PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

Kỳ 2: Lãnh đạo quần chúng nổi dậy, giải phóng Sài Gòn trong nguyên vẹn

Kỳ 2: Lãnh đạo quần chúng nổi dậy, giải phóng Sài Gòn trong nguyên vẹn

Kỳ 2: Lãnh đạo quần chúng nổi dậy, giải phóng Sài Gòn trong nguyên vẹn


Đồng chí Trần Quốc Hương (đứng giữa), đồng chí Nguyễn Hữu Khánh Duy (bên trái), đại tá Năm Hiền (bên phải) và đồng chí Võ Vân (đứng sau).


Kết hợp giữa lực lượng quân sự và lực lượng vũ trang, những ngày cuối tháng 4.1975 lịch sử, toàn bộ quần chúng trong các Lõm chính trị Bảy Hiền Điệp báo A10 (nay thuộc phường 11, quận Bình Thạnh, TPHCM) đã nhất tề xông lên, tiến về các cơ quan đầu não của địch, vận động binh sĩ buông súng đầu hàng, giữ vững các mục tiêu chiến lược để đón đại quân vào giải phóng thành phố trong nguyên vẹn.



Từ tháng 3.1975, khi tiếng súng vang lên tại các chiến dịch Huế - Đà Nẵng, Chiến dịch Tây Nguyên với khí thế tấn công như vũ bão của Quân Giải phóng, một bộ phận lớn các quân đoàn, sư đoàn chiến lược của địch bị đánh tan rã, tháo chạy về Sài Gòn.


Cảnh binh lính, sỹ quan địch vứt bỏ súng ống, quân trang, tháo chạy trong hoảng loạn đã trở thành nỗi ám ảnh của chế độ Sài Gòn - dù lúc này đang ra rả giọng điệu “tử thủ” nhưng tinh thần đã bắt đầu rệu rã.


Tại Lõm chính trị Bảy Hiền, bà con, binh lính, sĩ quan tan rã từ Buôn Mê Thuột, Quảng Nam - Đà Nẵng, Huế... chạy vào, đem theo nỗi kinh hoàng của cuộc di tản từ Tây Nguyên và miền Trung dưới đạn pháo cuộc chiến lúc này đang đi đến hồi kết.


Trong số đó, tôi (Ba Vũ - NV) có những người bạn là những sĩ quan từ Tây Nguyên chạy về. Tuy đơn vị đã bị Quân Giải phóng đánh cho tan rã nhưng họ vẫn mặc quần áo sĩ quan. Tôi giao cho họ nhiệm vụ cầm sơn đi sơn lấp hình cờ ba que, sơn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận).


Trong những giờ phút chiến thắng đến gần, những cơ sở của tôi như như bà Huỳnh Thị Khóa và Lê Thị A đã nuôi dưỡng, cất giấu tài liệu, cung cấp tin tức và chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh; hai mẹ con bà Nguyễn Thị Nguyên và Nguyễn Nghĩa che giấu, nuôi dưỡng cán bộ điệp báo, cung cấp tin tức, cất giấu tài liệu, cờ Giải phóng, chuẩn bị hậu cần cho khởi nghĩa trong chiến dịch Hồ Chí Minh; bà Kiều Tiên (do Huỳnh Bá Thành giới thiệu) làm giao liên, hộp thư hỏa tốc; anh Võ Văn Tân, Nguyễn Dzạ Lữ và Thân Phúng là trinh sát ngoại tuyến...


Các anh Bùi Tân Trung, Võ Văn Chín, Đặng Công Ngữ (hiện là Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Chủ tịch UBND Huyện đảo Hoàng Sa thuộc Thành Phố Đà Nẵng), Nguyễn Văn, Nguyễn Nhật Quỳnh... tổ chức cùng quần chúng may cờ, sôi sục khí thế chuẩn bị “khởi nghĩa”.


Ngày 23.4.1975, ngay sau khi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đọc diễn văn từ chức, tại Lõm chính trị Bảy Hiền, bà con rất hồ hởi, phấn khởi nhưng cũng rất lo. Phấn khởi vì ngày toàn thắng của cách mạng đã sắp cận kề, nhưng lo sẽ bị bom pháo gây ra đổ nát trong trận chiến cuối cùng này. Nỗi lo càng tăng vì Tổng thống kế nhiệm là Trần Văn Hương đã tuyên bố sẽ “tử chiến”.


Ngày 26.4.1975, có dư luận ông Dương Văn Minh sẽ lên thay Trần Văn Hương, bà con Lõm Bảy Hiền cho rằng ông Minh là người ôn hòa. Biết anh Thành là nhà báo yêu nước, bà con Bảy Hiền tìm gặp hỏi han tình hình, xem ông Minh lên làm Tổng thống thì có chịu ngừng bắn không? Anh Thành nói rằng phải ngừng bắn. Dù vậy, Đài phát thanh Việt Nam Cộng hòa vẫn phát sóng với giọng điệu chống Cộng.


Lúc 16h30 ngày 28.4.1975, ông Dương Văn Minh nhận bàn giao chính quyền từ Trần Văn Hương, chính thức trở thành Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Sau lễ nhậm chức của ông Minh khoảng 30 phút, phi trường Tân Sơn Nhất bị dội những quả bom từ máy bay A37 do phi công - Anh hùng LLVT Nguyễn Thành Trung xuất phát từ sân bay Thành Sơn vào oanh kích.


Cả Sài Gòn nói chung, khu vực Bảy Hiền nói riêng trở nên rúng động, náo loạn sau những tiếng bom ấy. Cũng từ thời điểm đó, giọng điệu trên Đài Phát thanh Việt Nam Cộng hòa đã có những lời lẽ ôn hòa hơn.


Chiều tối 28.4, anh Huỳnh Huề (bí danh Ba Hoàng) - lúc đó là cán bộ phụ trách của A10 - cùng tôi đến thăm anh Huỳnh Bá Thành. Lúc này, tuy rất bận nhưng anh Thành vẫn tranh thủ về ăn cơm tối với con gái, bé Huỳnh Bá Lai Vu lúc đó chưa đầy 1 tuổi. Khi chúng tôi đến thì đã thấy bà con Bảy Hiền có mặt ở đó rất đông.


Anh Thành nói Tổng thống Dương Văn Minh đang thương lượng để ngừng bắn, bà con Bảy Hiền tin tưởng và yên tâm hơn. Tôi nhớ lúc đó, mẹ anh Thành nói xen vô, giọng Quảng đặc sệt: “Còn cái chi mô mà thương với lượng. Mi vô nói ông Minh đầu hàng cái là xong, chớ Cách mạng có xe tăng, pháo đoàn tau thấy ở miền Trung vô số, lại còn máy bay thả bom nữa”.


Ngày 29.4.1975, lực lượng nòng cốt của Lõm chính trị Điệp báo A10 đã xóa sạch cờ 3 sọc của chính quyền Sài Gòn; đồng thời sơn cờ Mặt trận trên khắp khu vực Bảy Hiền và đã chuẩn bị hậu cần khá đầy đủ với khí thế cách mạng sục sôi.


Khoảng 6 giờ sáng ngày 30.4, tôi đã truyền đạt chỉ đạo của lãnh đạo Cụm Điệp báo A10 cho các anh, chị em cơ sở và đưa thêm anh Lê Văn Ngô (Ba Khôi) vào Lõm chính trị Điệp báo A10 rồi giao nhiệm vụ phối hợp cùng với nhân dân Bảy Hiền chủ động phát loa phóng thanh và phất cờ Mặt trận, kêu gọi toàn dân đứng lên làm chủ vận mệnh đất nước, tước vũ khí của quân Việt Nam Cộng hòa gồm hàng trăm súng ống các loại, hàng ngàn viên đạn, lựu đạn, M79,… buộc binh lính, sĩ quan quân đội VNCH cởi bỏ quân phục đầu hàng vô điều kiện; đồng thời chiếm lĩnh các trụ sở của chính quyền Sài Gòn tại địa phương, hạ cờ 3 sọc xuống, treo cờ Mặt trận với băng rôn, khẩu hiệu của chính quyền cách mạng lên.


Cả khu vực Bảy Hiền lúc này là rừng cờ Mặt trận tung bay từ trụ sở chính quyền đến các nhà dân và khắp các nẻo đường.


Khoảng 9h cùng ngày, anh Ba Hoàng cùng anh Lương Mạnh Dũng (cán bộ Điệp báo A10) ngồi trên chiếc xe Zeep do một sĩ quan quân cảnh là cơ sở của Điệp báo A10 cầm lái, chạy lên khu vực Bảy Hiền để dẫn đầu lực lượng quần chúng cùng tiến về hướng Dinh Tổng thống của chính quyền SG, góp một phần nhỏ trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Lõm chính trị Bảy Hiền Điệp báo A10 đã cùng nhân dân khu vực Bảy Hiền với tinh thần quật khởi và khí thế cách mạng sục sôi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã có công rất lớn là nổi dậy làm chủ tình hình giành lấy chính quyền tại khu vực Bảy Hiền, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.


Với những chiến công đó, tập thể Lõm chính trị Bảy Hiền Cụm Điệp báo A10 đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Tập thể Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Chủ tịch Nước trao tặng vào năm 2013.


(Ghi theo lời kể của đồng chí Võ Vân - bí danh Ba Vũ - Điệp báo A10)



Tin bài liên quan




  • Không có sự hy sinh nào vì tổ quốc bị lãng quên




  • Chọn “Con dấu chủ quyền của đất nước Việt Nam” xây dựng nhà trưng bày Hoàng Sa




  • Chưa tới lễ kỷ niệm 30.4 và 1.5 đã loạn trông giữ xe quá giá!?




  • Vũng Tàu: Đặt tên đường Trường Sa, Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp










via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét