Trong vai người mua thốt nốt lấy gỗ, tôi được anh Chau Ươl (dân tộc Khmer, ấp Vĩnh Thượng, An Cư, Tịnh Biên) săn đón, đích thân đưa đi xem cây. Từ nhà máy thép huyện Tịnh Biên, băng qua con đường nhỏ vào cánh rừng dưới chân những rặng núi liền núi, sau vài lần rẽ trái, rẽ phải, chúng tôi gần như không tin vào mắt mình….. Trái với vẻ hoang sơ bên ngoài, từ con lộ nhìn vào khoảng 500m là “công trường” khai thác cây thốt nốt với nhiều cây vừa mới đốn hạ. Nhìn vết cắt tươi nguyên, nhiều cây chưa kịp cắt phần ngọn, lá xanh màu, tôi không khỏi chạnh lòng, xót xa khi nghĩ đến câu “Đốn củi 3 năm đốt 1 giờ”. Bởi theo lời anh Ươl, để có gỗ tốt, tối thiểu cây phải được 30 năm tuổi. Nghĩa là chỉ sau một nhát cưa đã vĩnh viễn “khai tử” sức sống hơn 10.000 ngày tuổi. Có lẽ do vội với các hợp đồng cung ứng, anh Ươl ra bề “hối thúc”: “Đang hạ cây, sẵn phương tiện, nhân công, nếu được giá, làm cho anh ngay”. Sau một hồi tìm cách “tám” để nắm thông tin, viện cớ “cần mua số lượng lớn” để rút chạy…
Từ đây, theo sơn đạo vào khu vực Ô Tà Bang (huyện Tịnh Biên) chúng tôi mới biết những gì đã thấy mới chỉ là một nửa sự thật… Dọc hai bên đường có nhiều điểm bứng cây thốt nốt để bán cho giới chơi cây cảnh. Để đảm bảo đủ bộ rễ cho cuộc “tái sinh”, người ta phải đào xung quanh thân một hố sâu, rộng vài mét vuông. Ghé vào điểm tấp nập cảnh đào bứng cây thốt nốt bên phần hiên nhà ông Chau Quong, ấp Đây Cà Hom (xã Văn Giáo, Tịnh Biên), ông chủ đã ngoài 70 tuổi này cho biết, đã bán cho thương lái từ Sài Gòn hơn 70 gốc thốt nốt 10 năm tuổi, nhưng nếu muốn mua vẫn còn. Nói xong, ông Quong dẫn chúng tôi tham quan dãy cây thốt nốt dưới chân rặng núi Rô. Phải nói đó là cánh rừng thốt nốt bạt ngàn với đủ lứa tuổi. Theo ông Quong, muốn mua cây già,cây trẻ gì ông cũng bán.
Anh Chau Chanh Na - một thương lái có tiếng ở xã Vĩnh Trung (Tịnh Biên) - cho biết: Trước đây, người mua chỉ đặt cây thân thẳng, nhưng mới đây có người đặt 100 gốc cây có thân nghiêng”. Điều này cho thấy, tất cả cây thốt nốt đều trong tầm triệt hạ.
Trả giá lớn cho mối lợi nhỏ
“Giá bán tại chỗ cho cây 10 năm tuổi là 250.000 đồng”, ông Quong đã khiến tôi giật mình trước giá “bèo bọt” của loài cây được mệnh danh là cây linh hồn của đồng bào Khmer ven biên giới Tây Nam. Bình quân, mỗi năm trồng chỉ đáng giá 1 tô phở bình dân. Hơn ai hết, ông Quong hiểu rõ điều này, nhiều người bán cây thốt nốt cũng do tình cảnh “chẳng đặng đừng”, và chẳng ai lo nghĩ, bởi trên thực tế cũng chẳng cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước nào “tuýt còi”. Thậm chí khi chúng tôi gõ cửa nhiều cơ quan chuyên môn, cũng chẳng ai có “ý kiến”. Tuy nhiên theo các nhà khoa học, đằng sau sự im lặng này đang manh nha nguy cơ đáng sợ.
GS-TS Nguyễn Tử Siêm - cố vấn Trường Kỹ thuật quốc tế Bộ Ngoại giao, Thương mại & Phát triển Canada - cảnh báo việc đưa cây thốt nốt ra khỏi vùng sinh thái truyền thống của nó đồng nghĩa “kết liễu lâm sàng” và điều này không chỉ hoang phí tài nguyên mà còn gây ra nhiều bất lợi lớn. Theo GS Siêm, nhiều quốc gia đã nghiên cứu ra 800 kiểu sử dụng tất cả các bộ phận trên cây thốt nốt, trong khi đó ta chỉ “sử dụng một lần” với giá rẻ. Mặt khác, thốt nốt rất khó tạo lập cảnh quan, vì chỉ có thể gieo bằng hạt và phát triển rất chậm: 5 - 6 năm mới thành thân; phải mất 12 - 20 năm mới ra hoa, kết trái, vì thế phong trào đào bứng cây lớn về thành thị làm cây cảnh cũng đồng nghĩa triệt tiêu nguồn nguyên liệu của các làng nghề truyền thống, nguồn sống của hàng vạn dân, và sâu xa hơn là phá hoại môi trường sinh thái, cảnh quan du lịch… tức va đập đến “nồi cơm vật chất, tinh thần” của hàng triệu người. “Đó là một tội ác” - GS Siêm nhấn mạnh: “Trên cấp độ toàn cầu, thốt nốt là cây “di sản” vì gắn liền với các nền văn minh lớn, các công trình cổ từ châu Phi, Trung Đông đến Ấn Độ, Khmer,…hơn nữa nó còn được Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên thế giới đưa vào “sách đỏ” ở mức dễ tổn thương và đang nguy cấp (A1c). Vì thế việc triệt hạ, mua bán cây này là vi phạm công ước mà nước ta đã ký. Cần phải ngăn chặn”.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét