Tốt nghiệp đại học (ĐH) vẫn không thể tìm được cho mình một công việc đúng với ngành nghề, chuyên môn đã học. Học tiếp hay làm tạm một việc gì đó để đợi chờ có một việc làm phù hợp là giải pháp được hầu hết các sinh viên (SV) này lựa chọn. Thất nghiệp hoặc việc làm chẳng như mong đợi vẫn mãi ám ảnh họ.
Thực trạng… buồn
Một số CB Phòng công tác SV Trường ĐH Công đoàn cho biết, tuy chưa chính thức nghiên cứu, khảo sát, nhưng qua công việc hằng ngày trong vài năm qua và qua mạng lưới SV của mình, có thể ước tính rằng: Về cơ bản, trong vòng 3-6 tháng sau khi ra trường, khoảng 60-70% số SV có việc làm, trong đó chỉ 10-12% đúng ngành nghề đào tạo, còn lại làm việc tạm thời.
Số SV ngoại tỉnh tìm được việc ở Hà Nội chỉ khoảng 10%, nhưng sau một thời gian cũng chỉ 50% SV trong số đó “tồn tại” được... Có nhiều lý do khiến SV khó tìm được việc làm, nhất là thiếu kinh nghiệm, kỹ năng thuyết trình, thực tế còn yếu, trình độ ngoại ngữ, tin học kém (thường bị rớt ngay từ vòng sơ tuyển)...
Khảo sát của Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính (BTCI) và Tập đoàn Hay Group thực hiện cũng cho thấy, trong năm 2013, trong số khoảng 32.000 SV chuyên ngành tài chính, ngân hàng ra trường thì có khoảng 12.000 SV thất nghiệp hoặc làm trái ngành.
Kết quả cuộc khảo sát trên chưa bao trùm hết toàn bộ số SV ra trường đang thất nghiệp hoặc phải làm những việc trái ngành, trái nghề, nhưng cũng đủ cho thấy SV đang bị thất nghiệp, đang phải làm những việc không như mong ước của họ và độ “vênh” giữa đào tạo và tuyển dụng lớn như thế nào.
Thủ khoa cũng khó tìm việc
Chúng tôi gặp Phạm Kim Dung là SV vừa ra trường năm 2013 sau 2 năm học liên thông ngành kế toán DN tại Học viện Tài chính tại một quán càphê trên đường Tô Hiệu, Q.Cầu Giấy, Hà Nội. Hiện Dung đang làm quản lý nhà hàng kiêm pha chế đồ uống tại quán càphê này với tiền công được trả gần 5 triệu đồng/tháng. Dung cho biết, lớp Dung có khoảng 70 bạn thì đa phần không xin được việc nên nhiều người phải chấp nhận làm thêm những việc không đúng chuyên ngành.
Tương tự như Dung, Nguyễn Lê Thị Hải Yến - SV khoa Tuyên truyền (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) - vừa ra trường được vài tháng nay. Trong thời gian chờ việc, Yến đã xin vào làm ở Cty CP truyền thông Kim Cương trên đường Lê Đức Thọ (Hà Nội) với công việc trực điện thoại (lương 2 triệu đồng/tháng) chủ yếu là để tích lũy kinh nghiệm, học hỏi kỹ năng làm việc.
Yến nói, ở lớp Yến có trên 100 bạn thì mới chỉ có khoảng 10% số bạn tìm được việc đúng với ngành nghề đã học. Điều luôn ám ảnh và khiến Yến lo nhất là chẳng biết tới bao giờ mới được làm việc đúng với ngành nghề đã học.
Cùng làm chung chỗ Yến là Mai Thị Tâm vừa mới tốt nghiệp ngành Hán Nôm, Trường ĐH Khoa học Huế. Tâm quê ở Hòa Bình, vào Huế học ngành Hán Nôm khóa 2009-2013 theo nguyện vọng 2. Tâm đến làm tạm ở Cty CP truyền thông Kim Cương cốt để học hỏi kỹ năng, kinh nghiệm của các anh chị làm việc ở đây.
Theo Tâm thì SV ngành Hán Nôm rất khó tìm việc, bởi không mấy cơ quan tuyển dụng. Có lần Tâm mang hồ sơ đến xin việc thì nhà tuyển dụng ngạc nhiên hỏi “Hán Nôm là gì?”. Lớp Tâm có 32 bạn học ngành này thì đến nay hầu hết vẫn đang “thưởng thức vị đắng chờ việc” và chấp nhận đi làm trái nghề.
Đặc biệt, Nguyễn Thị Thơm - SV khoa Vật lý ĐHSP Hà Nội - 3 năm liền (từ 2011-2013) nhận được học bổng VALLET do Tổ chức Khoa học và Giáo dục gặp gỡ Việt Nam của Pháp tài trợ, là một trong số 123 thủ khoa vừa được TP.Hà Nội tuyên dương, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được việc làm. Thơm cho biết, trong số 15 SV lớp chất lượng cao thuộc Khoa Vật lý thì có tới 10 SV vẫn còn “dài cổ” chờ việc.
Kết quả khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu và phân tích chính sách thuộc Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) thực hiện, với quy mô gần 3.000 cựu SV thuộc 5 khóa ra trường từ năm 2006-2010 của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM và ĐH Huế cho thấy: Có đến 26,2% số cử nhân cho biết chưa tìm được việc làm, dù việc làm ở đây không nhất thiết phải đúng với trình độ, chuyên ngành đào tạo. Trong số này, 46,5% cho biết đã đi xin việc nhưng không thành công. 42% lựa chọn tiếp tục học lên hoặc học thêm một chuyên ngành khác. Thậm chí, có 27% cử nhân được hỏi cho biết họ rất khó kiếm việc làm, do ngành học không phù hợp với thị trường. Số người rơi vào cảnh nhà tuyển dụng không hiểu về ngành học cũng chiếm tới 18%. Tốt nghiệp đại học (ĐH) vẫn không thể tìm được cho mình một công việc đúng với ngành nghề, chuyên môn đã học. Học tiếp hay làm tạm một việc gì đó để đợi chờ có một việc làm phù hợp là giải pháp được hầu hết các sinh viên này lựa chọn. Thất nghiệp hoặc việc làm chẳng như mong đợi vẫn mãi ám ảnh họ. |
(Còn nữa)
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét