UBND TP.Hà Nội vừa ban hành quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ Hà Nội. Nội dung được người dân đặc biệt quan tâm là các quy định rất cụ thể về hoạt động xây dựng trong khu phố cổ.
Công trình mặt phố không cao quá 12m
Theo quy định mới, hầu như các công trình mặt phố cổ đều không được phép cao quá 12m, từ 1- 3 tầng. Chỉ có một số rất ít tuyến phố các công trình được phép cao 16-20m như Phan Đình Phùng, Trần Nhật Duật...
Ngoài ra, trong danh mục 79 tuyến phố và 83 ô phố tại khu phố cổ được quy định chi tiết về mật độ, số tầng cao được phép xây dựng và khoảng lùi công trình. Đơn cử, ô phố số 3 với phố Hàng Giấy được ghi chú là: Tại phố Gầm Cầu xây dựng, tôn tạo công trình trên cơ sở đảm bảo khoảng lùi an toàn đường sắt... lớp nhà mặt phố được phép từ 1-3 tầng, tương đương 6-12m; lớp phía sau từ 2-4 tầng, tương đương 10-16m, khoảng lùi tối thiểu của lớp sau là 4-6m...
Trong khu phố cổ, UBND TP yêu cầu không xây tầng hầm (trừ các phố Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, với điều kiện không ảnh hưởng hoặc tiếp giáp các công trình di tích hoặc có giá trị). Ngoài ra, trong phố cổ, không xây các trung tâm thương mại lớn và các công trình nhà ở mới làm tăng dân số, tăng mật độ xây dựng, tăng quá tải hệ thống giao thông, ảnh hưởng môi trường và các công trình quy mô lớn khác. Nhấn mạnh yêu cầu không bêtông hóa các không gian mở, không gian xanh trong các ô phố, TP yêu cầu công trình nhà ở xây mới phải có kiến trúc hài hòa với tổng thể dãy phố, khu vực. Đối với ô đất trên 70m2, bắt buộc phải tổ chức sân, trong có trồng cây.
Theo đó các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhà, chủ đầu tư các công trình xây dựng, sửa chữa, cải tạo trong khu vực, nếu vi phạm quy chế sẽ bị xử lý nghiêm. UBND TP yêu cầu, với các công trình vi phạm xây dựng trước khi ban hành quy chế, phải tháo dỡ các vật liệu xây dựng, che chắn tạm; các không gian sử dụng làm buồng, phòng lấn chiếm không gian hè phố và ngoài chỉ giới đường đỏ. Công trình có ngôn ngữ kiến trúc khác đột biến so với quy định của quy chế cũng sẽ buộc phải cải tạo theo phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt. Công trình sai phép, công trình xây xen cấy vào khu đất của công trình có giá trị đặc biệt, công trình công cộng, các công trình di tích lịch sử - văn hóa sẽ phải phá dỡ...
Nâng cấp hạ tầng theo hướng không gian mở
Cũng theo quy chế mới, các công trình xây dựng liền kề công trình di tích không được phép xây dựng đột biến về quy mô, không sử dụng màu sắc, vật liệu tương phản. Trong phạm vi 10m mỗi bên (tính từ ranh giới đất công trình di tích), các công trình được xây dựng không quá 2 tầng (8m). Các chuyên gia về đô thị cho rằng, nếu áp dụng đầy đủ các quy định này, có thể nói, từng mét vuông của khu phố cổ đều được đặt dưới chế tài bảo vệ nghiêm ngặt.
UBND TP nhấn mạnh, việc cải tạo khu vực lõi bên trong các ô phố, nâng cấp hạ tầng, môi trường sống theo hướng tăng cường không gian mở, bổ sung cây xanh và cải tạo hệ thống hạ tầng. TP sẽ xem xét lộ trình thay thế mái tôn, mái tạm bằng vật liệu bền vững theo hướng sử dụng mái dốc, lợp ngói phù hợp điều kiện sử dụng trong phố cổ. Đồng thời, phải dỡ bỏ các chi tiết, vật, kiến trúc cơi nới, lấn chiếm không gian ngoài chỉ giới đường đỏ; các biển hiệu, biển quảng cáo, vật che chắn cũ, bẩn, tạm bợ và trái với quy định.
Theo Sở QHKT Hà Nội, khu phố cổ Hà Nội có diện tích khoảng 82ha, bao gồm 10 phường (Đồng Xuân, Hàng Buồm, Hàng Đào, Hàng Gai, Cửa Đông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Bồ, Hàng Bông, Lý Thái Tổ) thuộc quận Hoàn Kiếm, với 79 tuyến phố và 83 ô phố.
via Xã hội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét