Một ngôi nhà xây dựng trái với mục đích quy hoạch sử dụng đất.
Xã Quang Trung, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định từ lâu được mọi người biết đến với nghề rèn dao, kéo truyền thống nổi tiếng. Sự phát triển của làng nghề đã kéo theo hàng loạt những vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, hàng ngày các hộ dân trong xóm luôn sống trong những âm thanh “nổ óc” của tiếng máy búa rèn.
Trước tình hình trên, năm 2007, UBND tỉnh Nam Định quyết định xây dựng cụm công nghiệp Quang Trung tại khu vực làng Ông Đô nhằm ưu tiên chuyển toàn bộ máy búa rèn ra khỏi khu vực dân sinh sống, tập trung sản xuất phát triển nghề rèn tại cụm công nghiệp.
Năm 2013, cụm công nghiệp được hoàn thành, nhưng người dân trong vùng lại không được ưu tiên mua đất. Đất trong cụm công nghiệp được chính quyền xã Quang Trung bán cho người ngoài, các con buôn đất, để rồi sau này người dân phải mua lại từ chủ đất với giá rất cao. Nhiều người dân do không đủ tiền mua đất lại từ con buôn nên không thể di dời máy búa rèn ra khỏi xóm.
Bà Nguyễn Thi Thoa (xóm hội 2, xã Quang Trung) bức xúc cho biết: “Khi tôi ra đặt tiền cọc mua đất, ông Hoạt - Chủ tịch - bảo đặt 6 triệu đồng, tôi về lấy 6 triệu đồng mang ra thì ông Hoạt lại nói 9 triệu đồng, khi tôi về lấy 9 triệu đồng ra ông Hoạt lại bảo đưa 12 triệu đồng tiền đặt cọc, khi tôi về nhà lấy đủ 12 triệu đồng ra ông Hoạt nói đất đã bán hết. Chính quyền xã cứ lấy lý do này, lý do kia để không bán đất cho tôi”.
Trả lời phóng viên, ông Hoàng Ngọc Quân - Phó Chủ tịch UBND xã Quang Trung - cho rằng: “Lúc bán đất, xã đã thông báo gửi các hộ ra đăng ký mua đất nhưng nhiều hộ đã không đăng ký. Khi không thấy ai ra đăng ký, xã buộc phải bán số đất còn lại cho các hộ bên ngoài”.
Cụm công nghiệp bị "bóp méo"
Khi UBND xã bán đất cho các hộ đăng ký mua đất, chỉ có một số ít các hộ sử dụng với mục đích làm nghề rèn, số còn lại sử dụng vào các ngành nghề như cắt tóc, sửa chữa xe máy, giặt là, buôn cây cảnh, buôn bán bia mộ… trái ngược với mục đích quy hoạch sử dụng đất. Đặc biệt, trong cụm công nghiệp Quang Trung, nhiều hộ dân không xây nhà xưởng để làm nghề rèn mà tự ý xây dựng nhà cao tầng rồi kéo cả gia đình ra đó ở.
Về việc này, ông Hoàng Ngọc Quân cho biết: “Kể ra cũng khó nói bởi mỗi cái máy búa rèn giá 30-40 triệu đồng chứ không phải ít, cho các hộ dân mang gia đình ra đó ở để họ bảo vệ tài sản thì họ mới chịu mua đất trong cụm công nghiệp".
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét