PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

Những chuyện kỳ bí trên con đèo B’Lao huyền thoại: Đừng để con đèo trở nên rùng rợn (kỳ cuối)

Những chuyện kỳ bí trên con đèo B’Lao huyền thoại: Đừng để con đèo trở nên rùng rợn (kỳ cuối)

Những khúc cua lạnh gáy trên đèo Bảo Lộc.


Xứ sở của thần linh

Trần Đại bảo, người Mạ cư trú nhiều nơi trên đất Lâm Đồng nhưng tập trung nhất vẫn là B’Lao -TP.Bảo Lộc ngày nay. Người Mạ ở đây tự gọi mình là “Mạ B’Lao” để phân biệt với người Mạ ở những vùng đất khác. Với quan niệm vạn vật hữu linh, những đỉnh núi, những tảng đá, những con suối róc rách trên vùng đất B’Lao này đối với người Mạ đều có một vị thần ngự trị. Còn nhà nghiên cứu Ninh Thế Hùng thì bảo rằng, chỉ hiểu về cái tên đất, tên suối, tên núi, tên rừng... ở nơi này thôi cũng đủ để phần nào hiểu được những gì thuộc về thế giới siêu nhiên của tộc người bản địa Mạ. Ngày nay, những địa danh ấy của người Mạ vẫn còn tồn tại.


Ví dụ, “Tơng Lú” có nghĩa là thung lũng đá, “Tơng Dờng” có nghĩa là thung lũng mẹ... Xưa, người Mạ sinh sống quanh bên bờ sông Đạ Đờng nhưng ở phía “vùng thấp” Đạ Tẻh (thuộc huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng ngày nay). Khi nhà nước Chămpa ở miền Trung lớn mạnh và vương quốc Phù Nam cũng trỗi dậy ở phía Nam thì tộc người thuộc “vương quốc Mạ” đi dần về phía cao và họ đã chọn đất B’Lao làm nơi dựng nhà, tra hạt. Ngày nay, gần đường đèo Bảo Lộc vẫn còn một cái miếu thờ gọi là miếu Cọp Trắng. Người ta kể rằng, ngày trước, trên đỉnh đèo, dưới một góc cây cổ thụ thường có một con cọp trắng dừng chân. Người dân muốn đi qua đây phải mang lễ vật đến cúng cọp.


Mặc dù từ khi tìm đến được vùng đất B’Lao, cộng đồng người Mạ bắt đầu tăng cường quan hệ với các tộc người bên ngoài, đặc biệt là với cộng đồng các dân tộc miền xuôi trong trao đổi ngà voi, thổ cẩm... để lấy muối, mắm, nên việc đi lại ngang qua vùng đất này ngày càng thường xuyên hơn, nhưng không phải ai cũng biết rằng muốn đi qua “cây cổ thụ ông Cọp Trắng” phải có lễ vật để dâng hiến, nên không ít người đã bỏ mạng.


Sau đó, khi người Pháp bắt đầu mở đường từ Sài Gòn lên Đà Lạt vào năm 1926 và hoàn thành cơ bản vào năm 1927 (đoạn thuộc tỉnh Lâm Đồng ngày nay), trong gần một năm, trong số hơn 400 phu dịch là người Mạ B’Lao cùng với người Cơho, người Stiêng bản địa và cả người Kinh có không ít người đã bỏ mạng trên con đường đèo này và xác của họ hầu như chỉ được chôn cất ngay tại ven con đường mới mở.


Rồi, từ khi con đèo mở ra với một bên là núi cao dựng đứng và một bên là vực sâu thăm thẳm, đã có quá nhiều vụ tai nạn xảy ra. Trong số đó, có những người không tìm thấy xác. Trước khi đèo Bảo Lộc được mở rộng (cuối những năm 90), ai đi ngang qua con đèo này cũng đều rợn người khi cứ vài ba mét là có một chiếc am thờ nghi ngút khói nhang. Bởi vậy, xứ sở B’Lao xưa của người Mạ không chỉ là xứ sở thần linh mà ngày nay, nó còn là xứ sở của ma mị, của những câu chuyện thần bí khó tin...


Đừng để con đèo trở nên rùng rợn


Quả thật, ai đã từng một lần đi ngang qua đèo B’Lao bằng bất kỳ phương tiện nào cũng đều nhận ra sự khiếp hãi của nó. Đèo B’Lao chỉ dài khoảng 10km nhưng có đến 108 khúc cua và độ cao lên đến 932m. Trước năm 1926, không có bất kỳ phương tiện nào ngoài đôi chân trần vượt qua vùng rừng núi hoang vu B’Lao nối cao nguyên B’Lao của người Mạ với vùng đất thấp Đạ Huoai - Đồng Nai này.


Ngày trước, khi con đường đèo chưa được mở ra, người Mạ ở xứ sở thần linh B’Lao muốn trao đổi với thế giới bên ngoài đều phải sử dụng đến phương tiện duy nhất của mình là đôi chân trần. Thường thì sau mỗi mùa tuốt lúa, người Mạ cho vào gùi những sản vật vùng cao và bắt đầu mùa lữ hành về xuôi để đổi mắm muối. Họ đi trong nhiều ngày, đi thành đoàn, lầm lũi, nhẫn nại...


Họ đi từ buôn này sang buôn khác, từ núi này sang núi nọ, và thường là xuyên qua vùng rừng núi B’Lao (nay có đèo Bảo Lộc) để về xuôi. Xuôi về Bình Thuận, họ đổi sản vật rừng để lấy muối. Xuôi về Đồng Nai, họ đổi sản vật rừng để lấy chiêng. Trên đường đi, lúc ngang qua cây thần cổ thụ có miếu thờ thần Cọp Trắng, đoàn người dừng lại làm lễ và có thể nghỉ qua đêm để sáng sớm mai đi tiếp. Một chuyến đi về của người Mạ B’Lao trong mùa lữ hành như thế có khi dài đến hơn hai mươi lần mặt trời mọc lặn.


Đến khi người Pháp mở ra con đường đèo men theo triền núi với một bên là dốc đứng và một bên là vực thẳm này, “con đường về xuôi” của người Mạ B’Lao trở nên dễ dàng hơn. Nhưng có điều là hệ quả của con đường cũng không nhỏ khi đội quân “ăn rừng” (phá rừng) của người Kinh và cả người dân tộc thiểu số ngày một “hùng mạnh” khiến cho môi trường rừng núi của Tây Nguyên ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng.


Ngày trước, khái niệm “trồng rừng” trong cộng đồng người dân tộc thiểu số Tây Nguyên không hề có. Nhưng nay, khi những cánh rừng, trong đó có cả những khu rừng thiêng bất khả xâm phạm, bị tàn phá và khi được cán bộ lâm nghiệp vận động “trồng rừng” thì bà con dân tộc Mạ ở Blá, ở Bsu Đăng Lú, ở Tơng Dờng... sẵn sàng tham gia. Trồng rừng để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ đèo Bảo Lộc; để làm giảm thiểu tai nạn giao thông trên đèo đã trở thành câu chuyện thường nhật của xứ sở thần linh B’Lao này.


Trong câu chuyện trồng rừng ở xứ sở thần linh B’Lao, một nhân vật “kỳ quặc” khiến cho nhiều người ngưỡng mộ là ông Bùi Thọ. Ông Bùi Tho năm nay đã trên 70 tuổi, người Bảo Lộc, là người đầu tiên của cao nguyên thi đậu vào Trường Quốc gia Nông lâm mục ở miền Nam vào năm 1961. Ở Bảo Lộc, Đạ Huoai..., không ai là không biết chuyện về những con voi rừng bị mất môi trường sống nên đã “ly sơn” về phía làng của con người, giẫm đạp hoa màu, phá phách nhà cửa. Để bảo toàn tính mạng cho người dân, chính quyền địa phương có lúc phải “ra lệnh” cho người dân trong vùng rừng không được trú lại ban đêm trong rẫy.


Cũng ở Bảo Lộc, trên con đường đèo với một bên là núi cao chót vót và một bên là vực thẳm sâu hun hút ấy, chẳng mùa mưa nào mà không xảy ra chuyện sạt lở đất đá. Có những trận sạt lở mà ngành giao thông Lâm Đồng phải huy động cả một đội quân hết sức hùng hậu để giải phóng mặt đường trong vài tiếng đồng hồ. Theo lời ông Bùi Tho, khi những cánh rừng lùi dần thì con đường đèo càng trở nên hiểm nguy bởi môi trường ở đó không còn bền vững. Và đó cũng là một trong những lý do mà hằng năm, cứ đến mùa trồng rừng là ông Tho lại lặng lẽ tìm những hạt giống rồi lặng lẽ gieo rải khắp những cánh rừng dọc theo con đèo. Chắc chắn, những cây rừng của ông Tho không bù nổi mức độ tàn phá rừng, nhưng dẫu sao thì lý lẽ của ông vẫn đúng: “Để cho con đèo bớt rùng rợn!”.


Khi tôi ngồi viết những dòng này thì anh Ninh Thế Hùng điện thoại: “Mình và Trần Đại đang chuẩn bị lên đường xuống đèo cùng ông Bùi Tho đây. Ông Bùi Tho sẽ gieo hạt. Còn mình thì chuẩn bị sẵn vài bó nhang để đến các miếu thờ dọc đèo...”. Tôi nói với anh Hùng: “Mong là con đường đèo ấy ngày càng giảm bớt những rùng rợn bằng chính những việc làm của các anh và ông Tho!”.







via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét