PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Gặp lại người đàn ông mang khuôn mặt của “quỷ”: Tái sinh

Gặp lại người đàn ông mang khuôn mặt của “quỷ”: Tái sinh

Vợ chồng anh chị Võ Văn Khứ và Hồ Thị The.


Giờ đây, nụ cười của anh Võ Văn Khứ tuy hom hem như một cụ ông cổ lai hy nhưng khá rạng rỡ. Khuôn mặt của người đàn ông chỉ mới trên 50 tuổi này vẫn còn nhiều khiếm khuyết nhưng dẫu sao thì cũng đã “dễ nhìn” hơn lần tôi gặp anh cách nay gần hai năm.



Chị Hồ Thị The, vợ anh, cười tươi rói... ghẹo chồng: “Từ hôm anh ấy xuất viện về nhà đến nay, tui thấy cái gương nhà tui nó… mòn lõm!”.


Xin thôi làm việc xã vì “khuôn mặt quỷ”


Niềm vui lộ trên gương mặt Võ Văn Khứ nhưng trong câu chuyện với tôi, anh vẫn không thể khỏa lấp hết sự buồn tủi túc trực hơn ba chục năm qua: “Trong làng, thấy tui bị tật, nhiều người thương, nhưng cũng không phải là không có những kẻ độc miệng ác mồm bảo rằng chắc tại kiếp trước tui sống ác nên bây giờ mới bị trời hành.


Rồi, cũng có người bảo rằng do “động mồ động mả” nên mới vậy. Còn lũ trẻ con, những đứa nhìn đã quen mắt thì không nói gì, những đứa lâu lâu mới gặp tui thì khóc thét lên. Thật khổ thân, anh à…”.











Người đàn ông “mặt quỷ” đã có cuộc sống mới với gương

mặt dễ nhìn hơn trước đây.

Võ Văn Khứ tuy sống ở nông thôn và khá chân chất nhưng vốn không phải là chàng trai nhút nhát. Tham gia công tác ở xã, Khứ là một dân quân khá xông xáo, hết mình vì công việc nên được các anh, các chú cán bộ đi trước cùng làm việc trong xã rất quý mến. Với người dân trong làng trong xóm, anh dân quân Võ Văn Khứ lúc đầu và sau đó là xã đội phó Võ Văn Khứ luôn biết ứng xử phải trái nên anh luôn được mọi người xem như là “người của làng”.


Cuộc sống của Võ Văn Khứ đang yên ả nơi đất núi đầy cát gió ấy bỗng trở nên xáo trộn và thậm chí còn có thể gọi là đầy sóng gió khi trên gương mặt anh xuất hiện nốt nhọt đỏ. Khi cái mụn nhọt phình to thành khối u giống chiếc sừng tê giác mọc lộn ngược từ hốc mũi chui ra cũng là lúc chàng trai Võ Văn Khứ đã hoàn toàn biến thành con người khác. Từ đó, anh không mấy khi ra đường, chỉ suốt ngày quanh quẩn trong nhà và trong khu vườn có hàng rào phủ kín cây xanh nơi hốc núi.


Cũng vì khuôn mặt “quái dị” với “chiếc sừng tê giác lộn ngược”, anh xã đội phó Võ Văn Khứ đã phải xin thôi làm công việc ở xã để về nhà phụ giúp công việc vườn tược cho gia đình. Trở về với cuộc sống nhà nông thuần túy, cứ ngỡ nỗi đau vơi đi phần nào vì sống “khép kín” nhưng không thế, Võ Văn Khứ vẫn cứ hằng ngày đối mặt với khối u quái ác và lời bàn tán xôn xao của nhiều người.


Vợ anh, chị Hồ Thị The nhớ lại: “Hồi đó tui khuyên ảnh là thôi, kệ cho người ta nói gì thì nói, miễn vợ chồng có nhau là vui rồi, không việc gì phải lo sợ lời ong tiếng ve thiên hạ cả. Nhà có vài sào mì sào lúa, làm mấy cũng thiếu trước hụt sau nhưng hai vợ chồng vẫn ăn nhín nhịn thèm để dành dụm chút tiền lo cho anh ấy. Khổ mấy cũng chịu được, miễn sao anh ấy bỏ ngoài tai những lời gièm pha mà vui sống cuộc sống tuy cơ cực nhưng có vợ có chồng là được!”.


Thế nhưng khoảng 5 năm gần đây, khối u như “cái sừng con tê giác” trên mặt anh Võ Văn Khứ bỗng lớn ra một cách dị thường. Đến lúc này, vợ anh buộc phải lên tiếng: “Không có tiền chữa chạy thì cũng đi khám để bác sĩ kết luận nó là cái gì, để cho thiên hạ không còn bảo rằng anh bị con ma nó hành!”.


Gom số tiền dành dụm rồi chạy khắp nơi mượn được khoản tiền nhỏ, hai vợ chồng dắt nhau vào Bệnh viện Quy Nhơn (Bình Định). Bác sĩ kết luận bệnh nhân Võ Văn Khứ bị u nguyên bào men vùng mặt. Đây là loại u lành nhưng rất hiếm gặp. Bởi là u lành nên việc phẫu thuật không quá khó. Rồi, bác sĩ khuyên bệnh nhân Khứ nên phẫu thuật chứ nếu không, khối u ngày một lớn, khó xử lý. Nếu để nó bị mưng mủ thì không những ảnh hưởng tới sức khỏe mà có thể biến chứng thành những thứ bệnh khác khó lường.


“Tôi như được tái sinh”


Gặp lại tôi sau khi khối u vừa được cắt bỏ, anh Võ Văn Khứ không ngớt lời nhờ thông qua báo chí gửi lời cảm ơn chỗ này chỗ nọ. Trong câu chuyện với tôi, anh Khứ luôn nhắc đến tên các vị đại diện các cơ quan đã giúp đỡ mình như Hội Chữ thập đỏ Bình Định, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam..., nên tôi ngầm hiểu ra rằng những thông tin của các cơ quan báo chí đã đến được nơi cần đến.











Hằng ngày, anh Khứ vẫn phải lao động cật lực để kiếm sống.

Anh Khứ không giấu niềm vui: “May quá anh à, mọi chuyện đều tốt đẹp. Nhờ có báo chí, có Hội Chữ thập đỏ tỉnh..., bên ngành y quân đội đã phẫu thuật miễn phí cho tui. Nếu không, nói thiệt là gia đình tui không biết mấy đời mới đủ khoản tiền lớn đến vậy cả!”.


Tôi hỏi anh Khứ: “Tổng chi phí ca phẫu thuật là bao nhiêu?”. Anh Khứ nhớ nằm lòng: “Bệnh viện T.ƯQĐ 108 tốn 78 triệu đồng, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 là 32 triệu đồng. Hôm tôi xuất viện về nhà, các cơ quan hội chữ thập đỏ và hội nạn nhân chất độc màu da cam trung ương và tỉnh, Báo Quân đội... có đến thăm và cho 6 triệu đồng”.


Tôi lại hỏi: “Ca phẫu thuật thế nào?”. Anh Khứ: “Mấy bác sĩ bảo đó là ca phẫu thuật không đơn giản. Ca phẫu thuật tiến hành hôm 2.7 vừa rồi, có đến 3 bác sĩ mổ chính; trong đó có bác sĩ Nguyễn Tài Sơn - PGS_TS, Chủ nhiệm khoa Hàm mặt, bác sĩ Nguyễn Quang Trường - Chủ nhiệm khoa Tim mạch Bệnh viện T.ƯQĐ 108… Ca mổ kéo dài hơn 11 tiếng đồng hồ, từ 9 giờ sáng đến 23 giờ đêm. Họ đã cắt bỏ khối u, lấy thịt và một khúc xương từ dưới cẳng chân đắp lên mặt. Về cơ bản, ca mổ đã thành công ngoài mong đợi”.


Vẫn như chẩn đoán trước đây của các bác sĩ dân y, các bác sĩ quân đội sau khi khám đã kết luận bệnh nhân Võ Văn Khứ mắc bệnh u nguyên bào men vùng mặt, phải xử lý gấp. Đặc biệt, khối u đã đến lúc không thể chậm trễ hơn, nếu không, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.


Anh Khứ kể lại: “Sau mổ, bác sĩ Sơn nói với tui là mặc dầu đây là khối u lành nhưng vì để quá lâu nên nó dẫu lành cũng đến lúc gây nguy hiểm cho tính mạng của tui. May mà còn kịp, nếu không tui chỉ được sống khoảng 2 năm nữa thôi! Nghe mà sợ! Vậy là cái số tui vẫn còn may, phải không anh?”.


Anh nói thêm: “Bây giờ, dẫu xấu xấu thế này nhưng cũng đã dễ nhìn rồi, không còn là “mặt quỷ” nữa! Đặc biệt là giờ đây, tui không là “ông kẹ” bất đắc dĩ của lũ trẻ con nhà hàng xóm! Tui như được tái sinh, anh à!”. Chị vợ lại cười tươi: “Cái gương nhà tui chỉ mới mấy tháng nay thôi mà... mòn lõm rồi mà!”.


Bất chợt, giọng anh Khứ chùng xuống: “Nhưng mà cũng còn lo lắm chứ anh! Hôm cuối tháng 9 vừa rồi xuất viện về nhà, mấy bác sĩ Bệnh viện T.ƯQĐ 108 hẹn 6 tháng sau tái khám. Cùng với tái khám là xem xét để xử lý phần tiếp theo là làm lại hai hàm răng và cánh mũi cho tui. Cùng với đó là xử lý phần cẳng chân bị hoại tử sau khi mổ lấy xương và thịt đắp lên khuôn mặt…”.


Thì ra, ở lần phẫu thuật vừa rồi, trong khi mổ lấy thịt và một đoạn xương cẳng chân của anh Khứ, vết thương đã mưng mủ và chỗ mổ bị hoại tử. Đưa cao vết thương ở cẳng chân bên trái, anh Khứ nói: “Mấy hôm nay trở trời, nó có vẻ đau nhức. Nhưng tui nghĩ, quan trọng hơn vẫn là cái mặt. Ở cái mặt, bác sĩ bảo phải làm thêm cánh mũi và hai hàm răng. Chi phí khoảng 60 triệu đồng...”.


Nghe chồng nhắc đến chuyện này, chị The giọng trở nên buồn: “Vừa rồi, nếu không có quý cơ quan giúp thì chồng tui chắc phải chấp nhận mang khuôn mặt của “quỷ” đến suốt đời. May mà... Giờ, phải đi làm cánh mũi và hàm răng, chả nhẽ lại phải tiếp tục nhờ vả người ta nữa sao; mà, kinh tế gia đình thì gần như khánh kiệt qua đợt mổ vừa rồi. Nói thiệt với anh, chỉ riêng chi phí tàu xe và ăn uống đợt vừa rồi cũng đã khiến gia đình tui giờ hổng còn gì hết...”.


Mặt trời đã khuất sau dãy núi phía tây của thôn Thạch Bàn Tây. Tiễn khách ra về, người vừa được giải phóng khỏi “gương mặt quỷ” Võ Văn Khứ lại cà nhắc ra phía hàng rào trước nhà lúi cúi với công việc không tên. Cái dáng nhỏ thó của anh lại khuất hẳn trong mấy lùm cây bụi rậm rạp.


Giờ là cuối tháng 11, anh Khứ vừa được xuất viện hơn một tháng, vậy là còn hơn 4 tháng nữa đến ngày tái khám như lời hẹn của bác sĩ Bệnh viện T.ƯQĐ 108 ở Hà Nội. Với người vừa được giải phóng “khuôn mặt quỷ” Võ Văn Khứ, thời gian từ nay đến ngày tái khám dài hay ngắn là tùy thuộc vào khoản tiền 60 triệu đồng chi phí cho việc “làm bộ răng và cánh mũi”. Và, câu nói của người đàn ông từng mang khuôn mặt của “quỷ” bên góc khuất cánh rừng Thạch Bàn Tây ấy cứ ám ảnh tôi: “Hay là thôi hả anh, cứ chịu xấu xấu thế này cũng được rồi?”.


Trước câu hỏi rất thân phận ấy của người đàn ông “mặt quỷ”, tôi đã im lặng!







via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét