXH là vi phạm pháp luật, chứ không phải là vi phạm thỏa thuận giữa hai bên. Nếu quan niệm rằng “nợ BHXH” thì phải làm rõ ai là người cho vay (cho mượn), số tiền bao nhiêu, thời gian trả là khi nào, tiến độ trả ra sao…
Ngoài ra, nếu cho rằng “nợ BHXH”, thì khi kiện đòi trả BHXH, tất yếu phải thông qua quá trình dân sự. Có nghĩa là cũng phải thương lượng, hòa giải, và như vậy sẽ kéo dài”. Do thế, việc DN không thực hiện đúng quy định của pháp luật, chỉ có thể gọi đúng bản chất là hành vi trốn đóng BHXH.
Xử lý hình sự được rồi
Một vấn đề nhận được nhiều ý kiến tranh luận là hành vi trốn đóng BHXH có thể xử lý hình sự được không? Theo nhiều ý kiến, hành vi trốn đóng BHXH chưa thể xử lý hình sự được, vì hiện Bộ luật Hình sự (BLHS) không có quy định về tội danh này. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại quan điểm ngược lại và cho rằng hoàn toàn có thể áp dụng các điều luật có trong BLHS để xử lý hành vi trốn đóng BHXH.
Ông Nguyễn Hùng Oanh - Giám đốc BHXH Q.Gò Vấp - TPHCM - cho rằng, với những chủ DN tư nhân, do không có sự tách bạch về tài sản giữa DN và chủ DN, nên việc chiếm dụng tiền đóng BHXH dù sử dụng cho DN cũng là sử dụng cho cá nhân. Như vậy, hoàn toàn có thể xử lý hình sự với những chủ DN này. Nhưng với loại hình Cty TNHH, Cty cổ phần thì khó hơn, do có sự tách bạch về tài sản.
Chưa hoàn toàn đồng ý với ý kiến này, ông Bùi Huy Phong - Giám đốc BHXH Bình Dương - phân tích, pháp luật trao quyền đồng thời cũng là nghĩa vụ cho người quản lý DN được trừ tiền lương của NLĐ để tham gia BHXH. Việc người quản lý DN không tham gia BHXH là có dấu hiệu phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 BLHS.
Luật sư Hồ Nguyên Lễ - Trưởng Văn phòng Luật Tín Nghĩa, Đoàn Luật sư TPHCM - thì cho rằng, nếu một cá nhân đang sử dụng số tiền đã trích từ thu nhập của NLĐ để đóng BHXH cho người đó, mà không chịu nộp cho cơ quan BHXH, như vậy là có dấu hiệu phạm tội “Sử dụng trái phép tài sản” theo điều 142 BLHS.
Dù còn có ý kiến khác nhau về tội danh với hành vi trốn đóng BHXH, nhưng xu thế phải xử lý hình sự với hành vi này đang là nhu cầu mạnh mẽ bởi các biện pháp hành chính đã bị vô hiệu. Chính vì thế, ngay trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi, cũng đã có quy định xử lý hình sự với cá nhân vi phạm những điều cấm về đóng BHXH.
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét