Vụ nứt chân cầu Vĩnh Tuy: Yêu cầu thuê tư vấn kiểm định độc lập
Bộ trưởng Bộ Xây dựng kiểm tra vết nứt trụ cầu Vĩnh Tuy.
Chiều 26.2, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng - đã cùng đại diện Sở GTVT Hà Nội, chủ đầu tư dự án là BQL dự án hạ tầng Tả Ngạn và các đơn vị thiết kế, thi công đã trực tiếp thị sát và kiểm tra vết nứt tại trụ T22 cầu Vĩnh Tuy.
Tại hiện trường, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chủ đầu tư phải tập trung xử lý vết nứt và thuê một tư vấn kiểm định độc lập đánh giá hiện trạng, xác định nguyên nhân gây nứt và theo dõi quá trình diễn biến của vết nứt.
“Chủ đầu tư phải tìm ra nguyên nhân và phải kết luận được là vết nứt như vậy có đảm bảo an toàn hay không, đồng thời phải kết luận được là có ảnh hưởng đến khả năng chịu tải và tuổi thọ công trình không. Tư vấn kiểm định chất lượng độc lập có thể là tư vấn trong nước hoặc ngoài nước, và phải là đơn vị tư vấn có kinh nghiệm.
Yêu cầu phải kiểm tra toàn tuyến, tất cả các trụ. Yêu cầu đảm bảo sự an toàn công trình là số 1, vì nó liên quan đến tính mạng của người dân" - Bộ trưởng Dũng nói. Bộ trưởng cũng yêu cầu, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Sở GTVT Hà Nội phải rà soát toàn bộ các cầu trên địa bàn TP, không thể chủ quan.
Được biết, liên quan đến việc xác định nguyên nhân và hướng xử lý đối với vết nứt tại trụ T22 cầu Vĩnh Tuy, TEDI vừa có văn bản số 613/TEDI-CLH phúc đáp Sở GTVT Hà Nội. Theo ông Phạm Hữu Sơn – TGĐ TEDI, từ kết quả kiểm tra thực tế hiện trường, TEDI nhận thấy, kết cấu dầm của bê tông không xuất hiện vết nứt.
Các trụ cầu làm việc ổn định, không có hiện tượng lún, nghiêng. Các trụ cầu từ T18 đến T21 không có hiện tượng nứt bêtông theo phương dọc, ngang. Riêng trụ T22 xuất hiện vết nứt dọc có thể quan sát thấy bằng mắt thường. Vết nứt xuất hiện tại tim trụ theo hướng dọc cầu ở cả hai phía.
Phía Vĩnh Tuy vết nứt xuất phát từ phạm vi bắt đầu phần rỗng của thân trụ kéo lên phía trên khoảng 10m. TEDI cũng cho biết, tại vị trí trụ T23, T24 cũng xuất hiện vết nứt nhưng chiều rộng nhỏ, phải quan sát kỹ mới thấy.
Hướng khắc phục được TEDI đề xuất là tiến hành bơm keo trám kín khe nứt để ngăn chặn ảnh hưởng của môi trường bên ngoài tới cốt thép chịu lực, đặc biệt đối với vị trí nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của mực nước thay đổi.
Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng có phương án tiếp tục theo dõi diễn biến của vết nứt sau khi được khắc phục để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nhằm đảm bảo tính khách quan, TEDI cũng đề nghị Sở GTVT Hà Nội có thể chỉ định một đơn vị tư vấn kiểm định độc lập đánh giá mức độ ảnh hưởng của vết nứt và đề xuất phương án xử lý hợp lý.
Tin bài liên quan
-
Hà Nội: Bỏ chồng và hai con nhỏ lên cầu Vĩnh Tuy định tự tử
-
Cận cảnh vết nứt dọc trụ H22 tại cầu Vĩnh Tuy
-
Thuê tư vấn độc lập để giám định vết nứt trên cầu Vĩnh Tuy
-
Đâm vào lan can, đôi nam nữ rơi từ cầu Vĩnh Tuy xuống đất
-
Lửa thiêu rụi kho hàng dưới chân cầu Vĩnh Tuy
-
Bắt nhóm cướp xe máy tại cầu Vĩnh Tuy
-
Phát hiện xác người đàn ông dưới chân cầu Vĩnh Tuy
-
Tự đâm vào thành cầu Vĩnh Tuy, một phụ nữ tử vong
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét