Cả nước tuần qua theo dõi bão lũ miền Trung mà kinh hoàng. Đài báo nói quá nhiều về thiệt hại, cứu trợ. Nhưng chuyện chết người, mất sạch nhà cửa hoa màu năm nay lại có thêm yếu tố hồ đập. Có những ngày mở tivi thấy cả nước, kể cả các đô thị cao như cao nguyên, thấp như TPHCM đều ngoi ngóp với mưa lũ, triều cường, xả đập.
Tai họa trước mắt khiến con người mụ đi vì chống đỡ. Hôm nay nước đã tạm rút, đêm nằm vắt tay lên trán nghĩ lại bỗng giật mình, chúng ta mải làm ăn, phát triển điện lực, thủy lợi và kể cả xây dựng các công trình dân cư, công trình hạ tầng có lẽ đã quên tính đến quy luật biến đổi khí hậu (BĐKH).
Nhiều lần nghe nói đã có các kịch bản chống BĐKH, nhưng mùa mưa bão năm nay mới thấy rõ các kịch bản đó chỉ là chuyện đẩu đâu, chưa có ai duyệt, chưa có “đoàn” nào dựng để diễn cả. Đúng là nói cho có nói!
Các tư liệu mới công bố cho thấy 50 năm qua nhiệt độ không khí ở Việt Nam tăng bình quân 0,7 độ/năm, nước biển dâng cao 20cm, các hiện tượng El Nino, La Nina gây ra mưa bão, hạn hán liên tục. Đã tính được đến năm 2080 sản lượng ngũ cốc giảm 2-4%, giá nông sản sẽ tăng từ 13-45%. Nếu tính đến 2100 sẽ nóng thêm 30 và biển dâng 1m. Ngân hàng Thế giới đã tính hộ ta lúc đó sẽ mất một phần lớn lãnh thổ chìm trong nước biển và ngập mặn sẽ vào sâu đến cả TPHCM. Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu ảnh hưởng lớn nhất thế giới về BĐKH.
Nghĩ đến đây lại giật mình. Tuần này, một số vùng có lệnh cấm xe chạy qua những đoạn đường đã có xe bị lũ cuốn trôi. Nếu vài chục năm nữa thì theo đà BĐKH sẽ cấm gần hết các đường bộ, kể cả đường sắt chạy ven biển và dải đồng bằng hẹp từ Bắc vào Nam hay sao?
Hiện nay các đoạn QL1, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc – Nam đã và sẽ đầu tư lớn để nâng cấp, mở rộng với số vốn nghe đã thấy chóng mặt. Cũng nhân dịp này “cầm đèn chạy trước ôtô” xin hỏi có bác nào nghĩ đến số phận những cơ sở hạ tầng chúng ta đang dồn tiền của công sức ra làm, có công trình nào nghĩ đến ngày phải cấm phương tiện vì sợ nước lũ cuốn trôi cả xe, cả tàu?
Hay là lại như các cụ ta xưa có câu: “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”. Con cháu ta sau này cũng phải nai lưng ra gánh vác cùng cha anh. Có lẽ không phải như thế. Cha anh chúng ta đã giữ được nước, còn chúng ta cũng cần làm gì cho thế hệ tương lai không phải dẫm vào vết xe lạc đường và còng lưng sửa chữa cho cha anh.
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét