PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

Trẻ béo phì, tại ai?

Trẻ béo phì, tại ai?
Trẻ béo phì, tại ai?

Mới đây, Viện Dinh dưỡng đã đưa ra con số cảnh báo rất đáng báo động: Trong 10 năm, tỉ lệ trẻ béo phì tăng lên gấp 9 lần. Tỉ lệ trẻ béo phì ở các thành phố lớn đã vượt ngưỡng 12%. Thủ phạm của “vấn nạn” này chính là các bậc cha mẹ.


Con béo phì, bố mẹ bảo “bụ bẫm”…


Kết quả khảo sát nhanh về thực trạng chăm sóc dinh dưỡng trẻ đô thị do Viện nghiên cứu Y - Xã hội học tiến hành vào tháng 6-7.2013 với sự tham gia của hơn 200 bà mẹ có con dưới 5 tuổi sống tại Hà Nội và TP.HCM mới được công bố cho thấy, có đến 1/3 số bà mẹ có con bị thừa cân mà không biết, thậm chí 15% số người có con thừa cân vẫn mong muốn con mình tiếp tục béo hơn nữa.


Khảo sát này cho thấy những sai lầm của các cha mẹ đang làm hại con mình. Nhìn thấy con bụ bẫm, tròn trịa, nhiều bậc cha mẹ lại tự hào vì mình nuôi con “mát tay”. Ngược lại, nhiều người sử dụng biện pháp cứng rắn, cấm đoán việc ăn uống của trẻ với mong muốn con giảm cân. Theo chuyên gia dinh dưỡng, cả hai cách ứng xử này đều không phù hợp.











Tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì ngày càng tăng cao. Ảnh: Hải Nguyễn



Tại phòng khám tư vấn dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng, các bác sĩ ở đây đã chứng kiến rất nhiều chuyện “lạ” của các gia đình. Một bé trai 24 tháng, nặng 22kg, cao 90cm, bố mẹ mới cho đi lớp mẫu giáo được 1 tháng thấy con bị sụt mất 8 lạng đã khiến cả đại gia đình từ ông bà nội ngoại đến bố mẹ đều xót xa rồi tranh cãi phải chuyển trường cho con đến trường mới nuôi dưỡng tốt hơn. Mặc dù đã được các bác sĩ tư vấn là với chiều cao, cân nặng đó bé bắt đầu mấp mé thừa cân nhưng cha mẹ bé vẫn muốn con bụ bẫm hơn nữa.

Có gia đình có con trai 6 tuổi đã nặng 35 cân. Bố bé đã ra lệnh cấm ăn, thậm chí không cho ăn cơm, chỉ được ăn rau, thịt. Đứa bé đang có thói quen ăn nhiều nay bị “phanh” lại đã rất khổ sở nên thường xuyên ăn vụng. Mẹ xót con, cứ tối muộn lại lén cho con ăn khi thì chiếc bánh mì xúc xích, khi thì bát cháo gà. Hậu quả là đứa bé vẫn tăng cân đều đều. Có bé gái 2 tuổi đã nặng tới 28kg, bác sĩ cảnh báo bé đã thừa gần 10 kg rồi nhưng mẹ bé lại nghĩ bụ bẫm mới khỏe mạnh, vài tuổi nữa hãm ăn sẽ đâu vào đấy…


PGS.TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng kể: Nhiều ông bố bà mẹ đưa con đi kiểm tra dinh dưỡng luôn nhắc nhở bác sĩ kê thêm thuốc bổ cho con để con ăn tốt, tăng cân, mặc dù con mình có chỉ số phát triển bình thường, thậm chỉ có bé đã ở diện béo phì, thừa cân nhưng bố mẹ vẫn luôn lo lắng con mình bị thua kém trẻ khác. Một điều tra trên những trẻ thừa cân, béo phì ở Hà Nội cho thấy có tới 53% ông bố bà mẹ có con đã bị thừa cân, béo phì nhưng không hề biết con béo phì mà vẫn cho là con bụ bẫm mới đáng yêu và đó là tín hiệu vui hơn là điều đáng lo.


TP.HCM đạt kỷ lục!


BS Trịnh Hồng Sơn, Viện Dinh dưỡng cho biết, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em đang tăng nhanh. Nếu như năm 2000, tỉ lệ béo phì, thừa cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 0,62% đã tăng lên 5,6% vào năm 2010. Như vậy, trong 10 năm, tỉ lệ béo phì, thừa cân ở trẻ dưới 5 tuổi đã tăng đến 9 lần. Đặc biệt ở thành phố, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi béo phì đang tăng mạnh mẽ. Tại 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng) tỉ lệ béo phì, thừa cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 6%, với tổng số 86.000 trẻ.


Riêng tại TP.HCM, tỉ lệ trẻ dưới 5 tuổi béo phì đã lên tới 9,6% (mức béo phì trẻ dưới 5 tuổi trung bình toàn cầu là 6,9%), tỉ lệ trẻ béo phì ở khu vực trung tâm TP đã vượt ngưỡng 12%. Tại nhiều trường học ở Q.1, TP.HCM, có nơi cứ 5 học sinh thì có 1 trẻ thừa cân, béo phì. Vùng ngoại thành TP.HCM tuy tỉ lệ có thấp hơn nhưng có đến 9,1% trẻ dưới 5 tuổi thừa cân, béo phì. Ở Đà Nẵng, tình hình nguy cấp không kém khi số trẻ béo phì, thừa cân là 9,9%. Đây là một con số rất đáng báo động.


Lý giải về việc gia tăng nhanh trẻ thừa cân, béo phì, PGS. TS Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh Dưỡng Quốc gia cho biết, cơ cấu khẩu phần ăn cho trẻ ở các đô thị thay đổi rõ rệt về lượng và chất, có xu hướng giảm chất bột tăng chất đạm và đặc biệt là chất béo, chất đường (do sử dụng thực phẩm chế biến sẵn). Khẩu phần ăn có hàm lượng chất béo đã lên tới gần 30% năng lượng trong khẩu phần.


Theo thống kê về khẩu phần bữa ăn của trẻ em 2 - 5 tuổi ở đô thị thì trẻ em khu vực Đông Nam Bộ đang dẫn đầu cả nước về lượng tiêu thụ thịt các loại, sữa bột, phomat, sữa tươi, sữa hộp và các loại hải sản. Riêng lượng sữa tươi, sữa hộp tiêu thụ bình quân, trẻ em Đông Nam Bộ đang dùng gần gấp đôi bình quân chung cả nước (228g/trẻ/ngày, bình quân cả nước mới đạt 135g/trẻ/ngày). Các trẻ 2 - 5 tuổi ở Đông Nam Bộ cũng uống rất nhiều đồ ngọt (gần gấp ba mức bình quân chung cả nước).


Một thực tế rất rõ ràng là trẻ em ở khu vực TP đang được sống trong tiện nghi quá nhiều mà giảm các vận động ngoài trời. Ngày nay, trẻ em ở TP đi đâu cũng có xe đưa đón, ít có dịp đạp xe hay đi bộ. Tại các nhà cao tầng, việc đi lại bằng thang máy được thay thế cho thang bộ. Ngồi học trong phòng máy lạnh, về nhà sống trong phòng điều hòa, không toát mồ hôi; quạt tay được thay bằng quạt điện; chỗ chơi không có nên thời gian xem tivi, máy tính nhiều...


Phần lớn các bậc cha mẹ muốn con vùi đầu vào việc học làm chúng ít có thời gian vui đùa thể dục, thể thao, chạy nhảy… Vì thế, sự tiêu hao năng lượng hầu như không có. Mỗi gia đình hiện nay chỉ sinh 1 - 2 con nên bố mẹ luôn dành mọi thứ tốt nhất cho con cái, chăm sóc ăn uống quá kỹ lưỡng nhưng lại không khoa học đã dẫn đến trẻ bị thừa cân, béo phì. Một số bố mẹ có tiền thích thể hiện đẳng cấp nên thường xuyên mua các loại thực phẩm chế biến sẵn nhập khẩu cho con ăn như một cách xài sang mà không hay biết loại thực phẩm đó nhiều chất béo, ít vi chất dinh dưỡng khiến trẻ phát triển bề ngang.


“Đừng biến con từ chỗ tránh khỏi suy dinh dưỡng sang vực thẳm thừa dinh dưỡng dẫn đến thừa cân, béo phì, rất tổn hại đến sức khỏe của trẻ và tăng trưởng sau này” - Đó là lời khẩn cầu của TS Bạch Mai đối với các bậc làm cha làm mẹ.







via Xã hội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét