Về công ước cho người khuyết tật, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết hiện số người khuyết tật ở Việt Nam trên 7 triệu người, số lượng rất lớn và đòi hỏi ngân sách không nhỏ. Ở các nước phát triển, đời sống người khuyết tật được chú trọng, họ được ưu tiên và đâu đâu cũng nhìn thấy sự ưu tiên đó. "Nhà 2 tầng thôi cũng có chỗ lên cho người khuyết tật; xe buýt cũng có chỗ riêng cho người khuyết tật; thậm chí chỗ đỗ xe đã kín song chỗ dành cho người khuyết tật vẫn để trống" - đại biểu Cương dẫn chứng.
Ở VN, thời gian qua Chính phủ đã quan tâm nhiều tới người khuyết tật song hiện nay chưa được như mong muốn, sự quan tâm vẫn còn ít ỏi. "Làm sao để ý thức của tất cả được quan tâm tới người khuyết tật cũng khó, đơn giản như việc sang đường, người bình thường cũng sợ huống hồ là người khuyết tật. Thói quen không nhường nhịn đã ăn sâu vào tất cả mọi người" - đại biểu Cương chia sẻ.
ĐB Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) nói rằng, cần làm cho toàn xã hội nhận thức rõ khát vọng của người khuyết tật là hoà nhập với môi trường sống và người xung quanh; toàn xã hội tạo điều kiện để người khuyết tật thực hiện các quyền của mình. Đồng thời, cần tạo ra một môi trường thuận lợi để người khuyết tật tham gia học tập, phát triển, lựa chọn công việc phù hợp bởi thực tế chứng minh, người khuyết tật có thể lao động sáng tạo, tự nuôi sống mình và đóng góp cho xã hội, đất nước.
Trong buổi chiều ngày 24.11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi) và nghị quyết thi hành Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và nghị quyết thi hành Luật Tổ chức viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) với số phiếu đồng thuận cao.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét