Có lẽ do ông có quá nhiều tên (Phan Văn Điền, Kin Tà, Đinh Văn Phú, Đinh Dũng, Triệu Thiên Thương, Hà Minh Trí, Mười Trí, Mười Thương, Nguyễn Văn Điền…) nên Diêm Vương không biết gọi tên nào cho đúng…
Thoát chết, rồi lại thoát chết
Hiếm có người nào như ông Hà Minh Trí, trong vòng chưa tới 10 năm đã vượt qua 3 – 4 lần tình huống “chín phần chết, một phần sống”. Trong vụ ám sát Ngô Đình Diệm ở Buôn Mê Thuột, ngay sau khi súng nổ làm tay Bộ trưởng Bộ Canh nông của Diệm ngã gục, khi Hà Minh Trí đang cố khắc phục sự cố kẹt đạn khẩu súng và lao về phía Ngô Đình Diệm, có ít nhất 10 họng súng các loại của lực lượng an ninh bảo vệ buổi lễ từ 4 hướng chĩa về phía ông. Nhưng vì có quá nhiều khẩu súng chĩa về phía ông từ 4 hướng, nên không có khẩu nào dám nhả đạn, vì vậy mà Hà Minh Trí thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, chỉ bị bắt giam.
Tiếp theo, trên chuyến tàu đưa Hà Minh Trí cùng mấy trăm tù chính trị ra Côn Đảo tháng 8 năm 1963, nhờ sự “phản kèo” của tay đại úy phi công Dương Minh Đường được giao ném bom hủy diệt chuyến tàu mà Mười Trí và mấy trăm người tù mới thoát chết. Chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ, anh em Diệm – Nhu bị giết chết, trong ê kíp lãnh đạo mới ở Sài Gòn có Dương Văn Minh và Mai Hữu Xuân, những kẻ “cựu thù” của Hà Minh Trí, do trước đó Mười Trí đã khai mình ám sát Ngô Đình Diệm là do lệnh của Dương Văn Minh - Mai Hữu Xuân, làm cả hai bị anh em họ Ngô phế truất khỏi quyền bính.
Sau khi nắm quyền, Mai Hữu Xuân điệu Mười Trí từ Côn Đảo về Sài Gòn để đòi món nợ ngày trước. Thế nhưng Mai Hữu Xuân chưa kịp ra tay thì đã bị một cuộc đảo chính khác hất ông ta ra khỏi bộ máy cầm quyền của chính quyền Sài Gòn, nhờ vậy mà Mười Trí thoát chết. Các thế lực khác ở Sài Gòn cũng “đánh hơi” thấy tử tù Hà Minh Trí thực chất là người của cách mạng chứ không phải “người lính giáo phái Cao Đài” nào cả, nên tìm cách thủ tiêu. Bất ngờ, một tín đồ đạo Cao Đài là Phan Khắc Sửu (cũng là bạn tù của Mười Trí) lên nắm ghế “Quốc trưởng” Việt Nam Cộng hòa và ra lệnh trả tự do cho “người lính giáo phái Cao Đài” Hà Minh Trí.
Sau hơn 8 năm thi gan với chế độ lao tù của chính quyền Sài Gòn, Hà Minh Trí được phóng thích ngày 10 tháng 3 năm 1965. Đã quá quen với những thủ đoạn của kẻ thù, luôn đề phòng mọi tình huống nguy hiểm xung quanh, nên khi bước ra khỏi cổng trại giam Chí Hòa, Hà Minh Trí nhận ra ngay có những “cái đuôi” bám theo mình. Ông đã mưu trí “cắt đuôi” và tìm đến cơ sở cách mạng trong nội thành Sài Gòn và được đưa về Ban tổ chức Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định đóng ở ấp An Phú, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi.
Tháng 4 năm 1965, ông được phân công công tác ở Ban An ninh khu Sài Gòn-Gia Định với tên mới là Nguyễn Văn Điền. Ông cùng với đơn vị và người dân đất thép thành đồng Củ Chi bước vào cuộc thi gan giữa ý chí của người dân đất thép và các phương tiện chiến tranh hiện đại của quân đội Mỹ. Mười Trí và đồng đội đã có những trận đánh nảy lửa với quân đội Mỹ - Sài Gòn ở khu vực mà sau này được xây dựng đền tưởng niệm Bến Dược. Cũng tại đây, ông đã gặp lại người bạn tù Kim Hưng một cách rất tình cờ và thành chồng thành vợ vào năm 1966. Cũng chính nơi này, ông đã trở thành thương binh nặng trong tình huống chết mười mươi.
Lỡ kế hoạch trở vào Sài Gòn làm điệp viên
Công tác trong Ban An ninh khu Sài Gòn – Gia Định, Hà Minh Trí trở thành thuộc cấp và cộng sự đắc lực của người chỉ huy trực tiếp tên Nguyễn Tài - Phó ban An ninh Sài Gòn – Gia Định, con của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Mười Trí thường xuyên được người chỉ huy Nguyễn Tài có kiến thức rộng, giỏi về văn chương trò chuyện để hình dung về các thủ đoạn của chế độ lao tù Mỹ - Ngụy. Theo ông Mười Trí, nhiều cuộc trò chuyện ấy sau này đã thấp thoáng trong tác phẩm “Đối mặt với CIA” được Nguyễn Tài viết sau ngày miền Nam giải phóng.
Nguyễn Tài là người con thứ hai của nhà văn Nguyễn Công Hoan, nhưng ông không theo nghiệp văn. Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1944, bắt đầu công tác trong ngành công an từ sau Cách mạng tháng Tám. Năm 1958, khi mới 32 tuổi, ông giữ vị trí Cục trưởng Cục bảo vệ chính trị. Năm 1964, ông tình nguyện vào chiến đấu trong chiến trường miền Nam. Tại chiến trường ác liệt Củ Chi, ông được phân công làm Phó ban An ninh Sài Gòn – Gia Định, là thủ trưởng trực tiếp của Hà Minh Trí.
Thú vị trước câu chuyện của người thuộc cấp Hà Minh Trí trong vai “người lính giáo phái Cao Đài” đã làm đảo điên chính trường Sài Gòn, Nguyễn Tài chuẩn bị một kế hoạch mới táo bạo - tung Hà Minh Trí trở vào Sài Gòn trong vai một điệp viên “hợp pháp” là “người lính giáo phái Cao Đài”. Thế nhưng, kế hoạch ấy mãi mãi vẫn nằm trên giấy, vì một trái bom oan nghiệt.
Đầu năm 1967, Mười Trí chuẩn bị tư thể sẵn sàng trở vào Sài Gòn với một nhiệm vụ mới, đặc biệt quan trọng, do đích thân Phó ban An ninh Sài Gòn – Gia Định Nguyễn Tài tổ chức. Đêm trước khi rời Củ Chi về nội thành Sài Gòn, nằm dưới địa đạo Bến Dược chờ người chỉ huy Nguyễn Tài đi công tác về giao nhiệm vụ vào Sài Gòn, ông Mười Trí hăm hở chuẩn bị bao kế hoạch mới, hình dung bao tình huống, rồi chuẩn bị cách xử trí.
Nằm dưới địa đạo, Mười Trí nghe ầm ầm tiếng bom trên đầu, cứ nghĩ vẫn “chuyện hàng ngày ở địa đạo” như mọi khi, nhưng tiếng bom càng lúc càng gần hơn. Bất ngờ, ông Mười Trí thấy như căn hầm trên đầu đổ sụp, cơ thể tê buốt, đất đá rơi rào rào trên đầu. Định thần lại, Mười Trí và đồng đội nhận ra 1 trái bom rơi xuyên qua nắp hầm, rồi xuyên qua đùi trái Mười Trí, nhưng bom không nổ. Quả bom lép dính chặt Mười Trí xuống nền đất, đồng đội rất khó khăn mới kéo được ông ra. Dù đau đớn đến tột cùng, nhưng Mười Trí cũng còn kịp hiểu rằng, như vậy là mạng của ông và các đồng đội trong hầm quá lớn, chứ nếu bom nổ thì tất cả đã tan xác.
Sáng hôm sau, người chỉ huy Nguyễn Tài về tới Bến Dược để đưa Mười Trí vào Sài Gòn thực hiện kế hoạch mới, nhưng ông đã phải vội vã đến trạm quân y tiền phương để theo dõi Mười Trí trong cơn “thập tử nhất sinh”. Mười Trí lại chiến thắng cái chết khi vượt qua thương tật nặng nề trong điều kiện thiếu thốn y tế, thuốc men trong rừng. Ông chỉ phải bỏ lại 1 chân bên dòng sông Bến Dược, cùng với kế hoạch vào Sài Gòn mãi mãi nằm lại trong cặp hồ sơ của người chỉ huy Nguyễn Tài.
Sau đó, người chỉ huy Nguyễn Tài cũng sa vào tay giặc, trải qua cuộc đối đầu cân não với CIA, để sau này ông viết nên tác phẩm “Đối mặt với CIA”. Ngày 23 tháng 12 năm 1970 trên đường đi công tác, Nguyễn Tài bị bắt. Biết ông là nhân vật quan trọng của cách mạng, đối phương chuyển ông đến Trung tâm Thẩm vấn Quốc gia tại Sài Gòn, biệt giam suốt 3 năm sau đó trong một xà lim sơn trắng toàn bộ, đèn bật sáng suốt ngày đêm, làm lạnh bởi một máy điều hòa nhiệt độ công suất cao - căn phòng được thiết kế để làm ông mất định hướng.
Tại đây, người Mỹ đảm nhận hoàn toàn việc thẩm vấn ông. Ngay trước ngày miền Nam được giải phóng, CIA đã ra lệnh cho Việt Nam Cộng hòa thủ tiêu Nguyễn Tài bằng cách dùng máy bay chở ra quăng xuống biển, nhưng người được lệnh đã không thực hiện. Năm 2002, Nguyễn Tài được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhớ lại những chuyện đã qua, ông Mười Trí vẫn không hiểu sao mạng mình lớn đến thế, cứ liên tục thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Có lẽ do ông có hàng chục cái tên, nên Diêm Vương không biết gọi tên nào cho đúng. Ông trải qua những năm cuối của cuộc chiến với chiếc nạng gỗ trong trại thương binh dưới tán rừng già Tây Ninh. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông vẫn tiếp tục công tác trong ngành công an, đến năm 1989 thì chuyển sang làm Phó ban Nội chính rồi Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh. Năm 1999, ông nghỉ hưu và sống với gia đình ở thị xã Tây Ninh. Năm 2005, ông Hà Minh Trí được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét