Theo chúng tôi, trước tình hình quy mô trường lớp ngày càng thu hẹp, việc sáp nhập các trường là chủ trương đúng nhằm tinh giản bộ máy, biên chế, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, tiết kiệm ngân sách. Tuy nhiên, việc thực hiện cần hợp lý, đảm bảo điều kiện học tập của HS không bị ảnh hưởng. Cách sáp nhập trường theo đúng từng cấp học (THCS sáp nhập về THCS…) sẽ gây ra hậu quả là HS phải đi học quá xa, ảnh hưởng đến sức khỏe, mất thời gian, tốn kém và nguy hiểm. Đặc biệt đối với vùng miền núi, địa bàn rộng, dân cư thiếu tập trung, cách làm nói trên không phù hợp, gây lãng phí lớn về cơ sở vật chất.
Nguyện vọng của người dân địa phương muốn con em mình được học trong ngôi trường có vị trí thuận lợi, là địa chỉ văn hóa quen thuộc mà nhiều thế hệ đã bỏ công sức, tiền của, tâm huyết xây dựng nên hoàn toàn chính đáng. Trường THSC Hương Bình cơ sở vật chất rất tốt, đầy đủ để đảm bảo chất lượng giáo dục, đã được công nhận chuẩn quốc gia giai đoạn 2, địa bàn không lũ lụt. Vì vậy, trong tình hình hiện nay, cần có giải pháp “vẹn cả đôi đường” để vừa thực hiện được chủ trương sáp nhập trường, vừa đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của người dân.
Có hai phương án: Thứ nhất, giải thể, sáp nhập Trường THCS Hương Bình vào trường khác. Tuy nhiên, vẫn giữ lại điểm trường Hương Bình. HS Hương Bình vẫn được học bình thường, ổn định lâu dài tại điểm trường của xã. Phương án thứ hai, sáp nhập Trường THCS và Trường Tiểu học Hương Bình. Cơ sở vật chất vẫn giữ nguyên, bộ máy ban giám hiệu thay đổi gồm một hiệu trưởng phụ trách chung, một hiệu phó phụ trách THCS, một hiệu phó phụ trách tiểu học. Cả hai phương án nói trên đều phù hợp với quy định của Bộ GDĐT tại Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28.3.2011. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nên áp dụng ngay phương án 1. Trong những năm sau, có thể thực hiện phương án 2, sau khi đã tính toán kỹ và bàn bạc với nhân dân.
Cách sáp nhập trường THCS và trường tiểu học thành trường PTCS đã có lịch sử cách đây nhiều chục năm, và hiện nay vẫn tiếp tục được nhiều địa phương áp dụng. Đơn cử như địa bàn huyện Hương Sơn, trước đây khi thực hiện đề án sáp nhập trường, ban đầu huyện chủ trương sáp nhập trường theo đúng cấp học, nhưng bị người dân phản đối vì con em đi học quá xa. Trước tình hình đó, Hương Sơn đã áp dụng mô hình sáp nhập trường THCS và trường tiểu học tại các xã như Sơn Lễ, Sơn Hồng, Sơn Lĩnh. Cách làm này được người dân đồng thuận 100%, giảm được biên chế và tạo thuận lợi cho trẻ đến trường. Tại Nghệ An, do đặc thù xã địa bàn không thuận lợi, huyện Nam Đàn cũng đã sáp nhập trường tiểu học và THCS xã Nam Thượng, và nhiều xã khác cũng làm tương tự, như ở huyện Tân Kỳ.
Việc 600 HS các cấp xã Hương Bình chưa được đến trường là vấn đề nghiêm trọng, đau lòng và không đáng có, nên cần có ngay giải pháp cấp bách để đưa trẻ đến trường. Khẩn thiết đề nghị UBND tỉnh, Sở GDĐT Hà Tĩnh và UBND huyện Hương Khê xem xét giải pháp mở điểm trường THCS tại Hương Bình, hoặc sáp nhập trường tiểu học và THCS Hương Bình, để tạo điều kiện cho các em đến trường cho kịp chương trình.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét