PHÒNG KHÁM ĐA KHOA

Với 2 phòng riêng biệt cho Siêu âm màu và Siêu âm trắng đen, Phân khoa Siêu âm thực hiện nhanh chóng các dịch vụ siêu âm: Siêu âm tim, Siêu âm mạch máu, Siêu âm tim thai, Siêu âm tổng quát… giúp rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh....

Chủ Nhật, 28 tháng 12, 2014

Chuyện kỳ lạ về những sản phụ thức trắng 3 ngày đêm uống nước đang sôi

Chuyện kỳ lạ về những sản phụ thức trắng 3 ngày đêm uống nước đang sôi

Chị Hồ Thị Thắm giới thiệu về bài thuốc giúp sản phụ tại bản Đoòng nhanh chống hồi phục sức khỏe sau khi sinh.


Tự đỡ đẻ cho nhau

Bản Đoòng nằm sâu trong vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, cách trung tâm thành phố Đồng Hới hơn 80km, cộng với gần 2 tiếng đi bộ đường rừng với những con dốc cao dựng đứng, đá tai mèo trơn tuột. Cả bản có chưa đến 10 nếp nhà lúp xúp dựa vào vách núi. Đây cũng là nơi sinh sống của chừng ấy hộ dân người dân tộc Vân Kiều, cuộc sống của họ hoàn toàn dựa vào thiên nhiên.


Trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc (còn gọi là bố Tòa) nói, bản Đoòng bắt đầu hình thành từ năm 1992 khi có 4 hộ gia đình đến đây sinh sống. Khoảng 6 năm sau, tăng lên thành 29 hộ. Nhưng vì cuộc sống khó khăn nên hiện nay cả bản chỉ còn vỏn vẹn 7 hộ với 29 nhân khẩu. Một điều đặc biệt, những hộ gia đình trên đều là anh em ruột trong một gia đình. Chính vì vậy, con cháu trong bản khi đến tuổi lập gia đình đều phải ra ngoài tìm người kết hôn. Con gái theo chồng đi nơi khác, con trai thì đem vợ về bản sinh sống. Do sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, muốn tiếp xúc với bên ngoài, họ phải vượt gần chục kilomet đường rừng núi gập ghềnh, hiểm trở, vì vậy cuộc sống của họ dường như bị cô lập với thế giới bên ngoài.


Sống giữa thung lũng sâu giữa bốn bề là núi, ở đây không có mạng điện lưới quốc gia, không có nguồn nước sạch, không có sóng điện thoại và đặc biệt, cơ sở y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân dường như là điều còn quá xa lạ. Nếu trong bản có người đau ốm, biện pháp được áp dụng để chữa bệnh là… lá cây rừng, bệnh nặng quá mới đem về trạm y tế xã. Và tất nhiên, vấn đề chăm sóc cho các bà mẹ và trẻ em ở đây chưa bao giờ được chú trọng.


Theo bà Hồ Thị Hoa (58 tuổi) - người phụ nữ già nhất bản, do sống giữa núi rừng hoang sơ, việc sinh con đẻ cái đối với người dân Vân Kiều nơi đây cũng “tự nhiên” như muôn loài muông thú. Cho đến tận bây giờ, người dân ở đây vẫn chưa một lần đến trạm y tế hay các cơ sở y tế khác để sinh con. Có những lúc, người phụ nữ khi trở dạ, nếu không kịp làm một cái chòi riêng biệt, thì việc sinh con đẻ cái diễn ra ngay trong ngôi nhà sàn của họ.


Từ xưa đến nay, việc đỡ đẻ cho sản phụ ở đây vẫn trung thành với phương pháp đỡ đẻ thủ công. Thông thường, họ chỉ cần chuẩn bị những vật dụng đơn giản như xô, chậu, nước nóng, kéo cắt rốn, mấy miếng vải, thuốc lá để tắm cho trẻ … là có thể đỡ đẻ được. Các “bà mụ” đỡ đẻ ở đây cũng không phải là các “bà mụ” chuyên nghiệp mà chính là những người phụ nữ thân thích trong gia đình như mẹ, chị em gái. Bản thân bà Hoa đã 7 lần sinh con, hàng chục lần đỡ đẻ cho con gái, con dâu.


Dù thế, vẫn chưa có trường hợp sinh nở nào gặp phải sự cố đáng tiếc, những đứa chào đời ở chốn rừng núi hoang vu này đều bụ bẫm, khỏe mạnh. Như thành thói quen từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức, những người phụ nữ Vân Kiều sống giữa chốn rừng thiêng nước độc này mỗi khi đến thời kỳ sinh đẻ đều có tâm lý ngại phải lặn lội đường sá xa xôi, gập ghềnh, khó đi, để tìm đến với các cơ sở y tế.


3 ngày, 3 đêm thức trắng, uống nước đang sôi trên bếp


Do đặc thù cuộc sống ở vùng núi cao hẻo lánh, cơ sở y tế không có, nên việc chăm sóc sức khỏe cho sản phụ ở đây cũng vô cùng khác lạ, họ chỉ biết dựa vào những bài thuốc gia truyền gồm rễ cây, lá cỏ ở chốn núi rừng.


Theo những kinh nghiệm của người Vân Kiều, 3 ngày đầu sau khi sinh nở là những ngày quan trọng nhất quyết định sức khỏe về sau của thai phụ. Vi vậy, để phục hồi lại sức khỏe, có thể trạng tốt, ngay sau khi vừa sinh xong, những sản phụ đều phải thức trắng 3 ngày 3 đêm và uống một loại nước được nấu từ rễ cây rừng đang sôi sùng sục trên bếp củi. Mỗi ngày, họ phải uống hết 5 nồi, mỗi nồi khoảng 4 lít.


Không như người Kinh, sau mỗi lần sinh nở, sản phụ thường “ở cữ” ít nhất một tháng, ở đây, sản phụ chỉ cần uống gần 60 lít nước từ rễ và lá cây rừng đang sôi sùng sục 3 ngày liên tiếp thì họ có thể tự đi lại sinh hoạt, giặt giũ quần áo của mình. Và cũng chỉ cần đúng một tuần sau khi uống loại nước thuốc đó, họ có thể lên rừng để làm nương rẫy.


Một điều rất kỳ lạ, theo quan niệm của người dân tộc Vân Kiều sống ở đây, áo quần, khăn, tã của đứa trẻ và áo quần của sản phụ mặc trong khi sinh và 3 ngày sau khi sinh phải để người đó đích thân xuống suối giặt, trong khi những người thân trong gia đình bị cấm, không được giặt giúp. Theo bà Hoa, mỗi khi trong gia đình có người mang thai đến tháng thứ 6, họ bắt đầu vào rừng tìm các loại thuốc là rễ và lá cây rừng, họ chọn lọc gần 10 loại khác nhau như rẹn ráo, dứa gai, củ éo, cây bồ câu, sâm rừng, hà thủ ô..., rồi rửa sạch thái mỏng, sau đó phơi khô, cất trữ. Những vị thuốc này khi chưa nấu, nếm sẽ có vị chát và đắng, nhưng khi được nấu sôi sẽ có vị ngọt.


Khi sản phụ đau bụng, có dấu hiệu sắp sinh, người thân trong gia đình sẽ lấy những rễ và lá cây đã chuẩn bị sẵn, cho vào nồi bắc lên bếp đun sôi. Đứa trẻ vừa lọt lòng cũng là lúc sản phụ bắt đầu thực hiện việc “xông phây”. Lúc này, sản phụ sẽ dùng một cái váy lớn quấn quanh người và đặt một nồi nước sôi vào trong để xông. Xông xong, sản phụ sẽ dùng một cái bát múc nước trong nồi nước đang sôi sùng sục đó để uống. Nước trong nồi cạn lại chêm thêm vào, đợi sôi lại tiếp tục uống. Sản phụ vừa uống vừa đi ngoài cho trôi hết những “thứ bẩn” trong người ra. Cứ thế, sản phụ vừa ngồi xông vừa uống nước sôi liên tục trong 3 ngày, 3 đêm liền.


“Trong 3 ngày đó, phụ nữ chúng tôi không ai được ngủ, phải thức cả ngày lẫn đêm để uống. Chúng tôi vừa múc nước, vừa thổi, vừa uống, hết nước lại chêm thêm, có những lúc buồn ngủ quá, ngủ gật, sẽ bị mẹ đánh thức dậy để uống tiếp”, chị Hồ Thị Thắm - người đã qua 4 lần sinh nở - chia sẻ.


Cùng với việc uống nước sôi từ rễ và lá cây rừng, trong thời kỳ sinh nở, chế độ ăn uống của người Vân Kiều ở đây cũng rất đặc biệt. Trong thời kỳ đầu vừa mới sinh xong, tất cả các loại thức ăn dành cho sản phụ đều phải thật khô và thật mặn. Muối được rang lên, nếu có thịt hoặc cá thì cũng phải được nướng hoặc kho khô và nêm muối gấp mấy lần bình thường. Chế độ ăn như vậy một phần để cho cơ thể được săn chắc, phần để giúp họ dễ dàng hấp thụ được lượng nước mà họ uống vào. Việc uống nước thuốc từ rễ và lá cây rừng phải được thực hiện liên tục trong một tháng rưỡi tiếp theo, với mục đích giúp những sản phụ nhanh chóng lấy lại sức khỏe, không đau ốm về sau. Tuy nhiên, lượng nước sẽ giảm dần so với 3 ngày đầu tiên.


Chị Hồ Thị Thư (22 tuổi) chia sẻ: “Khi về làm dâu ở đây, lúc mới sinh cháu đầu, do uống quá nhiều nước sôi nóng nên miệng tôi bị bỏng và rát, nhưng sau này, uống mãi rồi cũng thành quen, đến lúc sinh đứa thứ 2 thì cảm thấy việc uống nước sôi đó trở nên bình thường. Vì sức khỏe nên chúng tôi ai cũng phải uống”.


Đối với cuộc sống của người dân ở chốn rừng núi hoang vu, thiếu thốn mọi bề, việc uống loại nước được đun từ rễ cây và lá rừng đó dường như đã trở thành một loại “thần dược” để giúp những người phụ nữ tại nơi núi rừng hẻo lánh này trở nên rắn chắc, khỏe mạnh, thời kỳ hậu sản không bị ốm đau, mệt mỏi. Khi hỏi, loại rễ cây và lá rừng này được lấy từ cây gì, người dân ai cũng cười và không nói, bởi đối với họ, đó là “thần dược” bí truyền của những người phụ nữ nơi đây.







via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét