Chùm ảnh: Thanh đồng "thoát xác" trong nghi lễ chầu văn
Thành AnBáo Lao Động Qua 4 ngày tổ chức Liên hoan Nghi lễ Chầu văn diễn ra trong niềm hân hoan chào đón của mọi người, đặc biệt gây tò mò với những ai chưa biết hoặc ít biết về Chầu văn.
Là điểm nhấn chào mừng 59 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10), liên hoan nghi lễ chầu văn Hà Nội lần thứ nhất đang diễn ra tại nhiều địa điểm ở Hà Nội với các tiết mục đặc sắc mang đậm yếu tố nghệ thuật tâm linh.
Tò mò với liên hoan nghi lễ Chầu văn lần thứ nhất
Với 80 tiết mục mang đậm nét văn hóa tâm linh, phần trình diễn của các nghệ nhân thu hút đông đảo người xem tại 4 cụm địa bàn quận huyện của TP Hà Nội để ban tổ chức lựa chọn 10 nhóm Chầu văn tiêu biểu nhằm tham gia trình diễn đợt 2.
Theo Ban tổ chức, mục đích của Liên hoan là để kiểm kê và bước đầu tư liệu hoá di sản văn hoá phi vật thể chầu văn trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tiếp sau đó sẽ tổ chức toạ đàm về Nghi lễ Chầu văn, lắng nghe, tiếp nhận những đáng góp, tâm tư, nguyện vọng của các đại biểu và các Thanh đồng tham gia Liên hoan.
Liên hoan Nghi lễ Chầu văn sẽ góp sức vào cuộc vận động UNESCO công nhận Nghi lễ Chầu văn của người Việt là di sản văn hoá phi vật thể đại diên của nhân loại, góp phần định hướng nhận thức của mỗi người về không gian và hình thức thực hành Nghi lễ Chầu văn.
|
Qua 4 ngày tổ chức, Liên hoan Nghi lễ Chầu văn diễn ra trong niềm hân hoan chào đón của mọi người, đặc biệt gây tò mò với những ai chưa biết hoặc ít biết về Chầu văn. Trong ảnh: Thanh đồng Lê Trí Tuệ biểu diễn tại Đền Yên Phú (Thanh Trì-Hà Nội). |
|
Thanh đồng là người biểu diễn trong một buổi lên đồng có nhiều "giá". Mỗi lần thay giá, người ta lại phủ lên thanh đồng một tấm khăn lụa đỏ, sau đó bỏ ra và thay bộ trang phục xống áo, khăn chầu, cờ quạt, đồ hầu dâng... sao cho tương xứng với giá. |
|
Trong buổi biểu diễn chiều ngày 29.9, Thanh đồng lúc hóa thân thành một vị tướng hoặc một quan lớn uy nghiêm oai vệ, có khi lại hóa thân thành một cô gái đang tung tăng nhảy múa. |
|
Trong lúc thanh đồng đang hoá thân thì 4 phụ đồng ngồi quỳ chân ở dưới và khán giả cũng nghiêng ngả và múa. |
|
Những nắm tiền lẻ vẫn được tung ra, theo những người tham gia thì đây chỉ là hình thức ban phát cho những người xung quanh được coi là tiền lộc của Thanh đồng. |
|
Hát chầu văn hay còn gọi là hát văn hay hát bóng, là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Đây là hình thức lễ nhạc gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Đức Thánh Vương Trần Hưng Đạo), một tín ngưỡng dân gian Việt Nam. |
|
Chầu văn là một thể hát do cung văn hát trong nghi thức hầu bóng lên đồng. Cung văn ngồi một bên mé trong khi người hầu bóng, gọi là đệ tử thánh, ngồi trước bàn thờ. Hai bên cung văn là nhạc công tấu nhạc cùng ban phụ họa hát theo. |
|
Hai bên đệ tử thánh thì có người phụ việc sửa soạn khăn áo để khi thánh nhập thì trang phục ăn khớp với giá đồng. Người phụ việc cũng lo các lễ vật dâng cúng cùng lộc thánh để phát cho các người đến cung nghinh. |
|
Bằng cách sử dụng âm nhạc mang tính tâm linh với các lời văn trau chuốt nghiêm trang, chầu văn được coi là hình thức ca hát mang ý nghĩa chầu thánh. Hát chầu văn có xuất xứ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. |
|
Hát chầu văn có nhiều hình thức biểu diễn bao gồm là hát thờ, hát thi, hát hầu (hát phục vụ hầu đồng, lên đồng) và hát văn nơi cửa đền. |
|
Trong khuôn khổ Liên hoan Ban tổ chức sẽ chọn ra 10 nhóm Chầu văn tiêu biểu của Hà Nội tham gia trình diễn đợt 2 của Liên hoan diễn ra từ ngày 4 - 5/10/2013 tại rạp Công Nhân, 42 Tràng Tiền, Hà Nội. |
|
Ngoài ra còn có chương trình tọa đàm “Bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu của Nghi lễ Chầu văn trong đời sống đương đại” sẽ diễn ra vào ngày 5/10/2013. Tòa đàm có sự tham gia trao đổi, đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, quản lý văn hóa và đặc biệt là các đội Chầu văn - Thanh đồng hoặc Cung văn (đại diện cho các nhóm). |
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét