- Em có cảm tưởng là ở những nơi có vấn đề môi trường bà con ta thường kéo nhau trực tiếp đến cơ sở phản đối trước tiên, sau đó chính quyền mới vào cuộc. Nhà máy thuốc lá Khataco Nha Trang đã phải đóng cửa mấy tháng để xử lý mùi vì dân phản đối.
- Thuốc lá chỉ có người hút khen “thơm”, còn người không hút thì thực tình không ngửi nổi, chê hôi… như cú!
- Nhà máy thuốc lá Thăng Long Hà Nội xưa nay chưa thấy ai kêu ca gì, đi qua thấy có mùi nhưng “dễ chịu”.
- Có lẽ do công nghệ khử mùi tốt. Còn Khataco tạm nghỉ để lắp thiết bị môi trường, đến tuần qua chạy thử bà con lại không chịu nổi, phản đối rần rần. Nhiều người bỏ nhà lên tá túc tại nhà văn hóa xã để trốn thuốc lá. Ban ngành, đoàn thể cũng “phục vụ” bà con, trưa nào cũng gọi cơm hộp “chiêu đãi”. Nghe nói lệnh từ TP.Nha Trang phải phục vụ tốt để giữ không khí hòa bình, dân chủ, chứ không gay gắt, quyết liệt như một số nơi.
- Vấn đề không ở thái độ mà cao hơn khi quy hoạch phát triển công nghiệp xen lẫn với khu dân cư phải có tính toán.
- Chú nói thế thì quá đúng, khỏi bàn. Nước mình ngành tài nguyên - môi trường sinh sau đẻ muộn nhất, lại phải đương đầu với cả một nền kinh tế phát triển hầu như tự do và chẳng ai quan tâm đến tác hại với môi trường từ bao đời nay, nên “quả bất địch chúng”. Đến cảnh sát môi trường mà còn phải “mật phục” hàng tháng trời mới bắt được vụ Vedan xả nước bẩn ra sông Thị Vải. Chính Nhà máy đường QN xả thải đã xóa sổ món cá bống sông Trà nổi tiếng. Nay vẫn còn món ăn, nhưng từ các sông khác đưa về để giữ thương hiệu cho sông Trà mà thôi.
- Không biết kỳ này Khataco tính toán sao đây?
- Kiểu gì cũng phải tính, nếu muốn phát triển bền vững.
- Chắc cũng không khó, vì thuốc lá chưa bao giờ ế hàng. Độc hại như thế mà người người vẫn xài. Họ làm đầu lọc để bớt hại cho người nghiện, chả nhẽ không lọc mùi cho dân láng giềng được sống bình yên hay sao?
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét