Vợ chồng ông Đinh Văn Tôn nổi tiếng cả vùng sau khi truyện “Vợ chồng A Phủ” ra đời.
Kỳ 1: Gặp nguyên mẫu nhân vật A Châu
Trong truyện “Vợ chồng A Phủ”, A Châu là người đã đưa đường chỉ lối cho đôi vợ chồng người Mông nghèo khó này đi qua đêm đen cuộc đời. Ngoài đời thực, A Châu chính là nhà lão thành cách mạng Đinh Văn Tôn - người làm “hoa tiêu” để Tô Hoài viết lên câu truyện bất hủ.
Cuộc hội ngộ với nhà văn Tô Hoài
Ngược dòng sông Đà hùng vĩ, leo lên những con đèo chênh vênh nằm vắt ngang giữa trời, chúng tôi đến với thị trấn Bắc Yên, Sơn La trong những ngày hun hút gió. Đến đây, hỏi về nhà lão thành cách mạng Đinh Văn Tôn ai cũng biết, bởi ông Tôn đã nổi tiếng cả một vùng sau khi truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” ra đời. Nhà ông Tôn nằm khuất sâu trong con ngõ nhỏ ở tổ 2, khu 3, thị trấn Bắc Yên. Người đàn ông dân tộc Mường có dáng thấp, đậm đà, ở cái tuổi 84 này rất xúc động khi được chúng tôi hỏi về duyên kỳ ngộ với nhà văn Tô Hoài.
Vào năm 1953, tại khu 99 (thuộc huyện Bắc Yên và Phù Yên ngày nay), ông Tôn đã có cuộc hội ngộ với nhà văn Tô Hoài. Ngày ấy, ông Tôn là Thường vụ huyện ủy Châu Yên, phụ trách khu 99, chuyện đời sống kháng chiến như phá đồn, phá bốt ông nắm rất rõ, nên đã kể lại cho Tô Hoài nghe. Cuộc gặp gỡ đó là vào đúng dịp tết của người Mông. Tết không chỉ kéo dài một ngày mà hàng tháng. Gặt hái đã xong, trời rét, lại đợi mưa để làm mùa, thế là nghỉ ngơi, ăn chơi. Từng nhà làm tết, tiết canh cả chậu xắn từng miếng linh đình, ăn tết lần lượt mỗi nhà một hôm cho đến hết mọi nhà. Rộn rã khắp núi, trai gái ném pa pao - một kiểu bóng chuyền thô sơ. Trẻ em đánh quay, con quay gỗ to bằng cái bát. Hay là đuổi bắt chim sẻ, chim sâu, con chim nhỏ bay trên bạt ngàn núi đá chỉ một lúc đã mỏi cánh ngã lăn xuống, chỉ việc nhặt về nướng ăn.
Trong những ngày cả bản mừng vui, lất ngất men say ấy, ông Tôn đã giới thiệu cho Tô Hoài 2 nhân vật sau này là nguyên mẫu A Phủ và A Mỵ ở Hồng Ngài. (Về cuộc đời thực của những nhân vật này, chúng tôi xin được kể chi tiết cho bạn đọc ở kỳ báo sau). Cũng theo lời kể của ông Tôn, trong chuyến về Hồng Ngài, Tô Hoài còn hỏi về những người ở tầng lớp trên thủa trước. Ông Tôn đã giới thiệu ông Mùa Chống Lầu. Ông này ban đầu cũng độc ác, tàn bạo giống như cha, ông mình là Mùa Chờ La, Mùa Chờ Lia.
Tuy nhiên, năm 1947, ông Lầu đã đi theo kháng chiến vô điều kiện. Có lần, ông Lầu bị địch bắt ở thị xã Sơn La, nhưng nhất định không khai báo các tin mật. Vì thế, sau khi miền Bắc được giải phóng (1954), ông Chống Lầu được bầu là ủy viên hội đồng Khu tự trị Tây Bắc, ủy viên kháng chiến khu Thái Mèo. Sau, ông về nghỉ hưu ở huyện Phù Yên. Trong thời gian ở Phù Yên, Tô Hoài cũng đã nhiều lần đến thăm gia đình ông Mùa Chống Lầu.
Trong truyện “Vợ chồng A Phủ”, ban đầu nhà văn Tô Hoài đặt cho nhân vật phản diện cái tên là Mùa Chống Lầu, nhưng sau ông Tôn khuyên là đổi đi, vì như vậy có thể ảnh hưởng tới cá nhân ông Lầu, chính vì vậy, nhà văn đã đổi nhân vật thành Lý Pá Tra như bạn đọc vẫn biết.
Từ lời giới thiệu, giúp đỡ nhiệt tình của người cán bộ Đinh Văn Tôn, Tô Hoài đã thu thập tư liệu và bằng con mắt nhà văn, ông đã viết truyện ngắn để đời “Vợ chồng A Phủ”. Và nhà văn cũng tặng lại cho người “hoa tiêu” của mình một vị trí trang trọng trong câu truyện khi hóa thân ông Đinh Văn Tôn thành cán bộ A Châu.
A Châu ngoài đời thực
Cán bộ “A Châu” Đinh Văn Tôn sinh năm 1930 ở Phù Yên, Sơn La. ông Giác ngộ cách mạng từ lúc còn thiếu niên, lớn lên vào du kích đánh Pháp. Sau khi miền Bắc giải phóng, ông là người dân tộc đầu tiên trong 5 người được cử xuống Hà Nội học Trường Nguyễn Ái Quốc khóa 1 (1958-1959). Ở Bắc Yên, ông là người có tuổi Đảng cao nhất - 65 tuổi Đảng. Hiện, ông đang sống cùng người vợ thứ 2 (đã có một đời chồng và 2 con riêng), là người em họ hàng với người vợ đầu. Các con của ông với người vợ đầu đều được học hành đến nơi đến chốn và đa phần công tác trong ngành công an.
Dù đã bước sang tuổi 84, nhưng nguyên mẫu cán bộ A Châu vẫn còn rất minh mẫn. Với giọng kể lúc trầm lúc bổng, quá khứ như ùa về trong ông. “Xuất phát từ lòng căm thù giặc nên ngay từ nhỏ, tôi đã muốn đứng lên cầm súng bảo vệ bản làng, bà con dân bản như bao thanh niên khác”, ông nói. Vì thế, năm 17 tuổi, ông đã thoát ly gia đình đi theo cách mạng. Đến năm 1950, khi đang hoạt động ở Mai Thuận, ông được điều lên khu 99 xây dựng căn cứ cách mạng, tuyên truyền cho người dân hiểu về nhiệm vụ của Việt Minh thay cho đồng chí Ngoan lúc bấy giờ.
Theo lời kể của ông Tôn, hoạt động cách mạng được một thời gian thì ông bị địch bắt nhốt, may mà chúng nhốt ông vào hầm của một gia đình cách mạng. Tỉnh ủy nhận được tin thì lệnh bằng mọi giá phải cứu được anh em, trong đó có ông ra. Có người vào bới hầm, nhờ đó mà ông thoát. Hôm ấy, súng trong đồn bắn ra dữ dội khiến hai người chết. Hai người ấy sau được công nhận là liệt sĩ, một người bị thương, sau này cũng được hưởng chế độ thương binh... Cảnh khiến ông đau xót nhất là một em bé, do sợ quá mà khóc nên bị địch phát hiện và bắn xối xả, chết ngay trên lưng bố.
Sau khi được cứu thoát, ông lại tiếp tục với nhiệm vụ của mình. Trải qua nhiều chức vụ lãnh đạo, nay người cán bộ “A Châu” đã nghỉ hưu và ở nhà với con cháu. Khi biết tin Tô Hoài qua đời, ông rất xúc động, một lòng thành kính hướng về nhà văn tâm huyết mà một thời ông từng gắn bó.
Kỳ tiếp: Về Hồng Ngài nghe nàng Mỵ kể chuyện
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét