Hiện trường vụ tai nạn, dây thép gai đã được thu dọn thay vào đó là các cọc tiêu.
Ông Phạm Ngọc Hạnh - chú ruột anh Khương - kể lại: Tối 4.3, tôi nghe tin cháu Khương bị tai nạn liền cùng mọi người trong gia đình chạy đến. Khi tới nơi thấy Khương đã chết, cách đó không xa là chiếc xe máy của cháu, chiếc xe đâm vào rào chắn do nhà thầu dựng lên.
Điều đáng nói, thay vì lập rào chắn bằng cột, dây nilon phản quang thì đơn vị thi công chỉ dựng 4 chiếc cọc sơn đỏ, trắng, rồi chằng buộc bằng dây thép gai cố định vào 2 bên đường. Tại nơi họ làm rào chắn không hề có đèn báo gì nên cháu tôi đi qua đó vướng vào dây thép gai chẳng khác gì chiếc bẫy dẫn đến tử vong. Họ làm như vậy, nếu không phải cháu tôi thì chắc chắn tai nạn cũng xảy ra với người khác.
Ngay khi tới nơi, một số người thân của anh Khương đã dùng máy ảnh quay clip ghi lại hình ảnh hiện trường, lực lượng công an cũng có mặt để làm công tác đo vẽ phục vụ việc điều tra. Tuy nhiên, tới sáng hôm sau, hàng rào dây thép gai này đã được thay bằng dây chắn phản quang, khi PV có mặt, tại đây có thêm gần 10 chiếc cọc sơn xanh, đỏ, còn dây thép gai cũng đã được thu dọn.
Công an huyện Gia Lộc cho biết, nơi anh Khương tử vong là đoạn đường thuộc đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đoạn đường này đang trong giai đoạn thi công, chưa bàn giao cho các cơ quan chức năng quản lý nên vẫn được coi là công trường chứ không phải đường giao thông.
Tiếp tục tìm hiểu với đơn vị thi công đoạn đường trên, đại diện nhà thầu Trung Quốc cho rằng: “Đoạn đường này chúng tôi đã cơ bản hoàn thành, trải nhựa rất đẹp nên một số người dân cứ đi vào đây làm bẩn đường. Trước đây, chúng tôi cũng dùng cột tiêu, dây chắn phản quang để bảo vệ công trường nhưng người dân ý thức kém, cứ phá dây chắn để vào nên cuối cùng chúng tôi phải dùng biện pháp chăng dây thép gai.
Khi PV đặt câu hỏi "chăng dây thép gai như vậy các vị có tính đến sự an toàn cho người khác", vị đại diện nhà thầu cho biết: Đây là tai nạn đáng tiếc, hơn nữa nó khiến một kỹ sư của chúng tôi tử nạn, chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để có biện pháp phù hợp. Trước câu hỏi: Anh Khương là người của công ty, tử vong tại khu vực công ty quản lý, các ông có xác định đây là tai nạn lao động hay không? Đại diện nhà thầu cho rằng: “Giờ tan ca của công trường là 17h30, hôm đó anh Khương tan ca không về nhà ngay mà nán lại ký túc xá chơi đến 19h30 mới từ công trường ra về, tới khu vực trên thì xảy ra tai nạn, do đó chúng tôi không thừa nhận đây là tai nạn lao động.
Vướng vào một “chiếc bẫy” tại công trường khi từ nơi làm về nhà dẫn đến tử vong nhưng vụ tai nạn của anh Khương không được xác định là một vụ tai nạn giao thông cũng chẳng được thừa nhận là một tai nạn lao động.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét