Từ lâu người dân thôn Sơn Phú, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình thường lấy 2 loại cây rừng có tên là cỏ ngọt và cỏ đắng về phơi khô để trên gác bếp nhà sàn đun nước uống thay trà. Thế nhưng không ai biết rằng hai loại cây đó kết hợp với nhau lại trở thành một bài thuốc quý.
>> Đón đọc ấn phẩm Lao Động & Đời sống số 23
Ông Đỗ Chí Quyết, 45 tuổi, ngụ tại địa chỉ nêu trên sau nhiều năm theo dõi đã tiến hành kết hợp 2 loại cây này cho các bệnh nhân bị tiểu đường uống, kết quả đem lại thật kỳ diệu.
Hiệu quả bất ngờ
Theo lời ông Quyết, trước đây ông đã theo nghề bốc thuốc nam khi còn ở quê Chương Mỹ (Hà Nội). Sau năm 1990, ông cùng gia đình chuyển lên vùng đất này sinh sống nhưng chủ yếu là làm trang trại. Sống cùng đồng bào dân tộc Dao trên vùng cao Đà Bắc, ông cũng học được nhiều kinh nghiệm từ đồng bào trong việc sử dụng các cây dược liệu trên rừng trong việc chữa trị những bệnh thông thường.
Ông Quyết nhớ lại: Đó là vào dịp nghỉ lễ 2.9 cách đây đã 10 năm, gia đình ông có người cháu ở Hà Nội lên chơi cùng với một người bạn tên là Nguyễn Văn Minh (Lê Chân, Hải Phòng). Sau một ngày ở lại chơi cùng gia đình, người bạn đi cùng kể với ông về người bố đang mắc bệnh tiểu đường. Tuy đã chữa trị nhiều nơi, từ bệnh viện đến các loại thuốc nam nhưng bệnh chỉ thuyên giảm, hết thuốc bệnh lại đâu đóng đó, ăn uống phải kiêng khem đủ thứ.
Người đó nhờ ông tìm giúp một vài loại cây thuốc ở rừng. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương thì loại cây mà mọi người thường uống có thể chữa bệnh cao huyết áp, nóng trong người, tính lại lành. Sẵn trong nhà còn khoảng 2kg, ông Quyết đem tặng cho người bạn của cháu làm quà miền núi về cho ông bố dùng thử.
Trước khi về ông còn dặn dò cẩn thận: “Mỗi ngày dùng một nắm chặt tay cây cỏ đắng và một nhúm lá cỏ ngọt cho vào đun rồi uống hằng ngày. Ban đầu chưa quen vị cây cỏ đắng thì cho tăng thêm cây cỏ ngọt, còn nếu dùng quen rồi thì cứ lượng đó mà dùng”.
Câu chuyện sau đó cũng không ai để ý, khoảng 3 tháng sau người đó một mình trở lại nhà ông và thông báo với ông tin vui bố của anh ta sau một thời gian dùng hai loại lá cây trên thì thấy người khỏe ra, ăn ngủ tốt. Vui nhất là khi đi kiểm tra tại bệnh viện, kết quả thật bất ngờ khi chỉ số đường trong máu hoàn toàn bình thường.
Cây giảo cổ lam. |
Từ đó đến nay, đã thành thông lệ, hằng năm người này đều lên thăm ông và lấy 2 loại cỏ trên về cả nhà uống thay trà. Cũng từ đó “tiếng lành đồn xa”, thi thoảng lại có người hỏi địa chỉ nhà của ông để mua một vài kilôgram về uống chữa bệnh. Trong số đó có nhiều người bệnh tình thuyên giảm, có người khỏi hẳn vẫn thường gọi điện báo tin vui và cảm ơn ông.
Thế là chỉ từ loại cỏ rừng mà người dân địa phương đã sử dụng từ bao đời nay đã trở thành loại thuốc quý, ông Quyết đã giúp cho nhiều bệnh nhân khỏi bệnh. Những người trong làng mỗi lần đi rừng thấy cây thuốc lại lấy về bán cho ông, để ông phơi khô chế biến, khi có người cần ông có thể cung cấp cho họ.
“Những người dân ở đây họ cũng chỉ lấy ngày công đi rừng. Sau khi rửa sạch phơi khô rồi chế biến mỗi kilôgram cũng chỉ lấy từ 3-4 trăm nghìn (5 - 6 kg tươi mới được 1kg khô). Tôi cũng chẳng phải là người tài giỏi, mà từ loại nước uống thường ngày của người dân ở đây mà tôi đã kết hợp lại thành bài thuốc giúp nhiều người khỏi bệnh nên họ tìm đến” - ông Quyết tâm sự.
Ông Trương Văn Nho – Trạm trưởng Trạm y tế xã Cao Sơn cho biết: Đúng là ông Quyết đã dựa vào kinh nghiệm về những loại cây dược liệu trên rừng có tác dụng trong việc giúp người dân chống lại những khắc nghiệt nơi “rừng thiêng, núi độc”. Cùng với sự mát tay của mình, nhiều năm nay ông đã giúp đỡ rất nhiều người.
Về việc kết hợp 2 loại cây cỏ ngọt và cỏ đắng, ông Nho cho biết: “Đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu thực sự về 2 loại cây này. Nhưng có điều chắc chắn rằng qua nhiều năm công tác y tế ở địa phương, chưa có trường hợp nào bị bệnh tiểu đường vì bà con ở đây thường xuyên dùng hai loại cây cỏ này đun nước uống hàng ngày. Cùng với thông tin có nhiều người dưới xuôi sau khi dùng 2 loại cây này đều có kết quả, có người đã khỏi hẳn bệnh, tôi tin rằng hai loại cây này có thể chữa được bệnh mà chúng ta chưa biết hết công dụng của nó”.
Kết hợp cây cỏ ngọt và cỏ đắng. |
Sự trùng hợp thú vị
Vào năm 1997, GS. TS Phạm Thanh Kỳ (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội, Chủ nhiệm Bộ môn Dược liệu) trong một lần đi công tác tại Lào Cai đã phát hiện thấy cây dược liệu quý tên là giảo cổ lam trên núi Phanxipan. Sau khi được xác định tên khoa học chính xác là Gynostemma Pentaphyllum, ông đã tra cứu tài liệu và mạnh dạn đăng ký đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về những cây dược liệu quý có tác dụng tốt cho sức khỏe cộng đồng. Ông được cấp ngân sách và quyết định triển khai đề tài mang mã số: KC.10.07.03.03.
Kết quả nghiên cứu cho thấy cây giảo cổ lam có nhiều điểm tương đồng với những loại thảo dược quý như nhân sâm và tam thất (vì vậy có tên ngũ diệp sâm, sâm nam). Cây giảo cổ lam còn có tác dụng sinh học cao và có tác dụng chống lão hóa mạnh, ngoài ra cũng xác định cây có tính lành, không có độc tính. Sau khi, ông tiến hành các thử nghiệm tại phòng nghiên cứu có kết quả và tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại các bệnh viện T.Ư cho thấy, cây giảo cổ lam làm hạ mỡ máu, nhất là đối với cholesterol toàn phần điều trị cho kết quả tốt, ngăn ngừa sơ vữa mạch máu, chống huyết khối vờ bình ổn huyết áp, phòng ngừa các biến chứng tim mạch, não.
Ngoài ra, cây giảo cổ lam làm giảm căng thẳng mệt mỏi, giúp tăng lực mạnh, tăng khả năng làm việc, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Cải thiện các triệu chứng cơ năng cho bệnh nhân như giúp ăn ngủ tốt, hạn chế số lần tiểu đêm, nhuận gan, lợi mật, giúp tiêu hóa tốt, hết hoa mắt, chóng mặt, đau đầu do thiếu máu não. Việc tìm thấy giảo cổ lam ở Phanxipan minh chứng cho tiềm năng phong phú và đa dạng của dược liệu quý ở núi rừng Tây Bắc nước ta.
Đến năm 2002, ông Bùi Đắc Quang, quê ở huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ sau khi làm ăn thua lỗ lại mang trong mình nhiều thứ bệnh, nhất là bệnh tiểu đường tuýp 2, máu nhiễm mỡ, gút… Chán nản ông bỏ lên vùng núi huyện Đà Bắc, Hòa Bình tìm thầy chữa bệnh với hy vọng làm lại từ đầu. Nghe về cây dược liệu quý giảo cổ lam tìm thấy ở Hoàng Liên Sơn, dựa vào những tài liệu ông đi tìm thì phát hiện loại cây này có những đặc điểm giống với cây cỏ đắng mà người dân vẫn thường dùng trước đây.
Để cẩn thận ông mang mẫu về tận Hà Nội gặp GS.TS Phạm Thanh Kỳ, qua đối chiếu, cây cỏ đắng hoàn toàn trùng khớp với cây giảo cổ lam ở Hoàng Liên Sơn. Sau một thời gian dùng kết hợp hai loại cây cỏ ngọt và cỏ đắng (giảo cổ lam) của người địa phương, ông Quang đã hoàn toàn khỏi bệnh.
Như vậy sau bao năm người dân vùng núi Đà Bắc sử dụng loại cây cỏ đắng mà không biết đó chính là cây giảo cổ lam - một trong những dược liệu quý của núi rừng Tây Bắc. Và chính điều này cũng lý giải cho việc một số người trước đây đã dùng bài thuốc của ông Quyết mà bệnh tình thuyên giảm, nhiều người may mắn đã khỏi hoàn toàn khi bệnh được phát hiện sớm.
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét