Ngày 18.9, Ủy ban Thường vụ QH cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. Bảo vệ, khen thưởng người tố cáo đã được quy định trong luật Phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên những điều khoản này được thực hiện còn chưa tương xứng với người tố cáo, chống tham nhũng.
Phải tự cứu mình
Từ đơn tố cáo của anh Nguyễn Minh Thảo, những công dân ở huyện Tánh Linh, ông Hoàng Văn Khánh, đại tá Đinh Đình Phú - những gương mặt điển hình chống tham nhũng đề cập trong loạt bài này - công an vào cuộc, những người bị tố cáo đều đã phải lĩnh án tù, nhưng những người tố cáo đã phải “tự cứu” cuộc sống của mình.
Anh Trần Minh Thảo phải nuốt nước mắt ký vào đơn xin nghỉ việc. Anh buồn bã nói “Cầm 4 triệu đồng tiền nghỉ việc trên tay mà tui rơi nước mắt. Có ai ngờ mình phòng, chống tham nhũng lại có ngày này”.
Trở về quê nhà thuê đất nuôi tôm để mưu sinh, nhưng cái “đau” anh phải đối mặt, đó là “Mỗi lần sinh hoạt chi bộ, nhiều đảng viên vẫn nhìn tôi với cặp mắt không mấy thiện cảm. Họ nói bông đùa ngoài phòng họp, có ý dè chừng tôi với lời lẽ châm chọc, chua cay. Anh ngậm ngùi: Mình thấy người ta xài tiền của nhà nước mà xót, mới tố cáo, vậy mà không ngờ số phận mình lại như vầy. Đúng là chống tiêu cực, tham nhũng không phải là đơn giản”.
Nghe những lời trải lòng của ông Hoàng Văn Khánh mới thấy xót xa cho số phận những người “cả gan” chống tiêu cực, tham nhũng: “Tôi đã mất tất cả”. Ông nói: “Có thời gian tôi tưởng mình không thể vượt qua được khi bị bao vây tứ phía, không có lối thoát”.
Ông không ngần ngại: Dù được tôn vinh là một trong số 88 người tiêu biểu có thành tích chống tham nhũng, tôi hy vọng sẽ tiếp tục được làm ăn một cách bình thường. Nhưng có một thế lực vô hình đã chặn con đường sống của tôi. Khách hàng đến liên hệ, tìm hiểu về DN thì được thông tin lại những tin tức không thiện cảm. Có cả điều tiếng cảnh báo không nên hợp tác với tôi nữa. Vậy là nhiều bạn hàng quay lưng. Hậu quả của việc bị cô lập, đẩy DN đứng trên bờ phá sản. Rất nhiều lần tôi kêu cầu những tổ chức tín dụng, các NH để vay vốn nhưng tất cả đều ngoảnh mặt làm ngơ.
Cho đến thời điểm hiện tại, DN của ông đã chính thức phá sản. DN đóng cửa, NLĐ mất việc làm. Dù tài sản cố định đủ để trả nợ, nhưng không có NH nào đồng ý cho ông vay vốn để tái cơ cấu, trả nợ. Bản thân ông bị truy sát. Vợ con hoảng loạn. Ông nói với tôi về cảm giác cô độc của người bị cô lập, mất mát của người vốn từng có tất cả. Trong mắt nhiều người, ông Khánh là con nợ, kẻ phá bĩnh. Nhưng những người bạn tốt không bỏ rơi ông, họ đang giúp ông đứng dậy. Chúng tôi hy vọng, ông - người “đã mất tất cả” - sẽ vượt qua những khó khăn để có những bước đi chắc chắn hơn.
Cái giá phải trả của hậu tố cáo không ai có thể chia sẻ được với những người đã dũng cảm chiến đấu trên mặt trận không có tiếng súng, cuộc chiến với chính đồng chí của mình. Ông Lê Thiên Long, một mình đấu tranh với TGĐ Trần Văn Khánh (Tổng Cty Vật tư Nông nghiệp), vì chứng kiến quyền lợi của các cán bộ trong công ty bị xâm hại nghiêm trọng.
Ông nói: “Họ làm lãnh đạo mà tham quá. Mục đích của họ là sẽ biến công ty sau khi cổ phần hóa xong là thành tài sản của mình. Tôi không chấp nhận, và bắt đầu dấn thân vào hành trình thu thập chứng cứ để làm bằng chứng tố cáo, vì “tiền của Nhà nước phải được trả lại cho Nhà nước”. Tuy nhiên, không phải cứ muốn tố cáo là làm được ngay. Phải mất thời gian thu thập tài liệu, rồi sắp xếp, lựa chọn, xâu chuỗi lại để người nhận tài liệu hiểu được vấn đề”.
Biết ông Long tố cáo mình, ông “tổng” Khánh đã đưa ra lời mời khá hấp dẫn, bố trí ông làm giám đốc để đánh đổi sự im lặng. Đến ngôi nhà nhỏ của ông, chứng kiến người vợ nằm liệt gường, cậu con trai sức khỏe không được tốt, mới hiểu được mục đích đấu tranh của ông là vì lẽ phải. Ông bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu rằng “khùng”, “điên”, “dại”. Ông nói, nhờ thu thập đủ bằng chứng để tố cáo, nếu không tôi mắc tội vu khống, lĩnh án chứ chẳng chơi.
Bà Phạm Thị Hồng Hoa (CTy Mía - Đường 2), ba năm đấu tranh thì hai năm mất việc làm. Nhờ những chứng cứ mà chị Phan Thị Oanh thu thập, mới đưa được ra ánh sáng vụ nhân bản kết quả xét nghiệm ở BV Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), nhưng bây giờ chị đang dính vào vòng lao lý vì trước đó, tuân thủ chỉ đạo của cấp trên, chị Oanh đã ký vào một bản xét nghiệm khống, nhưng thấy việc làm sai, chị đã làm một việc mà không ai trong bệnh viện có điều kiện để thu thập chứng cứ, làm bằng chứng tố cáo. Rồi chuyện người tố cáo bị trả thù, gia đình bị đe dọa, lâm vào cảnh khó khăn về kinh tế... ai cũng trải qua, nhưng họ không lung lay, lùi bước.
Cần sớm có cơ chế bảo vệ, khen thưởng kịp thời
Những người chống tham nhũng, tiêu cực họ đều phải tự bảo vệ mình, dù Luật phòng, chống tham nhũng đã có hẳn một điều khoản quy định bảo vệ người tố cáo (Điều 5). Trong khi luật quy định “không được đe dọa, trả thù người tố cáo”, thực tế, người tố cáo đều lĩnh đủ.
Đơn tố cáo không được giữ bí mật danh tính, do bị lộ nên những người có chức, có quyền bị tố cáo đủ “lực” để trả thù , đẩy người tố cáo vào con đường “đơn độc” trong cuộc chiến “một mình một trận địa”. Mối quan hệ đan xen, dính líu “trên dưới”, bệnh thành tích, sợ liên đới trách nhiệm của những người lãnh đạo vô hình tạo bức tường chắc chắn cho những người bị tố cáo.
Trong khi luật quy định, người tố cáo cung cấp bằng chứng... nên việc thu thập chứng cứ là vô cùng khó khăn với người tố cáo. Chính Thanh tra Chính phủ thừa nhận một thực tế: “Đối tượng tham nhũng thường là người có chức vụ, quyền hạn. Thủ đoạn phạm tội lại tinh vi, có nhiều thủ đoạn để đối phó, che giấu hành vi, nên việc phát hiện, truy tố gặp nhiều khó khăn”. Cơ quan chức năng còn thấy khó khăn, huống chi người tố cáo.
Theo đánh giá của Chính phủ: “Tình hình tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với thủ đoạn tinh vi, kín đáo...”, cả năm 2013 chỉ xử lý được 36 người đứng đầu liên quan đến tham nhũng, nhưng chỉ có 4 người bị xử lý hình sự. Việc xử lý còn quá ít, mức hình phạt chưa đủ răn đe (ngoại trừ những vụ án lớn), hầu như người sai phạm bị tố cáo được thay đổi tội danh cho nhẹ, chuyển công tác, hoặc hình thức kỷ luật nhẹ nhàng, khiến người tố cáo nản chí... ở Quảng Nam đang xôn xao bởi 5 phiên tòa không xử nổi vụ tham ô hơn 4 triệu đồng.
Mong muốn của Chính phủ, toàn xã hội tham gia vào cuộc để đạt được mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, tuy nhiên, còn thiếu cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo, việc khen thưởng còn bị xem nhẹ. Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng cũng mới tổ chức được 2 lần, tuyên dương người có thành tích chống tham nhũng. Lần một được thưởng 500.000 đồng và một chữ “Tâm”, tuyên dương lần 2 ( kết hợp với HN) thì người tuyên dương được thưởng bộ ấm chén và bó hoa.
Mới đây, số tiền khen thưởng 320.000 đồng/người với 3 nhân viên y tế ở BV Hoài Đức trong vụ tố cáo nhân bản kết quả xét nghiệm gây sốc dư luận, cho dù Sở Y tế HN thanh minh rằng, thưởng phải theo quy định. Mới đây, ông Đoàn Nhi (Măng Tố, Tánh Linh, Bình Thuận) đã gửi đơn khiếu nại đến UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định vì đã có công tố cáo vụ phá rừng Tánh Linh. UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác liên ngành để xem xét yêu cầu của ông Nhi.
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét