TKTS-64786-1.jpg Ngày 12.11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí. Ảnh: TTXVN
Sau 15 năm thi hành Luật Báo chí, báo chí nước ta đã có sự phát triển mạnh về số lượng ấn phẩm, số kênh phát thanh, truyền hình, loại hình và chất lượng thông tin, nguồn nhân lực và kinh tế báo chí. Luật Báo chí năm 1999 được ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển, các nhà báo hoạt động có hiệu quả hơn. Nhiều cơ quan báo chí đã năng động, đổi mới, thích nghi với cơ chế thị trường, định hướng XHCN. Nhiều cơ quan báo chí nhờ có nguồn thu cao đã đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường thiết bị chất lượng cao, tăng thu nhập cho người làm báo để nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí
Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí và một số nhà báo còn có biểu hiện chưa nghiêm túc trong việc thực thi Luật Báo chí, làm hạn chế đến tính hiệu quả của báo chí: Không thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; thông tin giật gân, câu khách, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng. Không ít ấn phẩm phụ của báo in và báo điện tử đưa quá nhiều tin tiêu cực, giật gân, trái thuần phong mỹ tục, miêu tả quá chi tiết các hành vi tội ác mà chưa chú trọng phản ánh các gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, các thành tựu kinh tế - xã hội, gây cảm giác nặng nề u ám trong đời sống xã hội.
Không ít cơ quan báo chí (nhất là báo điện tử) buông lỏng khâu thẩm định nguồn tin dẫn đến sai phạm; việc cải chính chưa được thực hiện nghiêm túc; khai thác thông tin nước ngoài thiếu chọn lọc; tự ý lấy tin - bài - hình ảnh của báo khác mà không xin phép hoặc không dẫn nguồn, gây nên sự bất bình ngay trong báo giới…
Một số nhà báo đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi lợi dụng danh nghĩa công việc để trục lợi, sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp…
Người dân cũng đã ý thức rõ ràng về quyền được thông tin. Tuy nhiên, một số địa phương, đơn vị, cá nhân chưa thực hiện đầy đủ những quy định của pháp luật về báo chí, né tránh hoặc tìm cách không cung cấp thông tin cho báo chí. Nhiều trường hợp còn cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ phương tiện làm việc của nhà báo, thậm chí còn quá khích đòi hành hung nhà báo. Nhiều trường hợp chưa được xử lý thỏa đáng gây bất bình trong báo giới và dư luận...
Thực tế hoạt động báo chí qua 15 năm thi hành Luật Báo chí, cùng với việc hội tụ về công nghệ giữa viễn thông, truyền thông và internet diễn ra mạnh mẽ hiện nay, đã nảy sinh nhiều vấn đề mới, đòi hỏi cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí thay thế Luật Báo chí năm 1989 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, nhiều lãnh đạo cơ quan báo chí cho rằng, Luật báo chí hiện hành sau 15 năm thực hiện đã có nhiều điểm không còn phù hợp vì sự phát triển quá nhanh của hoạt động báo chí cả về số lượng, loại hình và chất lượng thông tin. Việc nhanh chóng xây dựng một bộ luật mới cho hoạt động báo chí là đòi hỏi khách quan và cấp thiết. Để luật có tính khả thi cao, sát thực tiễn, nhiều đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần có đại diện của một số cơ quan báo chí và dự thảo phải được lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan báo chí và nhân dân.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét