PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Chủ Nhật, 29 tháng 3, 2015

Kỳ 4: Cuộc đối đầu đẫm máu giữa Đạo Tưởng và chính quyền thực dân

Kỳ 4: Cuộc đối đầu đẫm máu giữa Đạo Tưởng và chính quyền thực dân

Cò Tây hoảng sợ, binh lính nao núng


Trời dần sáng, giờ Mão (5h sáng) đang đến gần, thời điểm xuất binh tiến về quận lỵ Tân Châu đã gần kề (rạng ngày 9 tháng Giêng âm lịch năm Kỷ Mão, tức 27.2.1939). Thế nhưng, Đạo Tưởng và đoàn quân chưa kịp rời khỏi am thì quân đội và chính quyền quận Tân Châu đã vào tới. Nhờ sự mật báo từ nửa đêm, nên khi trời vừa hừng sáng, cò Tây Laffont, quận trưởng Tân Châu Nguyễn Văn Đề cùng 2 tiểu đội lính (khoảng 30 tay súng), theo bờ kinh Vĩnh An tiến vào am, nơi Đạo Tưởng hội quân. Cò Laffont và quận Đề cùng đám lính súng ống sẵn sàng dàn hàng ngang trước am, còn Đạo Tưởng và các tín đồ thì giáo mác sẵn sàng bên trong.


Thấy hai chiếc đầu lâu trên trụ cột và xác của vợ chồng hương tuần Hiếm nằm trước bàn thờ thần nghi ngút khói nhang, cò Laffont và quận Đề nhận ra tính nghiêm trọng của vụ việc. Quận trưởng Nguyễn Văn Đề phát loa kêu gọi Đạo Tưởng và tín đồ buông khí giới, ai về nhà nấy. Họ từ tốn mời ông Đạo Tưởng trao đổi công việc với đại diện chính quyền. Khi được mật báo Đạo Tưởng “nổi loạn”, cò Laffont và quận trưởng Đề chưa hình dung hết tính nghiêm trọng, dữ dội của vụ việc, vì vậy họ đã đến đây với lực lượng không thật hùng hậu, trong khi đó, lực lượng của Đạo Tưởng lên đến hàng ngàn người, dáo mác tua tủa. Cò Laffont và quận trưởng Đề cảm thấy nao núng, họ phải cố kềm chế, giữ giọng nhỏ nhẹ, thuyết phục Đạo Tưởng và các tín đồ giải tán.


Bỏ ngoài tai những lời khuyên của cò Laffont và quận trưởng Đề, ông Đạo Tưởng trong sắc phục vàng, áo tay rộng, đầu phủ bịch cân, lưng thắt dây đen, chân mang giày vàng, cổ đeo lòng thòng xâu chuỗi bồ đề, đưa tay trấn an các tín đồ, xong oai vệ tiến về phía nhà cầm quyền, cất giọng oang oang: "Các ông cứ bắn đi, bắn vào ngực tôi đây này. Súng đạn của các ông không lủng được da thịt của quân “Minh Hoàng Quốc” này đâu. Bắn đi!". Cả rừng tín đồ im lặng theo dõi cuộc đối đầu giữa “minh chủ” và đại diện nhà cầm quyền thực dân. Sau lời thách thức của Đạo Tưởng, súng vẫn im, phía cò Tây chưa dám động thủ. Trong hàng ngũ tín đồ đã bắt đầu có tiếng reo vui vì phép thuật nhiệm mầu của ông Đạo đã phát huy tác dụng.


Thực ra, cò Tây Laffont và quận trưởng Nguyễn Văn Đề vừa không muốn xảy ra một vụ giao tranh đẫm máu, vừa cảm thấy ngán sợ đoàn quân tín đồ hàng ngàn người với dao kiếm trong tay, nên họ lựa lời ôn hòa. Quận trưởng Đề cất tiếng: "Ba Quốc, nếu ông có điều gì bất bình và cần thiết, thì truyền lịnh cho tín đồ giải tán, rồi đến thiềm đường để giải quyết. Khuyên bổn đạo chớ nên nóng nảy, bạo động, sẽ gây nhiều chuyện không hay...". Nghĩ rằng quận trưởng Đề và cò Tây sợ, Đạo Tưởng nói lớn hơn: “Người Lang Sa cướp nước chúng tôi đã lâu rồi. Vậy Tây nên thức thời, trả nước lại cho chúng tôi tự lèo lái, vì chúng tôi có một “triều đại” đủ sức đảm đương việc nước. Võ khí của Pháp là đồ vô dụng, không thể phạm vào mình đồng da sắt của chúng tôi. Các ông cứ việc bắn đi!”. Rồi ông ra lệnh cho tín đồ sẵn sàng tiến lên tiêu diệt quân cướp nước.


Thấy tình thế có vẻ nguy hiểm, ông quận trưởng Đề hô to: “Các người hãy buông khí giới đầu hàng, nếu không sẽ có hại...”. Đạo Tưởng bỏ ngoài tai những lời khuyên, phất tay áo, chỉ về phía mấy chục lính quận đang lăm lăm súng trường trong tay, nói: “Hỡi các binh sĩ, các người đã lầm đường lạc lối nên giúp sức cho giặc Tây xâm chiếm nước Nam. Trẫm nay vốn thiệt là “Minh Hoàng” được bề trên cử xuống đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên đất nước. Các người hãy trả áo lại cho bọn Lang Sa cùng ta tiêu diệt kẻ thù”. Mấy chục binh sĩ nghe Đạo Tưởng khuyên đã tỏ ra nao núng, quận trưởng Đề phải đến xốc lại đội hình. Bất thình lình, Đạo Tưởng quay mặt về phía các tín đồ thân cận và ra lệnh “Tiến” thật dứt khoát. Cả rừng tín đồ đồng loạt trụ bộ, chĩa gươm giáo, tiếng hô vang như sấm rền.


Súng Tây bất lực(?)


Trước tình thế cực kỳ nguy hiểm, cò Laffont và quận Đề dù đạn đã lên nòng, nhưng vẫn tìm phương án ít nguy hiểm nhất. Khẩu rulô của cò Laffont cất lên trời, bắn chỉ thiên để thị uy. Cả rừng tín đồ nín thở theo dõi. "Cốp". Đạn không nổ! Viên đạn lép đầu tiên của cò Laffont như bằng chứng cho lòng tin của Đạo Tưởng và tín đồ rằng, súng đạn Tây trở nên vô hiệu trước tài phép của Đạo Tưởng. Đắc thắng với việc họng súng của cò Laffont bị “bịt miệng”, Đạo Tưởng cười vang nói: “Các người thấy chưa, súng đạn của Tây nào có ý nghĩa gì đối với ta. Các đệ tử, tiến lên!”. Gươm giáo tua tủa trong tay, hàng ngàn đệ tử hô vang tiếng gầm thét, vừa chậm chậm tiến về phía trước.


Để vụ việc không trở nên quá nghiêm trọng, vượt ngoài tầm kiểm soát, cò Laffont và quận trưởng Nguyễn Văn Đề chỉ cho 2 tiểu đội lính quận bắn xuống đất để uy hiếp tinh thần các tín đồ, không để xảy ra sát thương. Vì vậy, đạn chỉ cày lên sân cỏ, bốc khói, nhưng chẳng trúng ai. Đội quân của Đạo Tưởng vừa nhảy tránh đạn vừa xông lên như đám lân vừa đạp xác pháo vừa cất cao đầu. Giữa những làn đạn dày đặc mà không tín đồ nào bị hề hấn gì, điều đó càng làm cho các tín đồ ngông cuồng, tin tưởng rằng súng Tây đã trở nên vô dụng trước tài phép của Đạo Tưởng. Họ bất chấp súng đạn, tiến về phía những họng súng còn ngút khói. Còn Đạo tưởng luôn cười đắc thắng khi súng Tây bắn chẳng trúng được các tín đồ. Khi mặt dần giáp mặt, ông Đạo Tưởng vừa lắc hai vai vừa bước, phất hai tay áo, mắt trợn trừng nhìn cò Laffont, quận trưởng Đề, hai bộ vuốt hùm của ông như muốn móc cả ruột gan quân thù.


Kết cục đẫm máu


Khi Đạo Tưởng còn cách cò Laffont độ 5 mét, một tiếng nổ đanh, gọn bất ngờ vang lên, họng súng rulô của cò Laffont bốc khói. Lần này, khẩu súng của tên cò thực dân đã nhả đạn. Thực ra, vì sợ sức mạnh của đám đông hàng ngàn người nên cò Laffont không dám nổ súng vào đoàn người, chỉ bắn chỉ thiên để thị uy. Nhưng vì quá sợ, vừa lùi vừa run, Laffont đã nổ súng ngoài ý muốn, viên đạn nhằm ngay ngực của Đạo Tưởng mà xuyên thủng. Ngay sau tiếng súng của cò Laffont là tiếng “hực” của ông Đạo Tưởng, các tín đồ giật mình quay nhìn về phía “Minh Hoàng Quốc”. Trước mắt họ, “minh chủ” đang loạng choạng, đưa tay ôm ngực, máu tràn đẫm cả chiếc áo vàng. Hai con mắt Đạo Tưởng nhìn trời trợn ngược. Rồi ông ngã xuống. Thấy thầy chết thảm, các tín đồ mất hết tinh thần, ùn ùn bỏ chạy. Bấy giờ, mấy chục khẩu súng của lính quận mới nã theo, làm hàng chục người ngã xuống.


Ngoài Đạo Tưởng và những tín đồ bị bắn chết, chính quyền quận Tân Châu còn truy bắt thêm khoảng 30 người. Họ bị đưa ra toà, một số bị tù ở Côn Đảo, trong đó có hai đứa con trai ông Đạo Tưởng là Lâm Quốc Huỳnh, Lâm Quốc Đạt... Về sau, những tín đồ đứng gần Đạo Tưởng trong giờ phút lâm chung kể lại, do Đạo Tưởng thấy cò Laffont và quận trưởng Đề cùng mấy chục tên lính có dấu hiệu bỏ chạy, nên ông đã chủ quan, không tập trung tinh lực, vì vậy mà súng bất ngờ nổ, đạn dễ dàng xuyên thủng ngực của Đạo Tưởng. Có ý kiến cho rằng, chính quận trưởng Đề đã nhờ một ông đạo khác cao tay hơn làm bùa hóa giải phép thuật của Đạo Tưởng... Nói chung, dù Đạo Tưởng đã bị súng Tây bắn chết rõ mười mươi, nhưng những tín đồ của ông không muốn tin vào điều tệ hại đó.


Giới đạo sĩ ở Thất Sơn lúc đó cũng bàn tán sôi nổi về cái chết của Đạo Tưởng. Họ cho rằng Đạo Tưởng có võ nghệ cao siêu nhờ học luyện bởi những thầy võ nổi tiếng ở Cao Miên, Xiêm La. Thuở ấy, dân Việt Nam rất ái mộ một dòng võ mới xuất phát từ 2 nước này. Khác với các phái võ du nhập từ Trung Quốc, hệ võ từ Cao Miên, Xiêm La mang màu sắc huyền bí hơn, nên dân Việt thường gọi là “võ bùa”, “vỏ ngải” vì những đường huyền khá đồng bóng, cùng những khả năng “siêu phàm” của họ.


Thực ra, sau này khi bộ môn yoga từ Ấn Độ du nhập vào nước ta, những khả năng huyền bí của “võ bùa” đã được giải mã. Khi người ta tập luyện đến mức nào đó - tập trung toàn bộ tinh lực - da thịt trở nên rắn chắc lạ thường, có thể chịu được vật nhọn đâm vào. Nhưng khả năng đó chỉ kéo dài một vài phút và cũng chỉ chịu đựng được những vật nhọn thông thường, chứ không thể chịu được súng đạn. Có lẽ Đạo Tưởng đã tập luyện đến mức khi gồng mình lên, dáo mạc đâm không thủng, vì vậy mà ông ta tin rằng súng đạn của Tây cũng phải chịu thua.


Xác của Đạo Tưởng sau đó đã được các tín đồ trung thành đem chôn phía sau Trường Tiểu học Tân Châu. Ban đầu, các tín đồ đến viếng đông đảo, về sau nhà cầm quyền hạn chế việc tu tập quanh mộ Đạo Tưởng, nên người viếng ít dần.


Kỳ tới: Cuộc khởi nghĩa của Phan Xích Long.







via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét