Mua bán ngang nhiên phuy nhựa, thùng nhựa, bất chấp nguy hiểm tại một cửa hàng trên Quốc lộ 1A, phường Tân Biên, TP.Biên Hoà.
Trên địa bàn TP.Biên Hòa đang tồn tại tình trạng người dân tận dụng các loại vỏ can, thùng, phuy sắt, phuy nhựa cỡ lớn đã qua sử dụng. Điều đáng báo động, đây là những phuy nhựa chứa hóa đất đã qua sử dụng, nhưng người dân lại mua về để chứa nước sinh hoạt, làm phao kết bè nuôi cá trên sông Đồng Nai.
Buôn bán tràn lan
Tại TP.Biên Hòa, các cơ sở kinh doanh các loại thùng phuy sắt, phuy nhựa chứa hóa chất đã qua sử dụng tập trung chủ yếu ở các tuyến phố: Nguyễn Ái Quốc, Bùi Văn Hoà (TP.Biên Hoà), Quốc lộ 1A (từ ngã ba Trị An, Trảng Bom đến công viên 30/4, phường Tân Biên, TP.Biên Hoà). Tại đây, hoạt động mua bán các loại vỏ can, thùng, phuy sắt, phuy nhựa… diễn ra công khai, phổ biến là loại có dung tích từ 10 lít - 300 lít, có loại lên đến 1.000 lít. Đây vốn là những thùng dùng đựng hóa chất, keo dán, dầu, chất tẩy rửa trong các hoạt động sản xuất công nghiệp đã được loại bỏ sau khi sử dụng và trở thành rác thải công nghiệp chưa qua xử lý, rất độc hại. Nhưng nay chúng lại được mua bán để làm phương tiện chứa nước sinh hoạt, chứa nước tưới cây, đựng các sản phẩm nông nghiệp hoặc làm phao kết bè nuôi cá.
Một số cơ sở kinh doanh rác thải, phế liệu “ăn hàng” từ các công ty trong vùng rồi bán lại cho người có nhu cầu hoặc các cơ sở kinh doanh khác mà không qua phương thức tẩy rửa nào. Chủ một cơ sở thu mua phế liệu tại ấp Thái Hoà (xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom) cho biết: “Để mua được các phuy, thùng từ công ty thì phải qua nhiều mối trung gian. Phải móc nối với công nhân ở các công ty mới có thể mua được hàng”.
Tại một điểm bán thùng, phuy có tên T.V trên đường Nguyễn Ái Quốc (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa), cơ sở này có đến hàng chục chiếc thùng, phuy lớn nhỏ bày la liệt từ ngoài vào trong. Ngoài số thùng, phuy đã được súc rửa đem bán, cơ sở này còn chứa nhiều thùng khác vừa nhập về, chưa được súc rửa, có mùi hắc nồng như mùi thuốc tẩy. Người bán hàng cho biết: “Ở đây bán các loại phuy, thùng lớn nhỏ. Những cái đem bán đều được tôi súc rửa bằng bột giặt, có thể dùng đựng nước an toàn. Nếu mua về vẫn còn mùi thì chỉ cần súc lại bằng bột giặt hoặc đổ nước vào ngâm thêm vài ngày là sẽ sạch ngay. Mua về dùng làm phao kết bè cá thì khỏi súc rửa, chỉ cần bịt kín miệng thùng rồi thả xuống sông là xong. Tôi đã dùng hai thùng nhựa loại 1.000 lít đựng nước sinh hoạt, không ảnh hưởng gì nên cứ yên tâm”.
Trong khi đó, trên đường 25B, đoạn nối từ quốc lộ 51 vào một đoạn khoảng 2km có khoảng 5 điểm mua bán các loại thùng phế thải. Hầu hết các điểm này đều để biển thu mua phế liệu. Qua quan sát, có thể thấy các loại can nhựa, thùng, phuy nhựa được xếp thành đống ngay giữa sân các điểm thu mua, một số điểm thì “kín đáo” hơn khi dùng bạt để che đậy trong thời gian chờ người mua. “Các loại thùng này chủ yếu bán cho người dân dùng đựng nước, đựng bột hoặc các loại nông sản, mua số lượng lớn thì chủ yếu dùng để làm bè nuôi cá. Khách hàng trong tỉnh cũng có mà ở Bà Rịa – Vũng Tàu lên cũng có”, một chủ của hàng phế liệu trên đường 25B cho biết.
Kiểm soát chưa chặt chẽ
Ông Nguyễn Ngọc Thường – PGĐ Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở do UBND tỉnh cấp phép và 5 cơ sở có trụ sở, cơ sở xử lý được Tổng cục Môi trường cấp phép, có chức năng, thu gom, xử lý chất thải nguy hại (bao gồm bao bì nhiễm thành phần nguy hại). Chính vì vậy, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng mua bán trái phép chất thải công nghiệp độc hại vẫn diễn ra là do việc chuyển giao chất thải nguy hại giữa các doanh nghiệp với chủ hành nghề quản lý chất thải còn thiếu chặt chẽ. Các doanh nghiệp chưa thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc chuyển giao chất thải nguy hại (bao bì nhiễm thành phần nguy hại) với chủ hành nghề quản lý chất thải nguy hại, dẫn đến việc thất thoát các bao bì nhiễm thành phần nguy hại.
Sở TN&MT Đồng Nai cho biết, các loại bao bì, rác thải công nghiệp nguy hại có thể gây rủi ro về sức khoẻ cho người sử dụng tức thời hoặc lâu dài; nhẹ thì gây kích ứng, có thể gây sưng hoặc viêm khi tiếp xúc với da hoặc màng nhầy, gây rủi ro về sức khỏe ở mức độ thấp thông qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da; nặng hơn có thể gây tử vong, tổn thương nghiêm trọng. Nghiêm trọng hơn, việc sử dụng các loại thùng này để đựng nước sinh hoạt, nông sản có thể gây bệnh ung thư, gây đột biến gen và gây độc cho sinh sản thông qua đường ăn uống, hô hấp hoặc qua da. Ngoài ra, nó còn gây tác hại nhanh chóng hoặc từ từ đối với môi trường và các hệ sinh vật thông qua tích luỹ sinh học.
Cũng theo ông Thường, để khắc phục việc mua, sử dụng các loại bao bì hóa chất, Sở đã phối hợp với UBND các huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các điểm thu mua phế liệu. Đồng thời, tăng cường thực hiện các đợt tuyên truyền, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc quản lý chất thải nguy hại, qua đó hướng dẫn doanh nghiệp thu gom, lưu giữ các chủng loại chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã chỉ đạo UBND các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom và TP.Biên Hòa thực hiện kiểm tra các cơ sở thu mua phế liệu và tiến hành đình chỉ hoạt động, di dời các cơ sở không có giấy đăng ký kinh doanh và thủ tục môi trường.
Xem thêm
-
Ô nhiễm từ ngành thép: Ai chịu trách nhiệm?
-
Ô nhiễm ở quận Hai Bà Trưng, khổ dân ở quận Hoàng Mai!
-
Sống chung với... ô nhiễm
-
Quảng Ngãi: Nông dân khốn đốn vì cá chết hàng loạt
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét