Thông tin từ HĐND tỉnh Hà Tĩnh: “Đến nay, toàn tỉnh giảm được 627 thôn, tổ dân phố... Số cán bộ thôn, tổ dân phố giảm được 5.016 người; ngoài ra còn giảm được trên 8.000 các chức danh khác. Tổng ngân sách hằng năm giảm được 24,885 tỉ đồng”.
Tuy nhiên, việc sáp nhập thôn xóm nhiều nơi không nhận được sự đồng thuận của người dân. Nguyên do thôn xóm đã hình thành từ lâu, bà con đã quen thuộc trong quan hệ, nay sáp nhập khiến xáo trộn trong sinh hoạt. Tâm lý của đội ngũ cán bộ bất an, vì công việc nhiều, nhưng phụ cấp không tăng. Nhiều địa phương, chính quyền phải rất vất vả mới sáp nhập được các thôn. Ông Đặng Công Duẩn (xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc) nói: “Ở xã Tùng Lộc có sáp nhập hai thôn lại với nhau, nhưng người dân không đồng thuận. Hiện nay, có kế hoạch xây dựng nhà văn hoá (NVH) mới, nhưng chưa xây”. Một cán bộ về hưu ở huyện Đức Thọ nói: “Bây giờ hai thôn sáp nhập, mỗi lần đi họp thôn, số lượng hộ đi họp giảm hẳn so với trước, vì nhà văn hoá cách trở; còn nếu đi đủ thì không đủ chỗ… đứng”.
Sáp nhập hai thôn, bớt được vài cán bộ “con con”, nhưng lại sinh ra lãng phí về NVH. Nếu tính trung bình mỗi NVH hết khoảng 500 triệu đồng (chưa kể tiền sử dụng đất), thì tỉnh này sẽ phải chi thêm hơn 300 tỉ đồng.
Thành lập thị xã, ngân sách phải chi bao nhiêu?
Bên cạnh việc sáp nhập thôn để “tiết kiệm ngân sách”, Hà Tĩnh lại tiến hành tách huyện Kỳ Anh để thành lập thị xã mới Hoành Sơn.
Kỳ Anh có diện tích 104.000ha, dân số 183.000 người, 33 đơn vị hành chính cấp xã. Theo dự kiến, thị xã Hoành Sơn sẽ có 18 đơn vị hành chính cấp xã (các xã vùng phía nam huyện Kỳ Anh, bao gồm thị trấn Kỳ Anh), dân số khoảng hơn 90.000 người. Huyện Kỳ Anh sau chia tách còn 15 xã, dân số khoảng hơn 80.000 người. Từ trước đến nay, với một bộ máy, mọi hoạt động của huyện vẫn diễn ra tương đối bình ổn. Nay cũng bộ máy ấy, chỉ còn quản lý chưa đầy 50% dân số và diện tích so với trước.
Tỉnh Hà Tĩnh đã có tờ trình số 61/TTr-UBND ngày 25.2.2014 gửi Thủ tướng Chính phủ xin thành lập TX.Hoành Sơn, mặc dù “một số tiêu chí theo quy định để thành lập TX.Hoành Sơn hiện tại còn chưa đáp ứng”. Hiện chưa có thông tin về việc Thủ tướng trả lời văn bản nói trên, nhưng ngày 2.6.2014, Thủ tướng đã phê duyệt đề án xây dựng vùng nam Hà Tĩnh, bắc Quảng Bình đến năm 2030 (Quyết định 830), trong đó có nội dung hình thành đô thị mới Hoành Sơn.
Buổi hội thảo về đề án điều chỉnh địa giới hành chính huyện Kỳ Anh. |
Việc thành lập một thị xã mới sẽ tạo ra một bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể, cơ quan quân đội, công an, viện kiểm sát, đơn vị sự nghiệp… với rất nhiều biên chế. Ngân sách nhà nước hằng năm phải chi tiêu một khoản rất lớn cho bộ máy này. Ngoài ra, khi mới thành lập thị xã, Nhà nước phải đầu tư lớn để xây dựng cơ sở hạ tầng, trụ sở các cơ quan, đơn vị. Trung tâm huyện Kỳ Anh hiện nay cũng buộc phải di dời, xây dựng tại địa điểm mới, với một nguồn kinh phí không nhỏ. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, việc thành lập thêm một đơn vị hành chính cấp huyện sẽ tạo ra một gánh nặng rất lớn cho ngân sách, trong khi Chính phủ, Quốc hội luôn than phiền về bộ máy công chức quá cồng kềnh.
So với các địa phương khác, Hà Tĩnh là một tỉnh nhỏ (diện tích xếp thứ 4 vùng Bắc Trung Bộ), dân số ít, mới tách thêm hai huyện là Lộc Hà và Vũ Quang, nay tiếp tục chia nhỏ đơn vị hành chính của mình. Hiện Hà Tĩnh vẫn chưa tự cân đối được ngân sách (nguồn thu của tỉnh mới đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu). Tách huyện, bên cạnh việc tiêu tốn ngân sách, phải gồng mình lên nuôi một bộ máy cồng kềnh, người dân sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh địa chỉ, hộ khẩu, CMND… và nhiều rắc rối khác. Một cán bộ về hưu ở Đức Thọ nói: “Việc thành lập thị xã này ở tỉnh có mục đích thu hút đầu tư, để có phần trăm, rồi khi sắp xếp bộ máy cũng có lợi ích cả”.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét