Hà Minh Trí bị bắt tại hiện trường vụ ám sát.
Người thương gia đi dự hội chợ
Cơ quan an ninh của ta có được thông tin đích thân Ngô Đình Diệm sẽ đến dự và cắt băng khai mạc Hội chợ Kinh tế cao nguyên tại thành phố Buôn Mê Thuột vào ngày 22.2.1957. Một kế hoạch ám sát Ngô Đình Diệm được vạch ra và người thực hiện là chiến sĩ an ninh Đinh Dũng - người đang khoác trên mình tấm áo lính giáo phái Cao Đài. Ngay lập tức, Đinh Dũng cùng đồng đội tổ chức mấy chuyến đi khảo sát, nắm thực địa vị trí tổ chức hội chợ ở Buôn Mê Thuột. Một thuận lợi lớn đối với anh là trong Trung đoàn 60 của Việt Nam Cộng hòa bảo vệ vòng ngoài buổi lễ khai mạc có rất nhiều lính Cao Đài sáp nhập vào.
Qua một “huynh trưởng” từng là lính Cao Đài ở Tây Ninh tham gia Trung đoàn 60 bảo vệ hội chợ, Đinh Dũng đã nắm khá đầy đủ kế hoạch bảo vệ Ngô Đình Diệm và các quan chức trong lễ khai mạc. Cũng nhờ người quen này, Đinh Dũng vào được tận sân lễ, mặc dù ban tổ chức chỉ cho phép các quan chức, chính quyền sở tại cùng một ít thương gia tham dự lễ khai mạc, sau đó hội chợ mới chính thức mở cửa cho người dân vào.
Trước đó vài giờ, trên chuyến xe khách buổi sớm khởi hành từ Sài Gòn cặp bến Buôn Mê Thuột, Đinh Dũng đến cao nguyên với tấm giấy thông hành mang tên Hà Minh Trí - một thương gia ở Tây Ninh cùng vợ lên dự hội chợ. Nhận súng đạn từ người đồng đội đóng vai vợ, Hà Minh Trí đưa “vợ” ra xe về Sài Gòn. Người đồng đội trong vai vợ bước lên xe trở về Sài Gòn mà nước mắt rưng rưng, vì chị biết rằng đó là cuộc chia tay không hẹn ngày gặp lại.
Tiễn người đồng đội nữ ra xe về Sài Gòn, “thương gia” Hà Minh Trí ung dung đi về nơi sắp khai mạc hội chợ. Khẩu súng tiểu liên MAT-49 đã được cưa báng và cưa nòng cho gọn nhẹ cùng băng đạn ém đầy 21 viên nằm gọn dưới lớp áo thương gia. Người quen là lính Trung đoàn 60 bảo vệ hội chợ đã đón Hà Minh Trí tại cổng hội chợ và anh không mấy khó khăn qua được vòng bảo vệ bên ngoài, rồi vòng bảo vệ bên trong, có mặt tại sân lễ, bên cạnh những quan chức, giới thương gia và dày đặc lực lượng quân cảnh bảo vệ. Hà Minh Trí đứng sát 1 quân cảnh mang cấp bậc thượng sĩ có vóc dáng cao to, hơn hẳn anh cả cái đầu. Người thượng sĩ quân cảnh mỉm cười chào người thương gia trẻ tuổi, Hà Minh Trí gật đầu chào lại, ông không thể ngờ chính tay thượng sĩ này sau đó đã cản trở ông, làm cho kế hoạch ám sát không thành công.
Từ vị trí của Hà Minh Trí và các thương gia tới dãy bàn dành cho các nhân vật quan trọng ngồi dự lễ khai mạc và cắt băng khánh thành là khoảng sân trống, cách gần 20m. Hà Minh Trí kín đáo kiểm tra lại súng đạn. Trong đầu người chiến sĩ vạch ra phương án hành động: Lúc bắt đầu chào cờ - là khi mọi người ít để ý chung quanh nhất, ông sẽ kín đáo lắp băng đạn và nổ súng về phía Ngô Đình Diệm, cùng lúc ông sẽ vừa ôm súng lao về phía Diệm vừa nổ súng tiếp. Gần đến 9h, ban tổ chức yêu cầu tất cả mọi người đứng dậy nghiêm trang chào “Ngô Tổng thống”.
Các quan chức địa phương bước vào đầu tiên, sau đó là Trần Kim Tuyến, Ngô Đình Nhu, rồi đến Ngô Đình Diệm, theo sau là Phạm Ngọc Thảo, ông Bộ trưởng Bộ Canh nông và nhiều quan chức khác. Đoàn khách VIP vừa an vị, tiếng hô chào cờ cùng lúc điệu nhạc bài “Tiến lên thanh niên” của Lưu Hữu Phước vang lên...
Cõng Ngô Dình Diệm chạy
Trong bộ phim nhiều tập nổi tiếng vào thập niên 1980 “Ván bài lật ngửa” của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý (tức ông Trần Bạch Đằng), sự kiện Hà Minh Trí ám sát Ngô Đình Diệm ở Buôn Mê Thuột được dành riêng một tập với cái tên “Phát súng trên cao nguyên”. Trong bộ phim, Hà Minh Trí sau khi nổ 2 phát súng về phía Ngô Đình Diệm, đã thoát ra khỏi hiện trường và được một đồng đội nữ nổ máy chiếc môtô phân khối lớn chờ sẵn để chở đi đào thoát. Sau một cuộc rượt đuổi ngạt thở trên những con đường ngoằn ngoèo quanh những vách núi, Hà Minh Trí mới bị đối phương bắt được. Trên thực tế thì người chiến sĩ cảm tử đã bị hàng chục tay an ninh chìm nổi các loại đè lên người ngay sau khi nổ súng.
Bắt đầu nghi thức khai mạc hội chợ, bài quốc ca chế độ Sài Gòn vang lên, cùng lúc lá cờ đỏ 3 sọc vàng được kéo lên, tất cả mọi người đứng nghiêm trang hướng về lễ đài. Người thượng sĩ an ninh đứng bên trái ông Hà Minh Trí đưa tay phải lên chào ngang mày, nhờ vậy mà che khuất tầm nhìn của y về phía ông Hà Minh Trí. Nhanh nhẹn và kín đáo, ông Trí đưa tay vào trong áo lắp băng đạn vào súng. Khi bài quốc ca mới hát được nửa lời, bất ngờ 2 tiếng nổ vang lên từ phía hàng đại biểu thương gia, kèm theo khói súng phảng phất. Sau vài giây sững sờ, mọi người mới biết chuyện gì xảy ra, cùng lúc tay Bộ trưởng Canh nông tên là Đỗ Văn Công đứng cạnh Ngô Đình Diệm đổ sụp vì trúng đạn. Hà Minh Trí tiếp tục chĩa súng về phía Ngô Đình Diệm và siết cò, nhưng đạn đã không lên nòng tiếp.
Rất lâu sau, khi trao đổi với các chuyên gia vũ khí về vụ kẹt đạn “chết người” nói trên, ông Mười Trí mới biết nguyên nhân: Do các ông “tham”, nhét đến 21 viên đạn vào băng, thay vì tối đa là 20 viên, mà lại nạp đạn từ ngày hôm trước, nên lò xo băng đạn bị “chay”, không đẩy tiếp đạn lên nòng.
Khi biết bị kẹt đạn, ông Trí còn bình tĩnh kéo cần lên đạn lại, nhưng đã quá muộn, tay thượng sĩ an ninh đứng kề bên đã biết chuyện gì xảy ra, tức thì chụp lấy tay ông Trí. Ông Trí vốn giỏi võ, bằng một động tác thật nhanh đã đánh bật cánh tay hộ pháp của tay thượng sĩ an ninh, xong ôm súng lao về phía Ngô Đình Diệm. Tay thượng sĩ an ninh cũng không vừa, nhanh nhẹn ngáng ngang chân ông Trí, làm ông vấp ngã sóng soài trên mặt đất, nhưng khẩu súng vẫn không rời tay. Lập tức, khoảng một chục quân cảnh nhào tới đè lên người ông Trí.
Từ bên dưới núi thịt người, ông Trí la lớn: “Tao có lựu đạn, chúng ta cùng chết”. Tức thì, những quân cảnh đang đè lên người ông Trí vội vàng tung dậy, nằm hết xuống xung quanh. Ông Trí lồm cồm bò dậy ôm khẩu súng, nhưng ở phía khán đài, những quân cảnh đã cõng Ngô Đình Diệm chạy mất. Một quân cảnh la lớn: “Nó không có đạn”. Tức thì cả núi thịt khi nãy lại đổ ụp xuống cơ thể nhỏ bé của ông Trí. Nằm bên dưới những người quân cảnh hộ pháp, ông Trí còn nghe được giọng nói hoảng hốt nhưng đanh thép của Ngô Đình Nhu ra lệnh cho trùm mật vụ Trần Kim Tuyến: “Giữ tất cả máy ảnh của phóng viên lại. Yêu cầu báo chí chỉ đưa tin, không tường thuật vụ việc”.
Sau này suy ngẫm lại, ông Trí thừa nhận, cố vấn Ngô Đình Nhu quả thật là tay lão luyện, trong tình huống đó mà ông ta vẫn rất tỉnh táo, xử lý tình huống thật “có nghề”. Nếu hình ảnh Ngô Đình Diệm hoảng hốt được những cận vệ cõng chạy được tung lên trang báo thì còn gì là ”Ngô chí sĩ”. Ngày hôm sau, báo chí Sài Gòn chỉ đưa tin ngắn về vụ ám sát, những ngày sau nữa mới có bài tường thuật vụ việc, kèm theo hình ảnh Hà Minh Trí bị bắt, tuyệt nhiên không có tờ báo nào đưa hình ảnh Ngô Đình Diệm được cõng chạy khỏi hiện trường.
Làm đảo điên chính trường Sài Gòn
Lễ khai mạc hội chợ kết thúc giữa chừng, Ngô Đình Diệm bay ngay về Sài Gòn còn người chiến sĩ cảm tử Hà Minh Trí bị đưa về Ty Cảnh sát Buôn Mê Thuột để thẩm vấn. Tại đây, trước sự hiện diện đông đủ của Ngô Đình Nhu, Trần Kim Tuyến, Phạm Ngọc Thảo và nhiều sĩ quan an ninh của Phủ Đầu Rồng và tỉnh Buôn Mê Thuột, khi bị thẩm vấn về động cơ ám sát Ngô Đình Diệm, ông Hà Minh Trí trả lời rành mạch theo đúng “lập trình”: “Tôi là lính giáo phái Cao Đài, tôi giết Ngô Đình Diệm để trả thù cho các thủ lĩnh Cao Đài, tôi hành động theo chỉ đạo của Mai Hữu Xuân và Dương Văn Minh”.
Nghe câu trả lời, Ngô Đình Nhu tái mặt, ra lệnh ngừng ngay cuộc thẩm vấn và yêu cầu những người có mặt tuyệt đối giữ kín nội dung cuộc thẩm vấn. Cẩn thận hơn, Ngô Đình Nhu lập ngay danh sách tất cả những người có mặt trong cuộc thẩm vấn. Đối với “ngài cố vấn” - được xem là bộ não của các sách lược của chính quyền Diệm, có thể thông tin kẻ ám sát tổng thống là lính giáo phái Cao Đài không thật hệ trọng, nhưng lời khai “hành động theo chỉ đạo của Mai Hữu Xuân và Dương Văn Minh” là vô cùng nghiêm trọng, vì vậy ông ta ra lệnh dừng ngay cuộc hỏi cung với nhiều thành phần tham dự, để chuyển kẻ ám sát về Sài Gòn, tiếp tục làm rõ mọi chuyện.
Chính lời khai “hành động theo chỉ đạo của Mai Hữu Xuân và Dương Văn Minh” của Hà Minh Trí đã có tác dụng làm nội bộ chính quyền Diệm phân hóa sâu sắc, gây đảo điên chính trường Sài Gòn, dẫn đến sự sụp đổ nền “Đệ nhất cộng hòa” và cái chết của anh em Diệm – Nhu.
Kỳ 5: Cuộc thẩm vấn của Phạm Ngọc Thảo – Nguyễn Thành Luân
xem thêm
-
Gặp người tử tù làm sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm (kỳ 3): Điểm hẹn Hội chợ Kinh tế cao nguyên Buôn Mê Thuột
-
Gặp người tử tù có công lớn làm sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm: Cậu bé sống sót qua nạn đói năm Ất Dậu
-
Gặp người tử tù có công lớn làm sụp đổ chế độ Ngô Đình Diệm
via Xã hội | Báo Lao Động Điện Tử
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét