PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Ba, 8 tháng 7, 2014

Rơi nước mắt trước quyết tâm “đăng khoa” của cậu học trò tật nguyền có em bị tự kỷ

Rơi nước mắt trước quyết tâm “đăng khoa” của cậu học trò tật nguyền có em bị tự kỷ

Mai Hoàng hiện đang ở trong ký túc xá Đại học Sư phạm Hà Nội cùng bố trong kỳ thi đại học đợt 2 năm nay.



Sinh ra và lớn lên ở xã Ninh Khánh, TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, Mai Hoàng không may mắn khi đôi chân và đôi tay của em không được khỏe mạnh như bạn bè cùng trang lứa. Những bước đi bước thấp bước cao đầy nhọc nhằn nhưng không ngăn được ham muốn được đến trường, trau dồi tri thức của cậu học trò khuyết tật.


Hoàng kể, số phận đã không mỉm cười với em nhưng cả với cậu em trai năm nay 8 tuổi cũng trở thành gánh nặng cho gia đình khi mắc chứng bệnh tự kỷ từ năm 2 tuổi, hiện vẫn học mẫu giáo. Cả nhà 4 miệng ăn trông cậy vào công việc đồng áng của bố mẹ, cùng với đó là thu nhập chút nào hay chút ấy từ việc sửa chữa đồ điện tại nhà của bố và mẹ ngày ngày đi thu mua phế liệu. Hoàng bảo: “Cuộc sống gia đình lo ăn từng bữa chị ạ. Được địa phương bình xét là hộ nghèo nên gia đình em cũng được miễn giảm một số thứ cũng đỡ đi phần nào”.


Hoàn cảnh gia đình muôn vàn gian khó, bản thân cũng không được lành lặn như người bình thường, Hoàng tâm sự, khi đi học, em được thầy cô, bạn bè giúp đỡ nhiều, nhưng cũng bị nhiều người coi thường, trêu trọc, nên có lúc cũng cảm thấy chán nản.


“Nhưng nghĩ đến bố mẹ vất vả và đứa em trai bị tự kỷ, bố mẹ cũng không thể sống mãi được với mình, thêm vào đó, khi đọc sách những điều cần biết về kỳ thi ĐH-CĐ, thấy Đại học Sư phạm có ngành Giáo dục đặc biệt, trong đó có giáo dục cho trẻ tự kỷ mà em trai em lại mắc bệnh ấy nên em muốn đỗ đại học, theo học ngành này để giúp bố mẹ dạy em trai để nó đỡ phá phách hơn”, Hoàng vừa nói, gương mặt vừa thấm đẫm một nỗi buồn xen lẫn sự lo âu khó gì tả xiết.


Kỳ thi đại học năm 2013, Hoàng đã một lần đánh rơi ước mơ bước chân vào giảng đường. Nhưng với khao khát được giúp đỡ những người khuyết tật hòa nhập cộng đồng và giúp đỡ các em có kiến thức để khi ra ngoài xã hội không va vấp nhiều, đặc biệt là để giúp đỡ em trai mắc căn bệnh tự kỷ, cậu bé tật nguyền lại một lần nữa nộp hồ sơ dự thi ngành Giáo dục đặc biệt của Đại học Sư phạm Hà Nội trong kỳ thi đại học năm nay.


Suốt 1 năm qua, ban ngày Hoàng đi học thêm, buổi tối lại tự ở nhà ôn bài. Em kể, có khi em học bài say mê từ 7 giờ tối đến 2 giờ sáng, sau đó ngủ được vài tiếng đồng hồ lại dậy đi học thêm. Quyết tâm, miệt mài đèn sách đến vậy, nhưng chỉ 1 tháng đây thôi trước khi kỳ thi đại học bắt đầu, Hoàng đã có ý định từ bỏ giấc mơ đại học.


Hoàng chia sẻ: “Càng học em càng thấy bị bão hòa, năm nay, chủ trương ra đề thi của Bô Giáo dục cũng có nhiều thay đổi, em không biết phải ôn thế nào nên thấy nản. Nhưng gọi điện hỏi bạn bè và cô giáo về việc từ bỏ thi đại học thì đều bị mọi người trách mắng. Ai cũng khuyên và động viên em nên tiếp tục theo đuổi ước mơ. Bố mẹ cũng động viên phải cố gắng học để thay đổi số phận. Em đã suy nghĩ lại và lấy lại tinh thần, quyết tâm thi đại học lần nữa”.


Sáng 7.7, Hoàng cùng với bố bắt xe lên Hà Nội “ứng thí”. Ngay từ cổng vào ngôi trường mơ ước, Hoàng đã được các thầy cô và sinh viên tình nguyện của Đại học Sư phạm Hà Nội giúp đỡ, bố trí nơi ăn chốn ở cho hai cha con trong ký túc xá của trường. Các áo xanh tình nguyện của Đại học Sư phạm còn làm “xe ôm”, đưa Hoàng đến nơi làm thủ tục dự thi và cả những ngày thi sắp tới tại trường THPT Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.


Ngoài những phút ưu tư về bản thân và gia đình, gương mặt Hoàng lúc nào cũng rạng rỡ, tươi cười trò chuyện cùng các phụ huynh và bạn bè trong ký túc xá Đại học Sư phạm. Nhìn em, ai cũng xót xa cho số phận của cậu bé tật nguyền, nhưng cũng hy vọng rằng, với sự lạc quan và quyết tâm vượt lên số phận, Hoàng sẽ thực hiện được ước mơ vào đại học.







via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét