PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Người tử tù có công làm sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm - Kỳ cuối: Đôi vợ chồng đặc biệt người tử tù

Người tử tù có công làm sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm - Kỳ cuối: Đôi vợ chồng đặc biệt người tử tù

Hà Minh Trí bị giam cầm ở Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn ở dãy P10 (gồm 10 phòng giam nối liền nhau). Một ngày nọ, Hà Minh Trí nghe tiếng rầm rập bên ngoài, kèm theo tiếng mở cửa phòng giam ken két, cùng tiếng đánh đập, la hét. Kinh nghiệm cho Hà Minh Trí biết có những người tù trọng án vừa được đưa vào trại giam. Đó là vào năm 1961, Mỹ mới đưa thêm 1.000 sĩ quan đến Sài Gòn để mở rộng sự can thiệp quân sự vào Việt Nam. Trước đó vài hôm, Đài BBC đưa tin: Ngày 8.7.1961, ba học trò đi trên 2 xe gắn máy quăng một quả lựu đạn vào chiếc ôtô chở đại sứ Mỹ Frederick Nolting trên đường Pasteur... Mấy ngày sau, đội vũ trang quyết tử lại tung lựu đạn lên một xe quân sự trên đường Lê Văn Duyệt... Sau nhiều phi vụ táo bạo, các chiến sĩ lần lượt bị bắt đưa vào Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn, giam chung với Hà Minh Trí.


Cùng bị bắt trong đợt đấu tranh đó và bị đưa vào biệt giam ở P10 Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn có một số nữ sinh viên - học sinh, họ bị giam ở buồng số 8, cách không xa buồng số 10 của Mười Trí. Người tù Hà Minh Trí vẫn còn là ẩn số với vỏ bọc “người lính giáo phái Cao Đài”. Vì vậy mà chế độ giam giữ đối với Hà Minh Trí vừa đặc biệt vừa tương đối thoải mái so với những người tù còn lại. Mười Trí được đọc báo, được đi tắm nắng ngang qua dãy trại giam 10 phòng, thậm chí còn được hát hò thoải mái.


Ban đầu, Mười Trí hát những bài “vô thưởng vô phạt” như những bài tình ca của Văn Cao, Lê Thương, Trần Hoàn, về sau ông hát những bài ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. Tiến thêm một bước, ông Mười Trí hát những bài kháng chiến, những ca khúc thúc giục thanh niên lên đường cứu nước. Một bữa, sau khi Hà Minh Trí hát một bài hát kháng chiến, bất ngờ, từ cách đó vài buồng giam, một giọng ca của nữ tù vang lên nhẹ nhàng, trong trẻo, bài “Lời người ra đi” - một bài hát tình ca đậm không khí kháng chiến chống thực dân Pháp. Lính gác ngục đã làm cho tiếng hát nữ phải ngưng ngang, nhưng cả đêm hôm ấy Mười Trí cứ thấy bồi hồi, xao xuyến. Cứ thế, trong khi Hà Minh Trí hát thoải mái, thì thỉnh thoảng giọng hát nữ ở buồng giam số 8 lại cất lên và bị lính gác ngục đàn áp ngay.


Đọc báo hàng ngày, Mười Trí nắm được tình hình bên ngoài khá đầy đủ và ông nghĩ cách để thông tin đến các bạn tù. Bằng cách đi vệ sinh và bỏ lại những thông tin cần thiết trong sọt giấy đi cầu, Mười Trí đã giúp cho những người “đi cầu” sau đó biết được các thông tin cần thiết. Mười Trí còn viết hẳn những bản tin tổng hợp, bỏ vào sọt rác nhà vệ sinh để mọi người cùng đọc. Những người tù “cộng sản” trong phong trào sinh viên - học sinh đã ngờ ngợ nhận ra “người lính giáo phái Cao Đài” ám sát Ngô Đình Diệm là “người mình”.


Một nữ tù ở buồng giam số 8 có tên là Nguyễn Kim Hưng vốn rất ngưỡng mộ người tử tù Hà Minh Trí khi còn ở ngoài đời, nay vào trại giam, hàng ngày nghe ông hát đầy lạc quan, yêu đời, cô càng thêm yêu mến. Chính cô đã đôi lần cất tiếng hát đáp lại giọng hát của người tử tù ở buồng giam số 10. Một lần, khi được đi tắm nắng ngang buồng giam số 8, Hà Minh Trí cố tình đi thật chậm, nhìn vào buồng giam và bắt gặp mấy nữ tù đang đứng tựa vào song sắt. Chỉ trong khoảnh khắc, một nữ tù đã ra dấu cho Hà Minh Trí biết chính cô là người thường cất tiếng hát và nói lớn tên “Kim Hưng”. Vậy là từ đó, Mười Trí thỉnh thoảng lại viết thư và nhờ những người tù thường phạm lén quăng vào buồng giam số 8 cho Kim Hưng. Ban đầu, “thư” chỉ là những hình vẽ bông hoa, chim muông để dễ dàng qua mắt sự kiểm tra của lính ngục, về sau là những dòng chữ thăm hỏi, động viên…


Dù chỉ đôi lần họ thoáng nhìn nhau qua song sắt của buồng giam, nhưng tình yêu của họ cứ lớn dần. Cuối tháng 8.1963, chính quyền Diệm chuyển toàn bộ hơn 40 tử tù được xử theo Luật 10/59 đày ra địa ngục trần gian Côn Đảo để họ tự chết dần chết mòn ngoài ấy. Rời khỏi buồng giam số 10, trên đường bị giải ra bến tàu để đi đảo, Mười Trí đi ngang buồng số 8 của cô Kim Hưng và kịp đưa tay chào, cũng có thể là chào vĩnh biệt.


Nhận ra nhau nhờ tiếng nói


Liên tiếp trong mấy năm, các phe phái trong chính quyền Sài Gòn liên tục giành giật, lật đổ nhau. Đây cũng là giai đoạn “tranh tối tranh sáng” giúp nhiều tù chính trị tận dụng để được trả tự do. Ông Mười Trí đã được đưa từ Côn Đảo về đất liền, rồi được trả tự do trong hoàn cảnh ấy. Sau khi được trả tự do, tìm về đơn vị ở chiến khu D, rồi được phân công công tác ở Ban An ninh Sài Gòn-Gia Định, Mười Trí dò tìm tông tích người nữ tù tên Kim Hưng ngày nào, nhưng không ai biết. Một lần, đầu năm 1966, trên đường đi công tác, Mười Trí gặp lại một người bạn tù tên Thảo đang phụ trách tổ điều lắng đóng quân tại Củ Chi.


Trong lúc đi bên nhau và nhắc lại những kỷ niệm gian khổ của những ngày trong chốn lao tù, ông thấy một tốp 3 thiếu nữ trong trang phục bà ba, cổ quấn khăn rằng, che kín mặt mày (vì yêu cầu bí mật, tất cả cán bộ ở đây đều phải che kín mặt), đi ngược chiều với họ. Họ vừa đi vừa trò chuyện líu lo. Bất ngờ, Mười Trí nhận ra giọng nói quen quen. Mười Trí nghĩ, có thể ông bị cảm giác nhớ nhung đánh lừa, nên nghe giọng cô gái nào cũng giống giọng người mình thương nhớ. Người bạn tù tên Thảo cho Mười Trí biết, những cô gái ấy thuộc đội điều lắng do ông phụ trách. Vậy là theo yêu cầu của ông Thảo, cả 3 cán bộ nữ ấy đã tháo khăn che mặt ra, cùng lúc Mười Trí cũng cởi bỏ chiếc nón che kín mặt. Gần như cùng lúc, những âm thanh ngọt ngào, cảm động vang lên giữa đất thép khô cằn: “Anh Mười!”, “Kim Hưng!”…


Họ ôm chầm lấy nhau, rưng rưng nước mắt. Tình yêu, hạnh phúc như được nhân lên gấp ngàn lần khi họ từ cõi chết trở về và được bên nhau. Đêm hôm ấy, chưa cần lễ tuyên bố hay đám cưới, cũng chưa kịp “báo cáo tổ chức”, họ được những đồng đội trong tổ điều lắng tạo điều kiện để ở bên nhau trong “đêm tân hôn” dưới địa đạo Củ Chi.


Trong chiến tranh, theo kỷ luật của tổ chức cách mạng, chuyện nam nữ tìm hiểu, yêu thương nhau đều phải báo cáo để tổ chức theo dõi, tạo điều kiện, vun đắp, trước khi đi đến hôn nhân và được sống với nhau. Chuyện lãng mạn của Mười Trí – Kim Hưng là ngoại lệ, thế nên mọi người đều chấp nhận và ủng hộ, bởi tình yêu của họ đã trải qua quá nhiều thử thách, được đổi lấy bằng chính mạng sống của người trong cuộc, nên ai cũng cảm nhận họ đã là vợ chồng của nhau dù hôn nhân chưa được tiến hành.


Mấy tháng sau, lễ cưới của Mười Trí - Kim Hưng đã chính thức được tổ chức dưới địa đạo Củ Chi, trong tiếng bom pháo rền vang chung quanh. Chiến trường thường xuyên chia cắt hai người, rồi ông Mười Trí bị bom trọng thương, phải cắt mất một chân, nằm điều trị lâu dài trong quân y, để lại nỗi nhớ thương, lo lắng cho cô phóng viên chiến trường Kim Hưng của Báo Quân khu Sài Gòn - Gia Định.


Một đời có nhau


Sau ngày giải phóng, Mười Trí về sống trên quê hương người vợ, bà Kim Hưng được phân công làm Trưởng phòng Công tác Chính trị Công an tỉnh Tây Ninh, còn ông Mười Trí làm Chánh văn phòng - thường trực Đảng ủy Công an tỉnh Tây Ninh. Sau đó, ông chuyển qua làm Phó ban Nội chính, rồi Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Tây Ninh cho tới lúc về nghỉ hưu năm 1999. Năm 2005, ông được Chủ tịch Nước quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Các con của họ đều đã trưởng thành, có việc làm và cuộc sống ổn định, là những cán bộ, công dân gương mẫu giống như truyền thống của gia đình, cha mẹ.


Năm 2009, khi ông Mười Trí chở vợ đi dự một đám giỗ ở huyện Gò Dầu, trên đường trở về nhà, một cơn gió lốc đã hốt quăng cả xe và người vào gốc cây ven đường. Bà Kim Hưng bị chấn thương não rất nặng. Bây giờ, khi đến thăm gia đình Mười Trí, khách dễ dàng chứng kiến cảnh ông suốt ngày ân cần chăm sóc cho bà từng li từng tí.


Nhìn ông đút cho bà từng muỗng cháo, vừa nài ép, vừa trêu chọc cho bà vui cười để ăn được nhiều cho có sức mà chống chọi với bệnh tật, tôi hiểu rằng tình yêu của họ dù ở tuổi già vẫn vẫn rất mặn nồng, say đắm. Ông chăm sóc bà với tất cả niềm hạnh phúc được sống phần đời còn lại chủ yếu để lo cho bà. Đối với ông Mười Trí, tai nạn xảy ra đối với vợ tuy có làm ông và gia đình vất vả, nhưng đó hoàn toàn không phải là tai họa đối với chuyện tình đẹp như huyền thoại của ông bà. Ngược lại, có khi tai nạn thương tâm này lại giúp ông viết tiếp câu chuyện tình của hai người như là chuyện cổ tích thời hiện đại.







via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét