Như Lao Động đã thông tin: Sáng 27.11, khi đang làm thủ tục dự kỳ thi tốt nghiệp, 22 sinh viên lớp chuyên tu Dược K10D bất ngờ nhận được quyết định số 1652, ngày 26.11, do ông Nguyễn Văn Sơn - Hiệu trưởng Đại học Y - Dược Thái Nguyên - ký, với nội dung: “Tạm đình chỉ thi tốt nghiệp đối với 22 sinh viên vì đã giả mạo hồ sơ, vi phạm quy chế tuyển sinh”.
Cụm từ “giả mạo hồ sơ” quá nặng nề đối với 22 sinh viên này. Quá trình tìm hiểu thông tin từ các bên, chúng tôi nhận thấy các sinh viên này không giả mạo bằng cấp. Họ đều có bằng trung cấp, cao đẳng ngành dược, đều từng làm việc trong ngành dược với thời gian đủ dài theo quy định (2 năm) và đều đạt các tiêu chuẩn trong quá trình thi tuyển, học tập. Điều sai sót duy nhất của họ, theo Thông tư 06 năm 2008 của Bộ Y tế quy định, một trong những tiêu chí để được liên thông đại học ngành dược là phải công tác theo đúng chuyên ngành được đào tạo với thời gian 24 tháng trở lên; hoặc đang trực tiếp sản xuất, pha chế dược phẩm, vaccine, sinh phẩm y tế và đã làm công việc này 24 tháng trở lên.
Sinh viên Vũ Thị Hằng (lớp Dược K10D) tâm sự: “Trước khi thi liên thông, chúng em đều có bằng trung cấp, cao đẳng và đều làm việc trong ngành dược, có thẻ hành nghề do Sở Y tế các tỉnh cấp. Tuy vậy, đại đa số đều làm trong các hiệu thuốc không có con dấu, quá trình công tác với các nhà thuốc đều là cộng tác viên của các DN kinh doanh dược phẩm nên khi đi thi chúng em xin dấu của công ty mình làm cộng tác viên để đi thi. Khi làm hồ sơ, không ai biết, không ai nghĩ đây là hành vi giả mạo, mà nếu xác định đây là hành vi giả mạo thì có quá nhiều người mắc. Chỉ vì việc này mà công sức học tập của chúng em “đổ xuống sông xuống biển” thì bất công quá”.
Cách nào để sinh viên khỏi “ra đường”?
Quá trình tiếp xúc với 22 sinh viên bị đình chỉ thi tốt nghiệp, chúng tôi nhận thấy họ đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí trả giá để theo học lớp liên thông đại học. Theo yêu cầu, đây là lớp học tập trung, sinh viên phải học liên tục như đối với sinh viên hệ chính quy nên họ phải bỏ công việc, từ nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Dương, Lào Cai, Vĩnh Phúc… để về Hải Phòng theo học. Có những sinh viên phải trả giá bằng hạnh phúc gia đình, có người chật vật mưu sinh khi phải đến Hải Phòng thuê nhà ở trọ.
Đáng thương nhất phải kể đến sinh viên Lưu Thị Thùy - bị bại liệt từ nhỏ. Sau khi học xong hệ trung cấp dược, Thùy không thể xin vào được cơ quan nào, được bố mẹ mở cho hiệu thuốc nhỏ. Lấy chồng là bộ đội hải quân công tác biền biệt tại Trường Sa, nên suốt 4 năm theo học, cô phải nhờ bố đẻ hằng ngày chở đi. Khi sắp nhận được thành quả thì nhận được quyết định đình chỉ thi, vì khi thi vào trường, do không có con dấu nên Thùy đã xin dấu xác nhận của DN cung cấp thuốc cho cửa hiệu.
“Gỡ khó” cho 22 sinh viên, một cán bộ Trường Đại học Y - Dược Hải Phòng tâm sự: Các sinh viên này đều có quá trình học tập tốt, nay chỉ vì sai sót không lớn trong hồ sơ mà mất cả 4 năm công sức và tiền bạc theo học, thì quá nặng nề. Lãnh đạo 2 trường đại học (Y - Dược Thái Nguyên và Y - Dược Hải Phòng) nên bàn bạc, kiến nghị 2 bộ có hướng tháo gỡ vướng mắc này. Với thiếu sót trong hồ sơ đầu vào chỉ là sinh viên thiếu thời gian công tác trong ngành dược theo quy định, phương án là nên vẫn để cho các em thi tốt nghiệp nhưng “treo bằng”. Sinh viên sau khi tốt nghiệp phải đi làm tại các cơ quan đủ thời gian quy định, khi có xác nhận đủ thời gian công tác của các cơ quan, DN, nhà trường sẽ cấp bằng cho sinh viên.
Ý kiến trên đã nhận được sự đồng thuận cao của các sinh viên.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét