Trong hoạt động giao thông hằng ngày, mọi người vẫn chạm mặt nhau, va nhau giữa người tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông, người quản lý và điều hành giao thông. Có biết bao điều để nói với nhau, nhưng không phải khi nào cũng có điều kiện để giãi bày.
Những người tham gia giao thông là từ người đi bộ, đến anh xe máy, chị xe đạp… nói cách khác, đó là mọi thành viên trong xã hội. Đất nước ta đã thay đổi nhiều, từ chỗ cả nước đi xe đạp tiến tới cả nước ngồi trên xe máy, nhiều gia đình đã sắm ôtô. Nhưng ý thức của người tham gia giao thông chưa tiến kịp với tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông.
Việc chấp hành luật giao thông tồi tệ, thiếu ý thức nhường nhịn, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, chở 3, chở 4, vô cảm với người bị tai nạn… đã tạo nên một cái nhìn xấu về giao thông nước ta, cũng như về tính cách người Việt.
1. Đã đến lúc phải giáo dục về văn hóa giao thông ở mọi chỗ, mọi nơi, từ gia đình, trường học, đến các cơ quan, nhà máy, các cộng đồng tôn giáo, lan tỏa lên các mạng XH… Cần đưa việc chấp hành luật giao thông vào việc đánh giá đạo đức công dân như các nước đã làm.
Không thể để tiếp diễn cảnh cha mẹ vô tư vi phạm luật giao thông trong khi chở con nhỏ phía sau; họp chợ dưới lòng đường, đón con giờ tan trường gây ùn tắc giao thông, tại các ngã ba ngã tư các phương tiện giành đường gây nên cảnh hỗn loạn diễn ra hằng ngày. Nếu người tham gia giao thông ý thức được, mỗi người cùng nhường nhịn nhau một vài giây thì ùn tắc sẽ giảm, thời gian lưu thông sẽ nhanh hơn. Phải chấm dứt lệ xấu xưa nay là khi bị tai nạn, người đi xe máy đền người đi bộ, đi xe đạp; xe ôtô phải đền xe máy cho dù lỗi không thuộc về họ.
Đối tượng trung tâm của hoạt động giao thông đường bộ là các tài xế ôtô, dân ta thường gọi thân mật là các “bác tài”. Thời chiến tranh, cả nước có hơn chục ngàn tài xế, chẳng có ai học hết cấp 3. Vậy mà họ đã làm nên điều kỳ diệu, “Gánh cả non sông vượt dặm dài” phục vụ công cuộc giải phóng miền Nam, kiến thiết miền Bắc. Thời kỳ đó đã xuất hiện biết bao tấm gương lái xe dũng cảm trong bài hát, thi ca. Hình ảnh các bác tài thời đó đẹp lắm! Các cô gái lớn lên mơ lấy được chồng lái xe, nghề lái xe được cả xã hội quý trọng.
2. Đất nước hòa bình đã gần 40 năm, đội ngũ lái xe ngày nay đã lên tới hàng triệu người, với đủ mọi giai tầng trong xã hội, từ các giáo sư, bác sĩ, kỹ sư tới chị em phụ nữ… Số đông có bằng lái hiện nay đều là lái xe con, phục vụ cho nhu cầu cá nhân và gia đình. Số còn lại là lái xe chuyên nghiệp như xe tải, xe khách, taxi… Nhưng hầu như họ không được XH quan tâm như ngày xưa.
Các bác tài là đối tượng bị xử lý của các lực lượng. Dù già, dù trẻ khi gặp CSGT, TTGT đều không được tôn trọng, cho dù họ có vi phạm hay không; tuổi tác thế nào thì dưới con mắt các nhân viên công vụ, họ vẫn là những lái xe ít học, như lúc nào cũng rình cơ hội phạm luật. Những người tài xế hiện nay đang phải chịu nhiều áp lực lớn hơn, nhưng nhận được rất ít sự cảm thông từ xã hội.
Sức ép từ phía các chủ xe nên họ phải chở nhiều, chạy nhanh để mau thu hồi vốn. Phải lo đối phó với các lực lượng kiểm tra (KT) trên đường, qua địa phương nào cũng phải dừng xe trước các trạm cố định và cơ động cho dù xe không vi phạm. Hình ảnh những người lái xe cả già lẫn trẻ khúm núm kẹp tiền trong giấy tờ xe mỗi khi bị dừng xe đã tạo nên hình ảnh xấu cho dù họ không muốn vậy.
Chi phí vận chuyển cao buộc lòng họ phải chở quá tải, nhồi nhét thêm khách, chạy quá tốc độ để bù đắp. Hậu quả là tai nạn giao thông tất yếu xảy ra. Các tài xế xe ben, xe container chủ yếu hoạt động về đêm, lâu dần căng thẳng thần kinh buộc họ phải tìm đến với cả ma túy để duy trì sự tỉnh táo. Nhưng ma túy đã đẩy họ đến những thảm họa giao thông kinh hoàng. Tệ nạn này đã có từ lâu trong đội ngũ lái xe, nhưng không hề có quy định kiểm tra theo dõi sức khỏe lái xe định kỳ như đối với phương tiện. Dù hiện nay đội ngũ lái xe hết sức đông đảo, nhưng vẫn chưa có một tổ chức đại diện bảo vệ quyền lợi cho những người cầm lái, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong hoạt động hành nghề.
Những người ngồi sau tay lái hiện nay ngày càng đa dạng. |
3. Những chính sách về điều hành giao thông liên quan đến hàng triệu phương tiện và người điều khiển, nhưng người lái xe không được hỏi ý kiến, khi đưa ra áp dụng mới thấy bất cập. Nhiều lái xe lớn tuổi nghỉ hưu đã bộc lộ tâm trạng: Trong khi xã hội hiện có cái nhìn không đúng về đội ngũ lái xe; chưa thấy Nhà nước vinh danh những tài xế hàng chục năm lái xe an toàn, chở bao nhiêu hành khách, bao nhiêu tấn hàng hóa đến mọi miền đất nước, nhưng chưa một lần gây tai nạn. Họ rất tự hào vì điều đó và mong muốn truyền đạt cho lớp trẻ kinh nghiệm của cả cuộc đời cầm lái.
Cơ quan quản lý và điều hành giao thông mà chủ chốt là hai ngành Giao thông và Công an, làm hết mọi việc từ xây dựng pháp luật về giao thông, đào tạo lái xe, đăng kiểm phương tiện, xây dựng các công trình giao thông, biển báo, tuần tra xử lý sai phạm… Vì vậy, đội ngũ quản lý và điều hành giao thông có vai trò quan trọng, tác động tích cực lẫn tiêu cực trong hoạt động giao thông đường bộ.
Việc xây dựng luật và hướng dẫn giao thông là cực kỳ quan trọng. Luật ban hành phải được số đông tự giác chấp hành, không làm khó cho hoạt động giao thông. Không thể để tình trạng 17.000km đường quốc lộ mà có tới hơn 8.000 biển hướng dẫn sai, gây bức xúc cho những người tham gia giao thông, tạo điều kiện cho lực lượng kiểm tra có cớ để xử phạt oan các bác tài.
Chính sách ban hành phải nhất quán! Không thể tuyên bố thu phí bảo trì đường bộ, nhưng không xóa bỏ các trạm thu phí. Không thể để tình trạng đường tránh đặt ở tỉnh này, nhưng lại lập trạm thu phí ở tỉnh khác. Không ban hành những chính sách gây mất lòng tin của dân như phạt xe không chính chủ, phạt mũ bảo hiểm rởm… Việc thi công các công trình giao thông tắc trách gây nên tai nạn và chưa khi nào số lượng các vụ tai nạn giao thông do tắc trách của các DN xây dựng tăng nhiều như hiện nay.
4. Hiện có quá nhiều lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông. Từ CSGT, TTGT, đến công an phường… Nhiều như vậy, nhưng tai nạn, ùn tắc giao thông vẫn không giảm, đường vẫn hư hỏng xuống cấp, Các lực lượng vẫn kêu thiếu người tuần tra giao thông.
Cần áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc KT giám sát giao thông. Các loại xe tải, xe khách, xe container đều bắt buộc phải lắp hộp đen. Các lực lượng KT chỉ việc KT hộp đen sau mỗi hành trình và phạt nguội. Trên đường sẽ lắp các camera theo dõi hoạt động giao thông đặt tại các tỉnh, nối mạng về trung tâm điều hành của bộ GTVT và bộ CA. Hạn chế tối đa các lực lượng ra đường tiếp xúc với lái xe như hiện nay sẽ giảm thiểu tiêu cực trong các lực lượng tuần tra kiểm soát. Lãnh đạo bộ GTVT và bộ CA cần thường xuyên vi hành trên các nẻo đường để nắm bắt được thực trạng giao thông và hoạt động của các lực lượng, thay vì chỉ nghe báo cáo từ cấp dưới.
Cần xử lý nghiêm lái xe uống rượu, bia khi lái xe. Ngoài xử phạt còn bổ sung hình phạt lao động công ích. Để loại bỏ xe quá tải gây hỏng đường, cần đặt các trạm cân tại các bến cảng, cửa khẩu đường bộ với các nước. Kiên quyết hạ tải từ nơi xuất phát, nếu phát hiện xe quá tải phải kiên quyết xử phạt thật nghiêm. Lần đầu giữ xe 1 năm, lần 2 giữ xe 2-3 năm, lần 3 tịch thu xe, kèm theo là số tiền phạt thật nặng. Để không xảy ra tiêu cực, cần nối mạng trạm cân về các trung tâm để lưu dữ liệu.
Chúng ta đã hội nhập với các nước trong khu vực, xe và hàng hóa quá cảnh sẽ lưu thông qua nước ta ngày một nhiều. Vì vậy, lực lượng tuần tra kiểm soát giao thông cần được đào tạo cả ngoại ngữ, tránh để tiếp diễn tình trạng “sợ Tây” hiện nay. Các anh chị Tây ở nước họ thì sợ cảnh sát một phép, chấp hành nghiêm luật giao thông mọi lúc mọi nơi, nhưng sang ta thì cứ quần đùi, áo may ô đầu trần không mũ bảo hiểm, cưỡi xe máy lao vào đường cấm. CSGT chặn lại thì nghe một tràng tiếng Tây không hiểu họ nói gì, thế là đành cho đi.
Sao các anh nghiêm với dân ta, lại hiền với Tây thế? Xin thưa, vì các anh không biết ngoại ngữ, nên lờ đi cho họ vi phạm mà lẽ ra các anh phải kiên quyết giữ hộ chiếu, yêu cầu thuê phiên dịch đến cơ quan CSGT nộp phạt. Nhưng các anh đã quá dễ dãi để họ coi thường luật nước mình. Đề nghị bộ CA, cần đưa thêm tiêu chuẩn khi tuyển dụng CSGT là phải biết ngoại ngữ, đây là yêu cầu bắt buộc trong thời hội nhập!
Để các đối tượng tham gia giao thông, các bác tài, người điều hành và hướng dẫn giao thông hiểu và thông cảm với nhau, đề nghị thường xuyên có các cuộc đối thoại. Các lái xe cần được nói lên tiếng nói của mình, các cơ quan quản lý cần lắng nghe họ, để kịp thời điều chỉnh những bất hợp lý. Cần tạo dựng nên văn hóa ứng xử giữa những người tham gia giao thông và những người điều hành và kiểm soát giao thông, để trong hoạt động giao thông mọi việc diễn ra an lành hơn, ứng xử nhân văn hơn, hướng tới mục đích cao cả là giảm thiểu, nỗ lực loại trừ tai nạn.
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét