PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Bí thư Hà Nội: “Nếu dải phân cách không hợp lý thì phải dỡ bỏ”

Bí thư Hà Nội: “Nếu dải phân cách không hợp lý thì phải dỡ bỏ”


Trước những bức xúc của cử tri về dải phân cách cứng, phân làn giao thông gây ra nhiều tai nạn thương tâm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chỉ đạo Sở GTVT đánh giá tình hình, xem xét nếu dải phân cách cứng không phù hợp thì dỡ bỏ.


Ngày 24.9, hàng trăm cử tri quận Hai Bà Trưng đến dự buổi tiếp xúc cử tri của Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Tại đây, nhiều vấn đề bức xúc dân sinh được cử tri nêu ra và mong muốn đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tìm cách giải quyết.











Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị yêu cầu Sở GTVT sớm có câu trả lời về dải phân cách cứng.


Ô tô, xe máy liên tục húc dải phân cách

Cách đây 2 năm (tháng 9.2011), Hà Nội chính thức áp dụng biện pháp phân làn chia tách ô tô, xe máy đi theo đường dành riêng trên các tuyến phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Xã Đàn - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt và Giải Phóng. Để chia tách làn xe, Sở GTVT Hà Nội cho dựng một loạt dải phân cách cứng bằng vật liệu bê tông đặt giữa đường. Phía trước dải phân cách là một cột biển báo bằng sắt ghi rõ làn xe dành cho ô tô, xe máy và xe đạp.


Do dải phân cách cứng chia thành nhiều đoạn khác nhau lại được đặt lửng lơ giữa đường nên gây nhiều phiền toái cho người tham gia giao thông. Đặc biệt, tình trạng tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện va chạm với dải phân cách thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt và Giải Phóng. Nhiều người đâm vào dải phân cách phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch.


Những ngày đầu khi Sở GTVT mới đặt dải phân cách bằng bê tông ra giữa đường, có lẽ do chưa quen nên người dân thường xuyên đâm phải. “Khi mới đặt dải phân cách, đêm nào cũng có người đâm phải. Người nặng thì phải nhập viện, nhẹ thi xe cũng vỡ yếm, vỡ đèn…”, anh Bình nhà ở phố Xã Đàn nói. Dù dải phân cách đã được làm cách đây ba năm, từ đó đến nay anh Bình thỉnh thoảng vẫn thấy tai nạn xảy ra.


Đi trên các tuyến đường Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng, Bà Triệu… nhan nhản cột biển báo bị người điều khiển giao thông “hạ gục”, thậm chí dải phân cách bê tông cũng bị xới tung. Người của Sở GTVT Hà Nội thường xuyên phải đi khắc phục những sự cố này. Để hạn chế tình trạng đó, Sở GTVT Hà Nội đưa ra sáng kiến đặt một đoạn dải phân cách bằng vật liệu mềm trước cột biển báo để người dân đâm vào… tai nạn đỡ nghiêm trọng.


Theo tổng hợp của Sở GTVT thời điểm đó, sau gần 1 tháng (từ tháng 9 đến 10/2011) phân làn, lái xe đã hạ gục, làm xoay lệch gần 200 cột biển báo cắm ở dải phân cách làn đường ô tô, xe máy. Trả lời báo chí, Phó Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Xuân Tân cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên phần lớn là do lái xe không tập trung quan sát những biển báo.











Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện đâm vào dải phân cách



Dỡ dải phân cách?

Trước những vụ tai nạn do dải phân cách đặt lửng lơ giữa đường vẫn thường xuyên xảy ra suốt ba năm qua, nhiều cử tri Hà Nội đã kiến nghị nên thay thế bằng vạch sơn phản quang. “Dải phân cách cứng chia tách làn ô tô, xe máy có hiệu quả không? Đi trên đường tôi thấy biển báo phân làn cong vênh, dải phân cách cứng xô lệch rất nhiều. Điều đó thể hiện những vụ va đập rất mạnh giữa phương tiện với dải phân cách”, cử tri phường Phạm Đình Hổ phản ánh.


Ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội - cho biết, lo ngại của cử tri về sự nguy hiểm của dải phân cách là đúng. “Việc đặt dải phân cách khiến ô tô, xe máy lao vào là đúng. Chúng tôi sẽ giao cho Công an, Sở GTVT tổng kết, rút kinh nghiệm nghiêm túc về vấn đề này”, ông Sửu nói.


Tuy nhiên, theo ông Sửu việc đặt dải phân cách trên đường nhằm mục đích chính là nâng cao ý thức của người dân. Do vậy, giai đoạn này việc đặt dải phân cách tách dòng phương tiện là cần thiết. Khi ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông đã tốt rồi thì ngành giao thông chỉ cần kẻ vạch liền là được.


Trước ý kiến của cử tri, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, cá nhân ông cũng đã nhiều lần nhắc Sở GTVT sớm đánh giá hiệu quả của dải phân cách cứng. “Lý do làm dải phân cách cứng để người điều khiển phương tiện giao thông không được đi sang làn xe khác. Nhưng dư luận hiện nay không đồng tình vì cách làm đó rất nguy hiểm. Có Phó Giám đốc Sở GTVT ở đây tôi đề nghị nghiên cứu nếu thấy ý kiến đó là đúng thì phải bỏ dải phân cách cứng đi, thay vào đó bằng vạch sơn”, ông Nghị nói.


Chốt lại vấn đề, ông Nghị yêu cầu Sở GTVT Hà Nội sớm có câu trả lời về việc có bỏ dải phân cách cứng hay không. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng chỉ đạo xử lý kiên quyết những người vi phạm giao thông.








Từ ngày 20.9.2011, Sở GTVT Hà Nội phân làn tách dòng phương tiện 4 tuyến phố Xã Đàn - Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt, Giải Phóng, phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu. Từ đó đến nay, Hà Nội vẫn tiếp tục bàn cách tách dòng phương tiện thêm nhiều tuyến đường như Nguyễn Trãi - Quang Trung, Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh…

Theo Dân trí








via Xã hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét