Một trong những điểm yếu của sinh viên (SV) khi đi xin việc là họ rất thiếu kinh nghiệm thực tế. Vì thế, giải pháp trước mắt nhưng mang tính lâu dài của nhiều SV là xin việc làm tạm ở một DN nào đó, kiếm việc ngoài xã hội để tích lũy kinh nghiệm...
Nguyễn Hồng Hạnh tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) từ năm 2012. Gần 1 năm đi xin việc ở khắp nơi nhưng không được tiếp nhận. Nơi thì không có nhu cầu tuyển dụng, nơi thì chỉ nhận những người đã có ít nhất 1 năm kinh nghiệm. Nhận ra được cốt lõi của vấn đề, Hạnh đã về quê xin việc tại Cty Yakjin VN (KCN Thụy Vân, tỉnh Phú Thọ). Hạnh được xếp vào làm việc ở kho phôi cấp và công việc hằng ngày không khác gì những LĐ... phổ thông.
“Phải chấp nhận thôi, bởi đi làm lúc này là để tự nuôi sống mình, tích lũy kinh nghiệm để chờ cơ hội xin việc tốt hơn ở những nơi khác, nhất là một cơ quan nhà nước nào đó” - Hạnh nói.
Suy nghĩ của Hạnh cũng là suy nghĩ chung của đa số những cựu SV đã có tấm bằng đại học trong tay. Vũ Thị Hằng (SN 1989, tốt nghiệp Đại học Lao động và Xã hội từ năm 2011), ra trường, Hằng dành tới 6 tháng để đi xin việc ở Hà Nội, nhưng đành về KCN Đồng Văn (tỉnh Hà Nam) để đầu quân cho Cty CP dinh dưỡng Hồng Hà với hy vọng: “Có thể một thời gian nữa, khi có điều kiện sẽ tìm cho mình một công việc phù hợp ở sở hay một phòng LĐTBXH nào đó”.
Dù đã có tấm bằng đại học như mơ ước trước đó 4-5 năm, nhưng hiện nay, một tỉ lệ rất lớn SV ra trường đang mất phương hướng nghề nghiệp. Họ không biết (thậm chí là không thể) làm thế nào để kiếm được một công việc phù hợp với chuyên môn đã được đào tạo. Các cơ quan nhà nước thì dường như quá chật chội, còn rất ít chỗ. DN thì đang trong giai đoạn sóng gió và không dễ gì chen chân được.
Tự mình vận động
Bà Hồ Hoàng Anh Thư - thành viên Cty Sophie VN - chia sẻ, những ứng viên tìm việc với các bằng cấp trường lớp và kinh nghiệm cần thiết thì có nhiều nhưng để tìm được một ứng viên lý tưởng với kỹ năng mềm hoàn hảo - đặc biệt cho các vị trí nhân sự cao cấp thì khó như mò kim đáy biển.
Ngoài ra, các DN còn ngại tuyển sinh viên vì ngại phải đào tạo lại. Đơn cử, theo báo cáo về nhu cầu nguồn nhân lực của ngành công nghệ thông tin của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và việc làm TPHCM thì nhân lực ngành CNTT đã qua đào tạo đáp ứng được nhu cầu của xã hội chỉ khoảng 30%, còn lại phải đào tạo bổ sung.
Theo ý kiến của nhiều DN chuyên ngành CNTT: “Khoảng cách giữa đào tạo tại các trường ĐH, CĐ kể cả trường trung cấp với thực tế nhu cầu sử dụng nhân lực ngành CNTT tại DN là quá xa. Đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp chưa giỏi kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ”. Theo thống kê của Viện Chiến lược CNTT, chỉ khoảng 15% số lượng sinh viên ngành CNTT ra trường đáp ứng yêu cầu DN. Hơn 80% số lập trình viên phải đào tạo lại.
Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và việc làm TPHCM - việc liên kết đào tạo hoặc phối hợp đào tạo giữa các trường với đơn vị, DN sẽ phát huy chất lượng đào tạo sinh viên. Đơn cử, một số trường như ĐH FPT, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Lạc Hồng... Bằng nhiều hình thức như cấp học bổng, DN sẽ tiếp nhận sinh viên thực tập, kéo dài thời gian thực tập từ 4-6 tháng, trong quá trình đó, các kỹ sư làm việc ở DN sẽ hướng dẫn cho sinh viên thực hành.
“Đây cũng chính là cơ hội để sinh viên thể hiện, DN lựa chọn nhân lực, rất nhiều trường hợp sinh viên đã được nhận vào làm việc ngay trong quá trình thực tập” - ông Lê Viết Hà - Cty thép Tân Tiến, Đồng Nai - chia sẻ.
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét