Học sinh đặt câu hỏi cho lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM
Buổi đối thoại thu hút được rất nhiều ý kiến, chia sẻ từ phía học sinh từ chương trình học, cơ sở vật chất, hoạt động đoàn đến cách thức kiểm tra, thi cử… Riêng việc Bộ Giáo dục – Đào tạo quyết định gộp 2 kì thi Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng thành kì thi THPT Quốc Gia được nhiều em quan tâm và tỏ ra băn khoăn.
Em Nguyễn Ngọc Thiên Ân, lớp 11A4, Trường THPT Tam Phú chia sẻ: “Trường em luôn có truyền thống là luyện thi Đại học – Cao đẳng cho học sinh từ rất sớm, nhất là với những học sinh học lớp chọn. Tuy nhiên, với hình thức thi đổi mới như năm nay, thầy cô chưa bắt đầu việc ôn tập cho chúng em. Điều đó khiến chúng em lo ngại sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi vào Đại học sau này”.
Em Võ Ngọc Nguyên Thảo, học sinh lớp 11A2, Trường THPT Đào Sơn Tây cũng bày tỏ: “Thông thường, chúng em đã có kế hoạch ôn thi vào Đại học từ năm lớp 10. Nhưng năm nay, việc đổi mới hình thức thi cử khiến chúng em bị động vì chưa nắm được cấu trúc đề thi. Em nghĩ rằng, khi có một sự thay đổi nào liên quan đến thi cử, nên để cho học sinh có 2-3 năm chuẩn bị, làm quen với cái mới để tránh bất ngờ”.
Em Phạm Thị Thu Cúc lớp 12A15, trường THPT Hiệp Bình thì có những thắc mắc riêng về việc thay đổi cấu trúc đề thi Anh văn: “Năm nay, đề thi Anh văn trong kì thi THPT Quốc gia sẽ có thêm phần viết. Điều này hoàn toàn mới và bất cập với chúng em. Viết tiếng Anh là kỹ năng khó và cần luyện tập nhiều năm trời, trong khi đó, chúng em được ôn luyện theo cách ra đề cũ. Em lo sợ sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến kết quả thi môn Tiếng Anh của mình”.
Em Nguyễn Văn Bảo Phúc, học sinh lớp 9/3 Trường THCS Nguyễn Du chia sẻ: “Em nghe nói cách ra đề môn Ngữ văn trong kì thi THPT Quốc gia sẽ có những thay đổi theo hướng mở hơn. Em rất lo là với cách ra đề như vậy, chương trình học của chúng em sẽ không theo kịp”.
Giải đáp những băn khoăn của học sinh về vấn đề liên quan đến Kì thi THPT Quốc Gia, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cho rằng, kì thi THPT quốc gia tuy mới về hình thức thi cử nhưng bản chất kiến thức, cách ra đề không mới. Hơn nữa, việc đổi mới hình thức thi cử với phương châm giảm bớt gánh nặng cho thí sinh sẽ không gây khó cho học sinh. Cái khó nằm ở cơ quan quản lý và thầy cô giáo: “Các em học sinh yên tâm, các thầy cô sẽ nhận cái khó về mình”.
Giải thích thêm về cấu trúc đề thi, ông Đạt cho rằng, nếu các em có ý định thi tuyển vào Đại học – Cao đẳng, bắt buộc học sinh phải trang bị kiến thức cơ bản để vượt qua thi Tốt nghiệp THPT, thi vào Đại học - Cao đẳng, kiến thức sẽ có sự nâng cao hơn. Khi tổ chức 2 kì thi Tốt nghiệp và Tuyển sinh Đại học – cao đẳng vào làm một, đề thi sẽ có sự tích hợp của 2 kì thi. Chuẩn kiến thức sẽ nằm trong khoảng 6 điểm, còn lại là mở rộng, nâng cao để đánh giá năng lực học sinh. Thầy cô nên dựa vào đó để có phương pháp ôn tập sớm cho học sinh.
“Bộ Giáo dục – Đào tạo không cho phép các trường Đại học – Cao đẳng được thay đổi khối thi truyền thống trong vòng 3 kì thi. Như vậy, các em học sinh có thể yên tâm với các môn mình đang ôn tập. Học sinh lớp 10 đã có định hướng ôn tập vào khối thi yêu thích” – ông Nguyễn Tiến Đạt khẳng định.
Học sinh góp ý về Chương trình học:
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét