PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Ba, 24 tháng 3, 2015

Kỳ 3: Đạo Tưởng khởi binh kháng Pháp

Kỳ 3: Đạo Tưởng khởi binh kháng Pháp

Trong những lần thuyết giáo trước các tín đồ, Đạo Tưởng thường nhắc đến cái mốc năm Kỷ Mão lúc ông thực hiện sứ mạng cứu nhân độ thế, đem lại hòa bình, độc lập cho nước Nam. Vì vậy, Tết năm Kỷ Mão là cái tết đặc biệt của hàng vạn tín đồ, họ ăn tết trong sự phấn chấn, chờ đợi một biến cố lớn, đưa họ từ những nông dân nghèo trở thành những thần dân sung sướng nhờ ơn mưa móc của đấng “minh chủ” Minh Hoàng Quốc sau khi thống lĩnh nước Nam. Không phải chờ đợi lâu, khi những ngày “mùng” của Tết Kỷ Mão còn chưa qua, những cây nêu ngày tết còn chưa được hạ xuống, hàng vạn tín đồ Đạo Tưởng được thông báo “hội quân” vào đêm mùng 8 rạng ngày 9 tháng Giêng âm lịch năm Kỷ Mão (tức 26 tháng 2 năm 1939).


Đêm hội quân đã đến, các tín đồ tập trung về quanh am nơi Đạo Tưởng hành đạo, họ đi theo các con đường làng, đuốc rực sáng một góc trời. Không phải tất cả hơn một vạn tín đồ của Đạo Tưởng đều có mặt trong ngày khởi binh, vì nhiều người còn bán tín bán nghi về khả năng siêu phàm của Ba Quốc, họ đợi xem kết quả ngày khởi binh ra sao mới quyết định nhập cuộc. Tuy vậy, ước tính cũng có hàng ngàn tín đồ tham gia đêm dấy binh mùng 8 tết năm Kỷ Mão.


Trước hàng ngàn tín đồ, Đạo Tưởng xuất hiện uy nghi hơn ngày thường rất nhiều. Ông mặc hoàng bào giống như trang phục của vua chúa, có lẽ các đệ tử đã đặt may hoặc trưng dụng đồ của đoàn hát bội mới về diễn ở quận lỵ Tân Châu. Đạo tưởng bước ra “sân chầu” với dáng đi bệ vệ, oai phong, theo cái cách của những kép hát bội khi đóng vai vua chúa. Xung quanh ông là đầy đủ “tể tướng”, “quan văn”, “quan võ”, cùng các quần thần theo đúng nghi lễ của một cuộc “yết triều” mà người ta từng thấy trong các tuồng hát bội.


Đêm trăng lưỡi liềm mờ mờ ảo ảo cùng khói nhang nghi ngút, các tín đồ từ xa kéo đến nghe ông thuyết pháp. Buổi thuyết pháp trong đêm huyền ảo ấy, ông không giảng giáo lý cao siêu của đấng từ bi hay đức hy sinh cao cả của Phật Thích Ca, không cho các tín đồ luyện võ, mà chuyển giọng sang sảng như tiếng kèn thúc quân.


Mở đầu buổi tối thuyết giáo, Đạo Tưởng nói với các tín đồ đang tụ hội đông đảo về cái nhục mất nước, cái họa ngoại xâm, rồi kêu mọi người hãy cầm vũ khí, đánh đuổi thực dân Pháp. Nhiều người dân Tân Châu tới bây giờ vẫn còn nhớ cái cảm giác xúc động khi Đạo tưởng trong khói nhang mờ ảo cất giọng lảnh lót: “Hỡi đồng bào! Dân tộc ta đã bị người Lang Sa cai trị nhục nhã gần trăm năm nay, số của chúng ta đã sắp mãn, đồng bào hãy cùng bổn đạo đánh đuổi quân thù rửa nhục nước”. Rồi ông đưa tay vỗ ngực, dõng dạc tự xưng “Ta là Chánh vì Vương thừa mạng trời lập quốc”.


Ông kêu gọi các tín đồ tạm gác bỏ chuyện gia đình, sát cánh cùng ông đi đánh đuổi giặc ngoại xâm, chiếm quận Tân Châu, rồi tỉnh An Giang, sau cùng là thống lĩnh đất nước, dựng nên triều đại mới. Ông tuyên bố súng Tây bắn vào người ông không thủng, ông cũng ban phép màu cho các tín đồ để giúp súng đạn bắn không trúng vào người, mà lệch hướng đi nơi khác. Cao hứng hơn, ông nói, sau khi “lập quốc”, ông sẽ đưa kinh đô về đất Tân Châu, những tín đồ Đạo Tưởng sẽ là dân kinh kỳ sung sướng, giàu có...


Bằng giọng nói hùng biện của mình, cùng khung cảnh mờ ảo linh thiêng của đêm trăng, Đạo Tưởng đã hoàn toàn thuyết phục được các tín đồ. Như sóng dậy từ lòng người, tiếng hò hét của tín đồ dâng lên như sấm, đuốc huơ cao, gươm dao vung lên loang loáng, tiếng reo, tiếng trống, tiếng phèng la nổi dậy trời... Chó dọc theo con sông chảy qua trước am cất tiếng tru ông ổng, xao xác cả dân chợ, dân làng.


Khi cuộc thuyết pháp chấm dứt, Đạo Tưởng cùng những nhân vật chính trong “tiểu triều đình” ấy liền vào am họp bàn kế hoạch. Ngay sau đó, "Chánh vì Vương” ban mật lệnh: Cho mời hương tuần Trương Văn Hiếm tới am có việc cần. Ông Đạo Tưởng nguỵ tạo đó là lệnh của hương quản Huỳnh Công Minh. Vì hương tuần Hiếm là người dưới quyền của hương quản Minh, nên dù đang nửa đêm, ông Hiếm vẫn phải rời nhà đến am của Đạo Tưởng. Cùng lúc, ông hương quản Huỳnh Công Minh cũng được mời tới am, nhưng vì ông đi vắng nên không tới, nhờ vậy mà thoát chết.


Nghe lệnh ông hương quản Minh đòi tới am, ông Hiếm lật đật mặc áo vào rồi lên đường. Trên đường đi, ông Hiếm rủ thêm hai ông bạn láng giềng là Mai Văn Du và Mai Văn Lang, lúc này cũng vừa thức sớm, đang uống trà đàm đạo thời cuộc, mùa màng... Cả ba cùng tới am Đạo Tưởng, được các tín đồ sốt sắng “hộ tống” vào ngồi phía bên trong bàn dài, sát vách.


Giết người, cắt đầu tế thần


Thấy không khí trang nghiêm khác thường, Đạo Tưởng mặc trang phục như vua chúa, xung quanh các đệ tử như quan binh cận thần, ba vị khách cảm thấy chột dạ. Nhưng không còn kịp để họ tháo lui, một cuộc thảm sát lấy máu nhuộm lá cờ khởi binh đã được Đạo Tưởng và “triều đình” lên sẵn kế hoạch, nạn nhân là những người khách được mời trong đêm. Thấy không khí khác thường, không ai nói ra, nhưng cả hai ông Du và Lang đều cảm thấy có điều gì bất trắc, nên lo lắng, bồn chồn.


Trong khi đó, Đạo Tưởng và “tiểu triều đình” khuôn mặt ai cũng đằng đằng sát khí. Sau này ông Lang kể lại, chính ông cảm thấy sự nguy hiểm sắp xảy ra, nên bấm tay ông Hiếm. Ông Hiếm đứng dậy, định nói vài lời xin rút lui, còn ông Du giả bộ mắc tiểu, xin ra ngoài. Nhưng các ông chưa kịp bước ra thì thình lình có lệnh dõng dạc của Đạo Tưởng: "Đảng ta đâu? Thộp cổ lũ chúng nó cho mau!". Khắp trong am có tiếng “dạ” đồng loạt như trong tuồng hát bội. Cánh cửa am đóng sập lại. Đã toan tìm lối thoát trước, nên ông Du kịp dốc toàn lực lách mình ra ngoài, chạy nhanh về nhà. Tuy vậy, ông cũng bị một vết chém khá sâu, máu tuôn xối xả. Vừa chạy, ông Du vừa la làng cầu cứu.


Lúc ấy, ông Hiếm bị các tín đồ trong am ôm chặt, hết phương vùng vẫy. Oai phong lẫm liệt như một tướng soái trong tuồng hát, Đạo tưởng chỉ vào mặt ông Hiếm gằn từng tiếng: "Mày nhớ lời thề “không phản thầy, phản đạo” hay không? Cho mầy sống chật đất". “Nguyên soái” Năm phụ thêm: “Cho thằng này về chầu tiên tổ để làm gương cho kẻ khác”. Liền đó, một võ sĩ có thân hình lực lưỡng nhào tới vặn cổ ông Hiếm, rồi một tín đồ khác dùng dao chém mạnh, khiến đầu đứt lìa. Khắp mình mẩy ông Hiếm bị chém hàng chục nhát dao. Cảnh chém giết ghê rợn và hỗn loạn.


Giữa lúc nguy cấp, ông Mai Văn Lang liều mình thoát vòng vây. Nhờ có võ, ông tả xông hữu đột, bất thần đưa tay vét cán gươm của các tín đồ qua một bên, tống cho “Ngự đệ” Út một đạp, rồi bồi thêm cú thoi, khiến “Ngự đệ” Út ngã vô vách. Vòng vây đã giãn ra, nhưng cửa am còn khoá chặt. Ông Lang đạp mạnh vào vách am bằng lá chắm, cố hết sức bình sinh, nhảy vọt ra ngoài trong lúc khắp mình mẩy đều thọ thương tích.


Thoát được khỏi am, ông Lang vừa chạy vừa la làng: "Đạo Tưởng giết tôi!". Trên đường chạy về nhà, ông ghé nhà ông Hiếm báo hung tin cho vợ ông này biết. Bà Hiếm xúc động xuýt ngất xỉu, nhưng rồi trấn tĩnh, lồng lộn, chửi bới thậm tệ, kêu gào thảm thiết. Không dằn được lòng căm thù, bà Hiếm xắn tay áo, đi xăm xăm lại am để nhìn chỗ chết của chồng và chửi bới cho đã cơn thịnh nộ. Bà vừa đi vừa nói: “Sống đồng tịch, đồng sàng, chết đồng quan đồng quách”. Đạo Tưởng và các đệ tử đang say máu, lại bị bà Hiếm tới chửi bới thậm tệ, nên không nương tay, chỉ một nhát gươm là cho bà chết theo chồng. Thi thể hai nạn nhân bị chém nát bấy, nằm ngổn ngang trên vũng máu.


Trong lúc say máu, Đạo Tưởng và đám tín đồ liền chặt đầu bà Hiếm, rồi dùng hai cái đầu làm lễ tế cờ. Cũng còn may cho gia đình hương tuần Trương Văn Hiếm là các con của ông đã được những bà con và các tín đồ giữ lại bên ngoài, chứ nếu những đứa trẻ thoát được, chạy vào trong bên xác cha mẹ và gây náo động “sân chầu” thì trong cơn say máu, Đạo Tưởng và các “ngự đệ” hẳn không nương tay. Số mạng người bị “tế thần” trong ngày khởi binh có thể đã không dừng lại ở con số 2, mà là hàng chục người nhà của hương tuần Hiếm.


Trời sáng dần, nhưng các ánh đuốc vẫn cháy, khói nhang vẫn nghi ngút trước bàn thờ thần trên “sân chầu”, lá cờ khởi binh nhuộm đỏ máu của vợ chồng hương tuần Hiếm vì không có gió nên ủ rũ trước bàn thờ. Trên nền đất là xác của vợ chồng hương tuần Hiếm được xếp nằm ngay ngắn. Hai cái đầu lâu bị chặt lìa được cắm vào trụ dựng cạnh cột cờ. Ông Đạo Tưởng vẫn đứng bất động trước bàn thờ chờ đúng giờ Mão là xuất binh tiến thẳng về dinh quận Tân Châu.







via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét