Gặp cụ ông 5 lần vào vai vua Lê Đại Hành xuống ruộng đi cày đầu năm
Cụ Tế mặc “Long bào” xuống ruộng đi cày khuyến khích nhân dân làm nông nghiệp.
Sau một thời gian bị mai một, lễ hội Tịch Điền (xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) được khôi phục lại vào năm 2009. Một trong những thành công của lễ hội này kể từ khi khôi phục phải kể đến nhân vật vào vai vua Lê Đại Hành đó là cụ Đinh Trọng Tế (86 tuổi) – người đã 5 lần đóng vai vua xắn quần xuống ruộng đi cày, khuyến khích sản xuất nông nghiệp.
Lễ hội Tịch Điền lần đầu được tổ chức vào thế kỷ thứ X, theo sử sách chép lại, vào mùa xuân năm 987, vua Lê Đại Hành cùng các bá quan văn võ trong triều xuống ruộng đi cày để khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp, đồng thời cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Khi đi cày, nhà vua bắt được một chiếc chum vàng, đến năm 988, nhà vua đi cày ở Bàn Hải lại bắt được một chiếc chum bạc. Vì vậy mà hai thửa ruộng này được đặt là Kim Ngân Điền (ruộng của vua). Khu đất này ngày nay thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam.
Sau này, cứ vào dịp đầu xuân, lễ hội Tịch Điền dần được các vua quan tổ chức quy mô hơn, cho đến đời vua Khải Định thì bị mai một dần. Đến năm 2009, UBND tỉnh Hà Nam đã khôi phục lại lễ hội Tịch Điền tại xã Đọi Sơn. Ngoài cơ sở vật chất và công tác chuẩn bị cho lễ hội, một vấn đề mà Ban tổ chức (BTC) hết sức quan tâm là người đóng vai vua Lê Đại Hành làm lễ xuống ruộng đi cày 3 sá.
Cụ Đinh Trọng Tế - người 5 lần vào vai vua Lê Đại Hành xuống ruộng đi cày đầu năm. |
Tục vua đi cày là một trong những cảnh diễn quan trọng nhất trong lễ hội, vua xuống đồng khai xuân bằng đường cày nhằm thể hiện sự đồng cam cộng khổ, cảm thông và chia sẻ khó khăn cực nhọc với người dân, khuyến khích nhân dân lao động, cầu cho mùa màng khắp nơi trên đất nước được bội thu, mọi người ấm no, đất nước thanh bình. Vì vậy người đóng vai vua phải là người có phẩm chất, đức hạnh, sức khỏe và quan trọng là dáng vẻ. Sau nhiều lần chọn lựa, BTC đã chọn được cụ Ngụy Nguyên Chuyền (82 tuổi) đảm nhận.
Mọi chuyện suôn sẻ cho đến ngày tổng duyệt (25.1.2009 âm lịch), cụ Chuyền bỗng nhiên đổ bệnh nằm mê man bất tỉnh. Sau 10 ngày thì cụ Chuyền qua đời. BTC rất bối rối vì không biết tìm ra ai để thay thế khi lễ hội đã cận kề và không cụ nào trong làng dám đứng ra nhận trọng trách nặng nề. Lúc này, ông Đinh Trọng Tế mới đứng ra tự “nhận” mình có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ này.
Cụ Tế nhớ lại: “Không biết lúc đấy tôi lấy đâu ra dũng khí để nhận trách nhiệm lớn đến như vậy. Lúc ấy, nhiều người vẫn chưa tin tưởng tôi lắm, lại thêm người đồn ầm cái chết của cụ Chuyền là đắc tội với bề trên, nên gia đình cũng khuyên tôi không nhận. Nhưng tôi đã hứa là làm, vì vậy mọi người đã đồng ý. Sau khi học các động tác nhuần nhuyễn, về nhà tôi vẫn cố nghĩ, hình dung lại, sáng sớm tôi lại tập luyện. Lễ hội sau đó đã thành công mà không mắc một sai sót nào”.
Cụ Tế “bẽ gãy sừng trâu”
Trước khi mặc “Long bào” cụ Tế phải làm lễ xin phép. |
Đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng người dân xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên vẫn gọi cụ Tế với cái tên trìu mến là “ông Tế bẽ gãy sừng trâu” để nói về sức khỏe trời phú cho ông. Nay tuy đã 86 tuổi, nhưng ông vẫn còn minh mẫn, người mạnh khỏe, da hồng hào. Thậm chí, nhiều hôm ông còn mang chiếc xe đạp cà tàng của mình đạp sang tận Hưng Yên làm đám thanh niên làng phải “trố mắt” thán phục.
Sau thành công ngoài mong đợi năm 2009, ông Tế được BTC lễ hội tin tưởng giao tiếp trọng trách vào vai vua trong các lần tiếp theo. Vào năm 2011, cụ Tế đột nhiên ngã bệnh. Lo lắng sức khỏe cụ Tế không kịp bình phục trước ngày làm lễ, BTC lại tìm người thay thế, người được chọn là cụ Phạm Lương Bì (74 tuổi). Nhưng chỉ còn cách mấy ngày lễ hội diễn ra, cụ Bì lại nằm liệt giường vì ốm nặng. Lúc này, không còn ai thay thế, nên cụ Tế gắng gượng dậy “vác cày ra ruộng làm lễ”.
Cụ Tế tâm sự: “Hồi còn nhỏ, tôi được cụ cố kể về vua thời xưa oai phong, uy nghi là thế, đứng trên vạn người, nhưng khi vua xắn quần lội xuống đồng đi cày cầu mùa màng cho dân, khuyến khích dân lao động cũng bình dị, chất phác như nông dân. Đó là một thứ tình cảm gần gũi mà thiêng liêng lạ thường”. Thấy được sự cố gắng của cụ Tế, quên bệnh tật, ốm đau hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng và giữ gìn truyền thống tốt đẹp của quê hương, UBND tỉnh Hà Nam đã trao bằng khen nhằm động viên cụ Tế.
Sau 6 năm khôi phục lại lễ hội Tịch Điền, chỉ duy nhất năm 2013 do sức khỏe của cụ Tế không cho phép nên BTC mới tìm người thay thế. Nhưng theo BTC và nhiều người dân, những thần thái, hành động của cụ Tế khi đóng vai vua Lê Đại Hành thì không ai trong làng sánh bằng. Chính vì vậy mà trong lễ hội năm 2014, cụ Tế vẫn là một trong những nhân tố chủ chốt giúp lễ hội Tịch Điền thành công tốt đẹp.
Trao đổi với PV Lao Động & Đời Sống, ông Lê Thế Quân - Phó Bí thư xã Đọi Sơn cho biết: “Lễ hội Tịch Điền đã được khôi phục 6 năm, nhưng trong 5 lần giao nhiệm vụ cho cụ Tế, chưa lần nào BTC thất vọng. Cũng mong sức khỏe của cụ luôn luôn khỏe mạnh để gánh vác trọng trách này”.
Tin bài liên quan
-
Đà Nẵng: Chồng đi biển mất tích để lại vợ cùng 5 người con
-
Bộ trưởng Đinh La Thăng: Không có chuyện thi xong lại họp để quyết ai trúng
-
Gặp “vua chim”, ngắm chim trong Sách đỏ
-
Vụ cháy ở Vạn Phúc: Đã xác định được nguyên nhân của vụ việc
-
Nam thanh niên say rượu cản trở xe chở Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
-
Vụ bến xe phía nam của Đức Long “sụp hầm” ở Đà Nẵng: Ra đi mắc núi, trở về mắc sông
-
Một cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Sa Thầy thắt cổ tự tử
-
Khi sinh viên “bén” nghiệp hầu đồng
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét