Hàng chục giáo viên mầm non tập trung trước phòng Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hoá yêu cầu làm việc.
Với vẻ mặt thất thần, cô giáo Hoàng Thị Tám - nguyên là hiệu trưởng Trường mầm non xã Định Tăng, huyện Yên Định, một trong số đông các giáo viên mầm non tập trung trước phòng làm việc của Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hoá - thở dài ngao ngán cho biết: Các cô là người lao động vào ngành giáo dục từ những năm 1976, đến nay đã có 36, 37 năm công tác trong ngành. Khi đến tuổi về hưu (55 tuổi), không đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc để hưởng lương hưu, các cô đã được hướng dẫn đóng BHXH tự nguyện cho đủ số năm như quy định.
Trong quá trình đóng BHXH tự nguyện, các cô còn được hỗ trợ đóng BHXH, ai cũng vui mừng vì sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cho giáo viên về hưu. Đến khi đã đóng đủ 20 năm BHXH, các cô xin làm chế độ hưởng lương hưu thì “hoảng hốt” nhận được thông tin là toàn bộ chế độ mấy chục năm công tác của các cô chuyển sang hưởng theo chế độ BHXH tự nguyện với mức lương từ 350.000 đồng đến 700.000 đồng - số tiền không đủ mua 1 hộp sữa cho con cháu.
Quá đau lòng với đồng lương “bèo bọt”, các cô đã nhiều lần làm đơn gửi đến các cơ quan cấp ngành, UBND tỉnh Thanh Hoá, nhưng tới nay, “quả bóng trách nhiệm” được đá hết bên này sang bên kia. Mỗi lần như vậy, các cô lại phải thức khuya, dậy sớm, gác công việc, tập trung để mai lên tỉnh, sang BHXH với mong mỏi có câu trả lời thoả đáng, nhưng rồi lại ra về trong sự tuyệt vọng.
Cô giáo Tám cho biết: Cô sinh năm 1958, bắt đầu vào ngành giáo dục năm 1978, đến khi nghỉ hưu cô đã có 36 năm công tác trong ngành giáo dục, 30 năm tuổi Đảng. Suốt quá trình công tác, cô đã nhận được nhiều các danh hiệu, thành tích khác nhau trong ngành giáo dục về công tác đứng lớp cũng như quản lý (trong vai trò hiệu trưởng nhà trường).
Tháng 1.1995, cô được đóng BHXH theo Công văn liên tịch số 2150/GDĐT- BHXH, cá nhân cô được chính quyền địa phương và nhà trường đóng 100% bảo hiểm. Đến năm 2013, cô đủ 55 tuổi, UBND huyện Yên Định có quyết định cho cô nghỉ công tác, chuyển sang chế độ hưu trí. Lúc này, cô có 18 năm 10 tháng đóng BHXH bắt buộc, thiếu 14 tháng để hưởng theo đúng quy định 20 năm. Cô đã được BHXH huyện hướng dẫn đóng BHXH tự nguyện. Tháng 12.2014, cô đủ 20 năm theo quy định. Tuy nhiên, lúc này, mọi chế độ của cô được tính sang hưởng theo chế độ BHXH tự nguyện với số tiền lương 700.000 đồng/tháng.
Cô Tám nghẹn lời cho biết: “Chuyển sang hưởng chế độ của BHXH tự nguyện chúng tôi không còn một danh hiệu gì nữa, sổ lương hưu của chúng tôi chỉ ghi là hưởng lương hưu tự nguyện, có nghĩa là suốt cuộc đời chúng tôi mất cả quyền lợi về chính trị lẫn quyền lợi về kinh tế. Hiện tôi cũng như cả trăm giáo viên khác chưa đồng ý và chấp nhận mức lương trên nên nhiều tháng qua chúng tôi vẫn phải sống dựa vào trợ cấp kinh tế của con cái”.
Hiện trên địa bàn huyện Yên Định có 30 giáo viên, huyện Tĩnh Gia 30 người, Hoằng Hóa 52 người, Hậu Lộc 30 người… được nhận mức lương BHXH tự nguyện từ 320.000 đồng - 700.000 đồng.
Bất cập trong chính sách?
Bà Nguyễn Thị Diệp - Trưởng phòng chế độ BHXH tỉnh Thanh Hóa - cho biết, BHXH tỉnh đã tiếp nhận, trả lời trên 100 hồ sơ các đối tượng là giáo viên mầm non như trường hợp của bà Tám. Theo Công văn liên tịch 2150/GDĐT - BHXH của Bộ GDĐT và BHXH Việt Nam, những đối tượng này khi đủ tuổi đời để về hưu theo luật nhưng số năm công tác trên 15 năm đến dưới 20 năm thì được hỗ trợ kinh phí để đóng BHXH tự nguyện theo Quyết định 45/ 2011/ QĐ- TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 18.8.2011 cho đủ 20 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu hàng tháng.
Trường hợp của các giáo viên mầm non là tổng 20 năm nhưng trong đó có 1 giai đoạn là đóng BHXH bắt buộc và một giai đoạn là đóng BHXH tự nguyện. Đến khi giải quyết chế độ thì theo quy định tại Thông tư số 41/2009/ TT- BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH hướng dẫn thực hiện Thông tư 03/2007/TT-BLĐTBXH ngày 30/1/2007. Tại điểm d của mục 4 nêu rõ “người có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 20 năm trở lên, nếu mức lương hưu hàng tháng sau khi tính theo quy định tại điểm c khoản này mà thấp hơn mức lương tối thiểu chung thì được điều chỉnh bằng mức lương tối thiểu chung”. Theo đó, các giáo viên mầm non như trường hợp bà Tám tham gia BHXH bắt buộc chưa đủ 20 năm, chính vì thế mà khi giải quyết chế độ thì không được bù đủ bằng lương cơ sở (lương tối thiểu). Qua tính toán, BHXH tính mức lương của họ chỉ từ 320.000 đồng - 700.000 đồng/ tháng.
“Bảo hiểm đã có buổi tiếp công dân đầu tiên, sau khi nghe giải thích các văn bản, nhiều cô đã bật khóc. Mà khóc là đúng, các cô đã có thời gian cống hiến, nhưng thời điểm năm 1995 đóng mức bảo hiểm ở mức thấp - 290.000 đồng, do lúc đấy mức đóng 20% quá thấp dẫn đến quyền lợi hưởng cũng thấp. Đó là bất cập về chính sách, khi Quyết định 45 ra đời nó giải quyết bất cấp về chính sách thời điểm ấy, giáo viên ai cũng vui mừng. Tuy nhiên, đến nay thì nó lại trở thành bất cập”, bà Diệp cho biết thêm.
Trước tình hình trên, BHXH tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản số 66/BHXH-CĐBHXH ngày 19.1.2015 báo cáo BHXH Việt Nam và BHXH Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ LĐTBXH về trường hợp này.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét