PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Thứ Bảy, 24 tháng 1, 2015

Bình yên sẽ đến với cháu bé con của người mẹ mù trong “vợ chồng hát rong”

Bình yên sẽ đến với cháu bé con của người mẹ mù trong “vợ chồng hát rong”
Đẻ rơi trên đường đến bệnh viện

Cách đây 11 tháng, sau những ngày miệt mài rong ruổi cất tiếng hát cầu xin lòng trắc ẩn của mọi người, chị Nguyễn Thị Đào (SN 1993, quê xã Tường Sơn, Anh Sơn) có dấu hiệu chuyển dạ. Hốt hoảng, anh Nguyễn Bá Thanh không còn cách nào khác phải bế vợ chạy đến bệnh viện cách khoảng 1km. Chưa kịp đến viện, chị Đào đã sinh hạ một bé gái kháu khỉnh. Bà con cô bác thương tình, người bế con, người mua sữa, rồi đưa hai mẹ con đến bệnh viện. Cả hai được các bác sĩ nhiệt tình chăm sóc. Hai vợ chồng thống nhất đặt tên bé là Nguyễn Thị Sao Mai, với mong ước bé sẽ là ánh sáng, niềm tin vào tương lai cho người mẹ mù loà.


Nhà chị Nguyễn Thị Đào có 7 anh chị em, 6 người đều khoẻ mạnh, lành lặn, chỉ riêng chị Đào từ thuở lọt lòng đã không nhìn thấy ánh sáng. Tuổi thơ không được đến trường, Đào chỉ biết làm bạn với cây cỏ, với con vật nuôi trong nhà, đặc biệt là chiếc radio và sau này là tivi. Nghe hát, nhập tâm rồi hát theo, Đào thuộc bài hát rất nhanh và có giọng hát rất truyền cảm. Bao nhiêu tâm tư, khát vọng, những nỗi niềm sâu kín đều được giãi bày qua những bài hát. Không cam chịu số phận, lớn lên, Đào đã tự chọn cho mình cách mưu sinh bằng chính giọng hát, rong ruổi trên các nẻo đường, kết hợp với việc bán tăm. Trên những nẻo đường xuôi ngược, Đào đã gặp, cảm mến và yêu thương Bá Thanh - chàng trai người Thanh Hoá có giọng hát ngọt ngào, chiều chuộng, chăm sóc và yêu thương cô. Cả hai đều hát hay, khi kết hợp thành một cặp song ca thì tính truyền cảm càng được nhân lên, được đông đảo bà con yêu mến, thương cảm và chia sẻ, giúp đỡ.


Đào đã đưa Thanh về giới thiệu với gia đình, được bố mẹ chấp thuận. Vợ chồng Thanh - Đào thuê một phòng trọ tại xã Phúc Sơn, đây trở thành nơi dừng chân, tổ ấm và là nơi bé Sao Mai được chăm sóc trong những ngày đầu. Sau khi sinh bé một thời gian, Đào đã gửi bé cho mẹ chăm sóc. Vì bà ngoại sức khoẻ yếu, bé Sao Mai được gửi lại cho bác ruột Nguyễn Thị Minh nuôi nấng. Nhà chị Minh cũng rất khó khăn, là hộ cận nghèo, bản thân bị bệnh về mắt, nhưng vì thương em gái tàn tật, hai vợ chồng chấp nhận vất vả để chăm lo cho bé. Dù thiếu hơi ấm và bầu sữa của mẹ, bé Sao Mai vẫn hay ăn chóng lớn, rất thông minh và hiếu động, mới 11 tháng tuổi mà đã biết “mượn” điện thoại di động của người lớn để chơi, biết nói bập bẹ một số từ, ai bế cũng chịu. Đặc biệt, bé rất ngoan, ít quấy khóc. “Có lẽ nó biết thân phận mình nên ngoan”, chị Minh cười nói, hai hàng nước mắt ứa ra trên khuôn mặt nhiều nếp nhăn. Thỉnh thoảng, nhớ con quá, Đào bắt xe về ở với con một hai bữa rồi lại tất tả ra đi. “Nó về, cứ ôm con suốt, rồi hát ru con những bài mà tôi nghe thương lắm”, bà Nguyễn Thị Tuyết - mẹ Đào - nói.


Người khuyết tật mưu sinh rất cực nhọc. Tằn tiện lắm, Đào mới gửi về cho con được trên dưới 1 triệu đồng, có tháng chỉ được 700.000 đồng, trong khi chi phí sữa, quần áo cho bé tối thiểu mỗi tháng cũng phải 1,5 triệu đồng. “Em nó khó quá, có chừng nào cũng được, còn bao nhiêu anh chị bù vào”, anh Đặng Văn Kỳ - anh rể Đào - nói.


Mong bình yên sẽ đến


Khi biết Thanh đã có vợ và hai con ở quê, Đào rất sốc và suy sụp. Chị gọi điện về cho mẹ, ông bà nhìn nhau thở dài, động viên con: “Thôi số phận con đã vậy thì đành chịu, con đừng buồn. Dù sao con cũng đã có bé Sao Mai, là tương lai của con. Con còn có bố mẹ, anh chị luôn bên con. Hãy cố sống vì bé Sao Mai!”.


Sau khi sự việc vỡ lở, Thanh trở về Thanh Hoá sống bên gia đình, Đào chỉ còn lại một mình. Nỗi đau dần nguôi ngoai, Đào lấy lại được tinh thần, tiếp tục đi hát rong, bán tăm, kiếm chút tiền nuôi thân và gửi về cho bé Sao Mai. Nhờ nhanh nhạy nên Đào có thể sử dụng điện thoại nghe gọi, nhắn tin, thông thuộc các nẻo đường và có thể tự đi đến nhiều nơi để hát rong.


“Trong tình yêu em luôn có niềm tin. Em không trách anh Thanh điều gì. Tất cả đều là duyên phận. Sóng gió đã qua, em mong bình yên đến với gia đình mình. Bây giờ em chỉ mong có sức khoẻ để đi hát và bán tăm kiếm tiền nuôi bé Sao Mai”, Đào chia sẻ với chúng tôi. Lắng trong giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm là một nghị lực phi thường, một lòng bao dung và đức hy sinh lớn lao. Người phụ nữ suốt đời mù loà đã tìm thấy ánh sáng cuộc đời trong tình yêu, trong niềm hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ, đặc biệt là tình yêu dành cho bé Sao Mai, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời vào mỗi bình minh, ánh sáng hy vọng của cuộc đời chị. Đúng như một danh nhân nào đó đã nói: “Hy vọng là một đức tính đặc biệt ở con người mà khiến thượng đế cũng phải kinh ngạc”.







via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét