“Chưa có cây gì để thay thế trồng cho cây caosu mà phù hợp với đất đai, cũng như hiệu quả kinh tế: Đầu tư ban đầu thấp, thị trường tương đối ổn định... Đó là lý do tôi vẫn tiếp tục phải chọn trồng cây caosu” – nông dân Nguyễn Như Du ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị khẳng định như vậy. Vấn đề là làm thế nào để cây caosu sống chung được với bão, hay hạn chế tới mức thấp nhất khi bão xảy ra.
Bộ NNPTNT nhận trách nhiệm
Về vấn đề quy hoạch và phát triển cây caosu, ông Nguyễn Văn Chinh - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp - nói rằng không thoái thác trách nhiệm về việc quy hoạch trồng cây caosu ở Bắc Trung Bộ; và ở vùng này phát triển cây caosu theo đúng quy hoạch của Chính phủ.
Cũng về chủ đề trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với cây caosu, các ý kiến cho rằng nguồn cây giống caosu được trồng tại các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ đã bộc lộ nhiều khuyết điểm: Cây quá cao, tán rộng và quá nhiều lá; một số nơi nông dân trồng không đúng kỹ thuật và cây giống không đảm bảo nên caosu không có rễ cọc. Vì thế, ảnh hưởng của bão đã chịu nhiều thiệt hại.
Ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ NNPTNT - thừa nhận rằng, nguồn giống không phù hợp với điều kiện các địa phương ở đây là một phần thiếu sót của Nhà nước.
“Cần có nguồn giống chịu gió tốt, có bộ rễ tốt, tán lá thấp, thân cứng và thích hợp với khí hậu khu vực bắc miền Trung, có như vậy mới giảm thiểu được rủi ro do thiên tai gây nên” – kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Hiếu – nguyên PGĐ Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị - nói.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Đồng Quảng cũng khẳng định rằng phát triển cây caosu ở Bắc Trung Bộ là đúng đắn, có sự thống nhất của Nhà nước và đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Kiến nghị dùng ngân sách hỗ trợ nông dân
Tại hội thảo, ý kiến của phần đông nông dân, cán bộ và chuyên gia đều cho rằng là sẽ trồng lại cây caosu tại những nơi vừa bị gãy đổ.
“Chưa có cây gì để thay thế trồng cho cây caosu mà phù hợp với đất đai, cũng như hiệu quả kinh tế: Đầu tư ban đầu thấp, thị trường tương đối ổn định... Đó là lý do tôi vẫn tiếp tục phải chọn trồng cây caosu” – nông dân Nguyễn Như Du ở xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị khẳng định như vậy.
Vấn đề là làm thế nào để cây caosu sống chung được với bão, hay hạn chế tới mức thấp nhất khi bão xảy ra.
Trước những rủi ro về thiên tai mà nông dân chịu thiệt hại nặng, cần phải có giải pháp chia sẻ để giúp họ vực lại vườn caosu.
Theo ông Nguyễn Minh Hiếu – Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm Huế: “Tập đoàn Caosu VN cần chia sẻ và giúp đỡ khó khăn với người nông dân vào lúc này. Có như vậy họ mới yên tâm và có điều kiện để tiếp tục sản xuất”.
Tại những địa phương có diện tích vườn caosu lớn bị ảnh hưởng nặng sau bão ở tỉnh Quảng Trị như xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Thạch thuộc huyện Vĩnh Linh, người dân mong muốn có được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc khoanh nợ, dãn nợ và hỗ trợ giống cây trồng để tiếp tục phát triển vườn caosu về.
“Cục Trồng trọt sẽ báo cáo bộ để xây dựng một quy trình kỹ thuật chăm sóc cây caosu cho vùng Bắc Trung Bộ để giúp người dân sản xuất tốt hơn. Đối với 13.000ha caosu bị hư hại hoàn toàn mà nông dân và chính quyền địa phương muốn trồng mới lại, chúng tôi sẽ truyền đạt lên cấp trên. Nhưng chúng tôi đề nghị cần suy nghĩ, bàn bạc lại để có phương án tốt nhất” - ông Phạm Đồng Quảng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – nói.
Về lâu dài, Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị đề nghị có gói bảo hiểm cho vườn cây caosu của người dân.
Các chuyên gia về caosu cho rằng nông dân ở Bắc Trung Bộ cần thực hiện đa dạng cây trồng chứ không độc canh cây caosu.
Ban tổ chức hội thảo thống nhất kết luận: Sở NNPTNT các tỉnh bị thiệt hại cây caosu đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho nông dân; Bộ NNPTNT đề xuất lên Chính phủ để có phương án hỗ trợ, giúp nông dân yên tâm sản xuất.