Cứ nghe đến trường chuẩn quốc gia là mọi người đều liên tưởng đến hình ảnh những ngôi trường khang trang, hiện đại, phòng ốc rộng rãi, đủ thiết bị tiện nghi dạy học… Nhưng, nhiều trường đang phải “cắn răng”, xin “nợ” để được đạt chuẩn và nhọc nhằn giữ chuẩn.
Trường chuẩn “nợ” chuẩn
Theo quy định của Bộ GDĐT, để trở thành trường chuẩn quốc gia thì các trường phải đạt được 5 “tốt” về tổ chức và quản lý nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chất lượng giáo dục; tài chính, cơ sở vật chất - thiết bị dạy học; quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, thực tế cho thấy để đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này, các trường phải nhọc nhằn lắm mới thể làm được.
Tại TP.HCM, quy định tiêu chí 6m2/học sinh đã khiến nhiều trường trong khu vực nội thành “đau đầu” bởi quỹ đất thì hạn hẹp trong khi số lượng học sinh cứ tăng đều theo từng năm. Tại nhiều trường chuẩn quốc gia ở quận Gò Vấp, Tân Bình, Q.10… rất ít trường đạt chuẩn với diện tích quy định này.
Nhiều hiệu trưởng thừa nhận, hầu hết các trường chuẩn quốc gia hiện đang phải “nợ” chuẩn. Tiêu chí mà các trường “nợ” nhiều nhất chính là yêu cầu phải có các sân tập đa năng, diện tích các trường trong nội thành cố gắng lắm cũng chỉ có thể đạt được 3m2/học sinh. Với các trường ở địa bàn trung tâm hoặc khu đông dân nhập cư, sĩ số học sinh lên đến 40-50 em, có trường diện tích bình quân cho một em hiện chỉ đạt khoảng 2m2. Các trường tiểu học chuẩn quốc gia như Võ Trường Toản (quận 10), Lạc Long Quân (quận 11), Hoàng Diệu (quận Thủ Đức)... số lớp đều vượt quá con số quy định là 35, sĩ số đều ở mức hơn 40 học sinh/lớp trong những năm gần đây.
Nhiều chuyên gia giáo dục nhận định rằng nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều trường tại thủ đô khó đạt chuẩn hoặc bị “rớt” chuẩn là do không thể đạt được tiêu chí đảm bảo số học sinh và diện đất bình quân mà Bộ GDĐT quy định. Hiện không ít trường thuộc các quận nội thành như Ba Ðình, Hoàn Kiếm, Ðống Ða,... không thể kiềm chế được tình trạng số học sinh tăng nhanh như hiện nay.
Đơn cử, Trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) luôn có sĩ số trung bình mỗi lớp đều vượt quá 60 học sinh, trong đó có đến 50% là học sinh trái tuyến. Lãnh đạo nhà trường phân trần rằng dù luôn biết là quá tải nhưng trường vẫn buộc phải nhận vì nhiều lý do như suất ngoại giao, cấp trên “gửi gắm” hay con em cán bộ trong trường. Từ vài năm nay, trường phải trang bị hệ thống âm thanh và micro để hỗ trợ giáo viên giảng bài. Năm nay, năm được coi là “heo vàng” vào lớp, trường này càng thêm nỗi lo “thừa học sinh”.
Tương tự, trường tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình), nhiều năm nay không giữ chuẩn được bởi số học sinh tăng nhanh rất khó kiểm soát, trung bình hơn 50 học sinh/lớp và nhà trường phải tăng cường dạy cả thứ bảy do hạn chế về số phòng học. Trường Yên Viên, huyện Gia Lâm - trường THPT công lập duy nhất tại 1 thị trấn và 7 xã phía bắc Đuống - cũng gồng mình dạy dỗ 1.600 học sinh trong khi chỉ có 35 lớp học. “Tôi nghĩ có lẽ hiếm trường nào lại nhiều “phòng đa năng” như trường của chúng tôi. Phòng bộ môn vừa là phòng đồ dùng, vừa là phòng nghỉ trưa cho giáo viên; phòng hiệu trưởng chỉ có 12m2 song vừa là nơi làm việc, vừa để tiếp khách, cũng là phòng họp hội đồng; 3 hiệu phó chung một phòng làm việc từ chục năm nay…”, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiển cho biết.
Trước áp lực gia tăng trẻ em quá nhanh và nhiệm vụ phải bảo đảm các em đến tuổi đều được đến trường, nhiều trường tiểu học đã phải tận dụng tất cả các phòng để các cháu có chỗ học. Song, do không còn quỹ đất để cơi nới, xây dựng thêm phòng học nên tình trạng quá tải vẫn không thể giải quyết. Vừa qua, “cực chẳng đã”, một số quận, huyện đã phải xin giảm chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia.
Nhọc nhằn giữ chuẩn
Bên cạnh việc “nợ” một số tiêu chí trong trường chuẩn, lãnh đạo các trường còn phải “đau đầu” để duy trì giữ chuẩn, trong đó vấn đề kinh phí bảo dưỡng luôn là mối e ngại.
Thầy Nguyễn Văn Tri, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản (Q.10) cho biết, một trong những khó khăn của các trường đạt chuẩn là không có kinh phí để duy trì, bảo dưỡng cơ sở vật chất. Ngân sách Nhà nước cấp cho để xây trường, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học nhưng hàng năm lại không cấp tiền bảo dưỡng. Các trường đều phải trích tiền từ quỹ hoạt động chung để làm công việc này, trong khi số lượng học sinh trường chuẩn bị hạn chế, kéo theo ngân sách phân bổ theo đầu học sinh rót xuống trường cũng ít đi, nhà trường lại không thể thu các khoản từ phụ huynh quá quy định dẫn đến các hoạt động từ quỹ chung rất khó khăn. Đó là còn chưa kể đến rất nhiều khoản khác mà trường phải tự lo như nhân công bảo vệ, vệ sinh trường lớp phải tăng thêm để đảm bảo an toàn, vệ sinh.
Khi các trường phải tự gánh, phải trích từ kinh phí hoạt động chung cho các công việc bảo trì, bảo dưỡng… để giữ chuẩn thì đương nhiên tiền thu nhập tăng thêm của giáo viên theo đó mà càng ít hơn so với các trường bình thường. Một giáo viên của Trường Tiểu học Hồ Văn Huê cho biết: “Giáo viên trường chuẩn quốc gia bị áp lực về chất lượng nhiều hơn rất nhiều so với giáo viên các trường bình thường. Công sức giáo viên phải bỏ ra rất lớn nhưng thu nhập lại không bằng các bạn đồng nghiệp trường không chuẩn, điều này khiến không ít giáo viên có tâm tư không được thỏa đáng”.
Thậm chí, để đầu tư xây dựng cho một tiểu học đạt chuẩn quốc gia, một số phòng giáo dục “chữa cháy” cách “đẩy” học trò sang các trường khác. Có thể thấy ví dụ từ Trường Tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình). Năm 1998, để đủ diện tích bình quân theo đúng yêu cầu, trường này phải san sẻ học sinh sang Trường Tiểu học Bành Văn Trân cùng quận để trở thành 1 trong 3 trường đầu tiên đạt chuẩn quốc gia của khu vực phía Nam. Giải pháp tình thế này đã khiến các trường “hàng xóm” phải giảm số lớp bán trú khối 4, 5, giảm số học sinh học 2 buổi/ngày để nhận học sinh từ trường được đầu tư đạt chuẩn chuyển sang.
Không còn mặn mà với “trường chuẩn”
Quy chế công nhận trường đạt chuẩn quốc gia quy định rõ sau 5 năm kể từ ngày ký quyết định công nhận, nhà trường phải tự đánh giá, làm hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền để được kiểm tra và công nhận lại danh hiệu. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các trường đều đã vượt quá thời hạn quy định nhưng hầu như chưa có trường nào nộp hồ sơ yêu cầu công nhận lại.
Hiệu trưởng một trường tiểu học đạt chuẩn của quận Gò Vấp thẳng thắn: “Có nộp hồ sơ yêu cầu thì chắc chắn trường không thể đạt chuẩn được nữa. Không phải là do chất lượng giáo dục của trường không đảm bảo mà chính là vì các chỉ tiêu áp lực về sĩ số học sinh mỗi lớp và diện tích đất trên đầu mỗi học sinh”.
Tại quận 1, có rất nhiều trường thừa chuẩn về trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, chất lượng giảng dạy, công tác xã hội hóa giáo dục như các trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng, Lê Ngọc Hân... thế nhưng không thể đảm bảo được diện tích đất để có thể đạt chuẩn quốc gia.
Chính vì có quá nhiều khó khăn trong việc áp các tiêu chuẩn một cách cứng nhắc đã dẫn đến một nghịch lý là bản thân hiệu trưởng, giáo viên các trường chuẩn cũng không còn mặn mà với danh hiệu chuẩn đã đạt được bởi luôn phải chạy theo các tiêu chuẩn quy định trong điều kiện kinh phí hạn chế, quỹ đất có hạn, áp lực sĩ số mỗi năm lại tăng nhanh. Trong khi đó, thành phố hầu như không có giải pháp nào để giúp các trường vượt qua được khó khăn. Vô hình trung, chính điều này đã khiến ý nghĩa của trường chuẩn quốc gia đang xa dần so với thực tế.
Để khắc phục tình trạng này, nhiều trường cho rằng, Bộ GDĐT nên điều chỉnh quy định đạt chuẩn đối với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, không nên “cào bằng” với nhiều địa phương khác.
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét