Các con, cháu dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 20.11.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ký ức của hai người con gái - bà Võ Hòa Bình và Võ Hạnh Phúc - là người cha hết mực yêu thương con cháu và một vị tướng luôn đau đáu vì nước, vì dân.
Bà Võ Hòa Bình - con gái đầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - cho biết, lúc sinh thời Đại tướng từng nói “còn sống ngày nào cũng là vì đất nước, vì nhân dân ngày đó”. Còn bà Võ Hạnh Phúc kể: “Trong những ngày nằm viện (1.559 ngày), ông đau đáu rằng dân tộc mình giữ nước rất giỏi nhưng dựng nước chưa bằng các nước khác. Ông chỉ mong thế hệ trẻ và con cháu chăm lo cho nước mình giàu mạnh hơn”.
Bà Bình nhớ lại: “Thường trên báo có tin tức gì nổi bật hoặc các thành tựu của đất nước, chúng tôi đều đưa cho ông. Rất nhiều dịp lễ, hội như 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản của thế giới, các đội Olympic Việt Nam đi thi đấu đoạt huy chương..., chúng tôi đều đưa báo cho ông xem, ông vẫn đọc được những hàng tít đó. Thời gian cuối ông yếu, nhưng mỗi lần cho ông xem tin vui, ảnh đẹp, ông rất mừng... Ông thích nhất hoa lan, lúc khỏe ông thường chăm lan trong vườn nhà, nhưng sau này khi đã yếu cứ có hoa nở là con cháu chụp ảnh hoa cho ông xem. Trong vườn nhà có nhiều giò lan là từ bộ đội các vùng gửi về biếu ông”...
“Ông và bà không bày tỏ quan điểm giáo dục là phải thế này thế kia. Riêng mẹ tôi, bà uốn nắn các con từ rất nhỏ, từ lời ăn, tiếng nói, từ cách cư xử. Ông cũng thống nhất, nhưng riêng chúng tôi mà đánh con là cha tôi phản đối, không đồng ý và ông góp ý là giáo dục phải bằng tấm lòng. Ông bà đã giáo dục chúng tôi bằng cả tấm gương cuộc đời của chính mình”.
Bà Phúc gợi lại ký ức về người cha thân yêu: “Ông chỉ dạy đúng 5 điều Bác Hồ dạy và phải học thuộc chứ không nhấn vào bất cứ điều nào. Tuy nhiên trong thâm tâm, tôi cảm nhận ông luôn muốn đoàn kết. Có lần cả gia đình đi nghỉ tại Tam Đảo, các cháu chơi trò trận giả với 4 cây gậy. Ông nhìn thấy và nói “sao các cháu lại đánh nhau”. Ông tiến đến bẻ cả 4 cây gậy và nói chị em phải thương yêu, không được đánh nhau. Tôi cảm thấy ông học được điều gì từ Bác đều truyền lại cho các con, các cháu”. “Lúc còn sống, ông rất quan tâm đến tình hình thời sự trong nước. Ông nói về thủy điện, bảo rằng cần phải cân nhắc kỹ. Ông cũng luôn đau đáu về vấn đề giáo dục và bảo vệ môi trường. Bản thân ông không lúc nào ngừng học. Năm 1997, khi bắt đầu có Internet ở Việt Nam, ông cũng tìm hiểu, sử dụng để mở mang kiến thức.
Năm 2008, tôi nói với ông là tôi đã nhận sổ hưu và hỏi ông nên làm gì. Ông bảo: Con hãy làm giáo dục và bảo vệ môi trường. Giáo dục thì khó, còn bảo vệ môi trường cha tôi chỉ nói 2 chữ: Trồng rừng. Năm ấy lên Điện Biên, khi đi máy bay trở về ông rất buồn, vì nhìn xuống nhiều cánh rừng đã bị chặt đốn và nhiều đồi trọc quá...”.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét