Hiện việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trên cây trồng được đánh giá “đã có nhiều thay đổi và tiến bộ”, song tình trạng sử dụng ngày càng tăng các loại hóa chất BVTV vẫn là điều đáng lo ngại cho tương lai.
Trên diện tích gần 320.000ha đất canh tác nông nghiệp, mỗi năm nông dân trong tỉnh Lâm Đồng sử dụng khoảng 16.000 tấn thuốc BVTV. Trong gần 320.000ha đất canh tác nông nghiệp của tỉnh, diện tích rau chiếm khoảng 47.000ha và chè gần 24.000ha.
Qua kiểm tra 8 cơ sở trên địa bàn các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và TP.Đà Lạt, Chi cục BVTV Lâm Đồng báo cáo: Có 3 cơ sở là trang trại Lê Công Thôn (Đức Trọng), HTX Kim Bằng (Đà Lạt) và cơ sở Mai Văn Khẩn (Đà Lạt) sử dụng loại thuốc BVTV không có đăng ký sử dụng trên rau.
Bên cạnh đó, Chi cục BVTV Lâm Đồng còn báo cáo: Đối với nông dân sản xuất rau truyền thống vẫn còn thể hiện nhiều yếu tố bất cập trong sử dụng thuốc BVTV như: 46% số hộ nông dân thường tăng nồng độ sử dụng so với khuyến cáo, 42% số hộ phun thuốc khi sâu bệnh gây hại còn ở mức độ thấp, 39% số hộ phun thuốc định kỳ không theo kết quả điều tra phân tích hệ sinh thái đồng ruộng, 38% số hộ sử dụng thuốc không đăng ký phòng trừ dịch hại trên rau, trong đó có một số loại thuốc thuộc danh mục hạn chế sử dụng.
Chi cục BVTV Lâm Đồng còn cho biết cụ thể: Trong năm 2012, nông dân trong tỉnh đã sử dụng 1.800 tấn thuốc BVTV trên cây rau; trong đó, lượng thuốc BVTV trên cây rau họ thập tự là 814 tấn, rau họ cà 697 tấn và các loại rau khác là 262 tấn.
Qua kiểm tra và phân tích định tính dư lượng thuốc BVTV trên 4.246 mẫu rau quả (cải thảo, parot, hành lá, cà chua, đậu Hà Lan, ớt ngọt, đậu leo, hành tây, khoai tây, dâu tây, dưa leo...), kết quả cho thấy có đến 202 mẫu có dư lượng thuốc BVTV vượt giới hạn an toàn, riêng với 160 mẫu rau Đà Lạt qua phân tích, có đến 26 mẫu rau không an toàn; gồm cải thảo, hành lá, cà chua, ớt ngọt, đậu leo, hành tây và dâu tây.
Lạm dụng cả trên cây chè
Trong năm 2012, lượng thuốc BVTV được sử dụng trên cây chè của tỉnh Lâm Đồng là 879 tấn.
Kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc BVTV tại 720 hộ nông dân trồng chè ở 3 huyện Di Linh, Bảo Lộc và Bảo Lâm của Chi cục BVTV Lâm Đồng cho thấy: “Việc lạm dụng thuốc BVTV để phòng trừ dịch hại trên cây chè vẫn còn phổ biến. Chẳng hạn, 85,8% số hộ dân phun thuốc khi dịch hại ở mức độ thấp, 42,8% số hộ dân phun thuốc tăng liều lượng so với khuyến cáo, 83% số hộ dân còn phối trộn từ 2 - 3 loại thuốc trừ sâu hoặc trừ bệnh để phun trong một lần, số lần phun trong năm còn cao (38,4% số hộ dân phun 5 - 7 lần/năm, 25,9% số hộ dân còn phun trên 7 lần/năm)...”.
Đặc biệt, nhiều người dân vẫn còn sử dụng các hoạt chất chỉ khuyến cáo sử dụng trên cây càphê, caosu để phòng trừ dịch hại trên cây chè, gây nên hiện tượng sâu kháng thuốc, làm bùng phát dịch hại và là nguyên nhân chính để lại dư lượng thuốc BVTV vượt mức cho phép trên sản phẩm chè. Thêm vào đó, qua kiểm tra 4 cơ sở sản xuất trà an toàn, Chi cục BVTV Lâm Đồng còn phát hiện 2 đơn vị là Cty trà Vinasuzuki và Cty trà Kinh Lộ còn sử dụng một số thuốc BVTV không đăng ký sử dụng trên cây chè như Virofos 20EC, Visher 25EC...
Để hạn chế thấp nhất di hại của thuốc BVTV, Chi cục BVTV Lâm Đồng đề nghị “Xây dựng các chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV tại các chợ đầu mối, vựa cung cấp rau, các cơ sở sản xuất rau an toàn để cảnh báo cho người sản xuất trong việc đảm bảo quy trình sản xuất, người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm an toàn”. Tuy vậy, chế tài xử lý hiện tượng sử dụng tràn lan hóa chất BVTV trong nông dân vẫn còn khá tù mù và ít mang lại hiệu quả.
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét